Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thách thức không nhỏ

Hồng Nga| 15/12/2021 06:30

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được Chính phủ triển khai từ nhiều năm nay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp nhiều thách thức.

Khó cho doanh nghiệp nhỏ

Việc áp dụng tư duy về tăng trưởng xanh trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững và duy trì hoạt động hiệu quả. Điều này cũng sẽ mang đến những lợi ích về xã hội, môi trường và kinh tế cho Việt Nam. Thế nhưng, không nhiều DN làm được điều này. Tại Việt Nam, DNNVV chiếm đến hơn 90% DN. Dù đã ý thức được xu thế này và đã bắt đầu đầu tư, nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn.

Một trong những khó khăn nhất của các DNNVV là nguồn vốn hạn chế và khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ còn nhiều trở ngại. Hiện nay, hầu hết DNNVV không dễ tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại cho các dự án đổi mới, thay thế công nghệ và thiết bị có hiệu năng sử dụng năng lượng cao. Sự thay thế nguồn lực bằng năng lượng tái tạo và việc tích hợp tự nhiên vào mô hình kinh doanh là quá trình không thể nhanh chóng đạt được và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Đã vậy, lợi nhuận không thể có được ngay. Vì thế, DNNVV ít có khả năng theo đuổi được các mục tiêu chiến lược dài hạn như vậy. Đã vậy, do chi phí cho đầu tư phát triển rất cao và chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn DN thường sử dụng vật liệu giá rẻ và các nguồn năng lượng gây hại cho môi trường.

Một thách thức khác đến từ chính nội tại DN. Không phải DN nào cũng thực hiện được phát triển bền vững theo cách tạo ra giá trị lâu dài. Ngay cả những DN có quy mô lớn và đã triển khai phát triển bền vững đến nay vẫn tập trung chủ yếu vào việc quản lý rủi ro thay vì tạo dựng thêm giá trị cho sản phẩm, dịch vụ.

Mặc dù Việt Nam có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV. Số lượng DN được hỗ trợ còn ít, chưa tạo ra được hệ sinh thái cho DN phát triển bền vững trong khi để phát triển bền vững cần rất nhiều bên liên quan.

5435543-8284-1639126414.jpg

Hỗ trợ từ nước ngoài

Trước các thách thức của DN Việt Nam và để hỗ trợ Việt Nam hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, nhiều DN và tổ chức nước ngoài công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Schneider Electric mới đây cho biết sẽ tạo điều kiện cho DN, tổ chức tại Việt Nam cùng đạt đến mục tiêu chung: giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5ºC. Huawei cũng mong muốn thức đẩy ngành năng lượng trong lĩnh vực phát điện như điện mặt trời, điện gió, hỗ trợ hạ tầng giao thông thông minh, giao thông xanh, viễn thông và công nghệ thông tin.

Không chỉ DN mà các ngân hàng nước ngoài cũng hỗ trợ vốn cho DN đầu tư vào năng lượng xanh. Cụ thể, mới đây, Ngân hàng HSBC Việt Nam cung cấp tín dụng xanh ngắn hạn cho các DN Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tổ chức Tài chính Phát triển Proparco (Pháp) cũng đã cấp khoản vay 50 triệu USD cho một ngân hàng để phục vụ các dự án xanh (giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường). Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cung cấp khoản cho vay dài hạn lên đến 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam. 

Không chỉ cấp vốn, các tổ chức nước ngoài còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cho DN thúc đẩy phát triển bền vững và cung ứng các tiêu chí môi trường, xã hội, quản trị (ESG) trong DN. Theo bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, ngân hàng này sẽ hỗ trợ huy động vốn, cung cấp nguồn vốn cần thiết mang đến nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy các loại hình vận tải không phát thải carbon và khử carbon trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thách thức không nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO