Sức hấp dẫn của cổ phiếu FMCG

THÀNH LONG| 14/12/2016 01:31

Nhờ lợi thế về dân số đông và trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tiềm năng phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam còn rất lớn.

Sức hấp dẫn của cổ phiếu FMCG

Nhờ lợi thế về dân số đông và trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tiềm năng phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam còn rất lớn. 

Đọc E-paper

Trên sàn chứng khoán, có nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc FMCG. Lĩnh vực đồ uống là Công ty CP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), Sữa Hà Nội (HNX: HNM), Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (UPCoM: BHN), Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB), Bia Thanh Hóa (HNX: THB), Bia Sài Gòn - Miền Tây (UpCOM: WSB), Vang Thăng Long (HNX: VTL) , VinaCafé Biên Hòa (HOSE: VCF), Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD).

Lĩnh vực đồ khô, thực phẩm là Công ty CP Tập đoàn MaSan (HOSE: MSN), Tập đoàn Kido (HOSE: KDC), Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC), Bibica (HOSE: BBC), Bánh kẹo Hải Hà (HNX: HHC), Thực phẩm Hữu Nghị (UpCOM: HNF), Đồ hộp Hạ Long (HNX: CAN), Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (UpCOM: VSN), Lương thực - Thực phẩm Safoco (HNX: SAF), Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (HOSE: LAF)...

Mẫu số chung của các DN trên là làm ăn bài bản, trả cổ tức đều đặn. Một số DN còn là blue chip, có giá trị vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt thị trường, cổ phiếu luôn hấp dẫn, như VNM, MSN, KDC, VCF, BHN, SAB, VSN.

Trọng tâm của FMCG là kênh phân phối. Việc xây dựng mạng lưới phân phối yêu cầu rất nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến chi phí bán hàng và quản lý DN. Hiện nay các DN FMCG niêm yết trên sàn đã xây dựng khá tốt hệ thống phân phối, qua đó quản lý tốt được chi phí nhằm gia tăng doanh thu, đã có một số DN vượt được con số chục nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, 9 tháng năm 2016, doanh thu của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt 35.126 tỷ đồng, tăng 18%, lợi nhuận sau thuế đạt 7.535 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vinamilk đạt EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) 4.697đ/CP, P/E khoảng 20,92 lần, cao hơn P/E trung bình VN-Index.

Tiếp theo là Công ty CP tập đoàn Masan, trong 9 tháng năm 2016, đạt 30.148 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 58%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.533 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2015, trong đó phần lợi nhuận chia cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.847 tỷ đồng. MSN đang giao dịch với mức EPS 3.650đ/CP, P/E khoảng 17,35 lần.

Hai DN đứng đầu trong ngành bia là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng tạo nên con số ấn tượng.

9 tháng năm 2016, doanh thu thuần của Habeco đạt 7.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 756 tỷ đồng, BHN đang giao dịch với EPS đạt 3.830đ/CP, P/E khoảng 34,46 lần; doanh thu thuần của Sabeco đạt 21.808 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.658 tỷ đồng, SAB đang giao dịch với EPS đạt 5.320đ/CP, P/E khoảng 30,37 lần. Cả hai cổ phiếu Habeco và Sabeco đều tạo cơn sốt trên sàn OTC cho đến khi lên sàn niêm yết.

Lũy kế 9 tháng năm 2016, Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đạt doanh thu thuần 2.727 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 94,17 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm. VSN đang giao dịch với EPS đạt 1.440đ/CP, P/E khoảng 36,53 lần.

>>Giá cả phục hồi có "sưởi ấm" ngành than?

Theo Economist Intelligence Unit (EIU), năm 2015, tổng quy mô tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình Việt Nam đạt 127,7 tỷ USD, trong đó, chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống đạt 55,3 tỷ USD, chiếm 43,3% tổng mức tiêu dùng cả nước.

Theo Business Monitor International (BMI), tăng trưởng doanh thu ngành tiêu dùng trong 2 năm 2014 và 2015 lần lượt là 14,7% và 14,3%, dự báo mức tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2016 - 2019 có thể đạt 16,1%. Đến năm 2020, Việt Nam được đánh giá là nước có tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm, đồ uống cao thứ 3 trong nhóm các nước châu Á được khảo sát.

Tiềm năng của ngành thực phẩm, đồ uống được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, như dân số đông với tốc độ tăng bình quân 1,2%/năm, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa cao (đạt 35,7% năm 2015), thu nhập bình quân đầu người tăng, mạng lưới bán lẻ dày đặc, khuyến khích người dân mua hàng.

Như vậy có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng và phát triển của FMCG còn rất rộng. Những cổ phiếu thuộc ngành hàng này so với bình quân trong khu vực vẫn còn rẻ. Điều này cũng lý giải về sức hấp dẫn của VNM, SAB, BHN... trong thời gian qua. Đây là những cổ phiếu không những đáng để đầu tư mà còn có khả năng thu hút được lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

>>Có nên mua cổ phiếu ngành cao su?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức hấp dẫn của cổ phiếu FMCG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO