Số soán ngôi?

PHƯƠNG QUYÊN| 15/02/2012 03:37

Trong bối cảnh truyền hình cáp đã phủ gần như 100% ở địa bàn các thành phố lớn nhưng vẫn còn dè đặt ở khu vực nông thôn, truyền hình internet (IPTV) đang là con bài chiến lược để các công ty viễn thông xí miếng bánh truyền hình trả tiền.

Số soán ngôi?

Có hai yếu tố sẽ dẫn đến sự thay đổi rất lớn của thị trường truyền hình (TTTH): sự bùng nổ của internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình được chia sẻ cho tư nhân. Từ hai lĩnh vực riêng biệt, các tên tuổi của thị trường viễn thông như Viettel, FPT, lại đang nhảy vào mảnh đất truyền hình màu mỡ của VTV, HTV hay SCTV, tạo nên thế giằng co của truyền hình cáp và truyền hình internet, mở ra sự phát triển mạnh của nội dung số...

Trong bối cảnh truyền hình cáp đã phủ gần như 100% ở địa bàn các thành phố lớn nhưng vẫn còn dè đặt ở khu vực nông thôn, truyền hình internet (IPTV) đang là con bài chiến lược để các công ty viễn thông xí miếng bánh truyền hình trả tiền.

>>Cáp chiếm chỗ

IPTV: Con cưng nội dung số

Ảnh: Quý Hòa

Không hẹn mà gặp, ba “đại gia” của ngành viễn thông là VNPT, FPT và Viettel đều đang dốc sức cho cuộc chạy đua trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, thông qua phương tiện internet. VNPT có MyTV, FPT có OneTV và Viettel là NetTV. Không triển khai dịch vụ riêng, nhà cung cấp dịch vụ internet CMC Telecom cũng kết hợp với VNPT để cung cấp dịch vụ IPTV cho khách hàng của mình.

“Đây là thời của truyền hình internet (IPTV)”, ông Trang Lan Anh Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển truyền hình, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), nhận xét. Bởi vì, cho đến thời điểm này, IPTV đã chứng minh được ưu điểm so với các công nghệ truyền thống, nhất là khả năng tương tác trong thời kỳ bùng nổ nội dung số đã khiến IPTV hấp dẫn hơn.

“Cách thưởng thức chương trình truyền hình mới làm cho IPTV được người tiêu dùng chú ý. Trong bối cảnh TTTH trả tiền tại Việt Nam đang sôi động và còn nhiều tiềm năng phát triển thì IPTV chắc chắn sẽ phát triển mạnh và chen chân vào TTTH trả tiền chung”, ông Phương nhận định.

Một trong những nguyên nhân góp phần làm cho công nghệ IPTV trở nên phổ biến và phát triển chính là băng thông của internet ngày càng mở rộng. Tốc độ dịch vụ internet băng thông rộng trong 2-3 năm gần đây đã đạt đủ “độ rộng” để người dùng trải nghiệm được nhiều dịch vụ với chất lượng tốt nhất.

Thực chất, IPTV là công nghệ truyền dẫn cho phép truyền các tín hiệu hình ảnh và âm thanh trong truyền hình qua các hệ thống mạng IP (Internet Protocol). Nhờ vậy, so với các dịch vụ truyền hình truyền thống hiện nay, dịch vụ này cho phép khán giả chủ động lựa chọn những nội dung mình muốn xem, có thể xem lại những chương trình mình đã lỡ giờ phát sóng trong thời gian một tuần...

Bên cạnh đó, trên nền tảng hạ tầng mạng internet, ưu thế kỹ thuật của IPTV là có thể cung cấp nhiều dịch vụ giải trí đa phương tiện khác nhau. Điều này sẽ cho phép người dùng có thể sử dụng TV để truy cập đến những nội dung đa phương tiện như ảnh số, video, lướt web, nghe nhạc...

Cuộc chiến bản quyền

Nhiều lợi thế nhưng theo đánh giá từ người dùng, vì truyền dẫn hình ảnh, âm thanh trên nền của đường truyền internet nên về chất lượng hình ảnh, nếu so sánh với truyền hình cáp, IPTV vẫn còn có một khoảng cách tương đối.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, một thuê bao IPTV của FPT, nhận xét: “Người dùng IPTV chỉ hài lòng về chất lượng hình ảnh khi xem nội dung HD trên IPTV. Trong trường hợp nội dung là SD, chất lượng khó so sánh với truyền hình cáp”.

Trong khi truyền hình cáp sắp sửa bước vào tuổi lên 10 thì IPTV chỉ mới chập chững tuổi lên 3. Thời gian cung cấp chưa lâu nên có khá nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi, chưa hiểu rõ các ưu điểm của dịch vụ sẽ cảm thấy phức tạp do dịch vụ này đòi hỏi phải dùng các thiết bị giải mã.

Đặc biệt, các đơn vị truyền hình cáp có lợi thế hơn khi hầu hết nội dung đều xuất phát từ các đài truyền hình, còn IPTV thì phải đi mua nội dung. Cuộc chiến bản quyền nội dung đang ngày càng gay gắt và sức ép tăng giá dịch vụ lại gặp phản ứng từ khách hàng. Đây cũng là bài toán đau đầu của toàn TTTH trả tiền của Việt Nam.

Tuy nhiên, với những “đại gia” như VNPT, FPT, Viettel, việc cung cấp dịch vụ của IPTV lại tương đối thuận lợi do dịch vụ này đính kèm với đường truyền internet vốn đã phát triển khắp các tỉnh, thành, đến tận các xã và vẫn còn đang hứa hẹn phát triển nhiều hơn nữa.

“Về cơ bản, IPTV không thể và cũng không nên cạnh tranh với truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh nhưng bằng lợi thế riêng của mình, IPTV cung cấp các dịch vụ như là một dịch vụ truyền hình thay thế với lợi thế riêng”, ông Anh Phương nhận định.

Việt Nam hiện có 3,5 triệu thuê bao internet băng thông rộng và đây là khách hàng tiềm năng của dịch vụ IPTV, bởi dịch vụ này được cung cấp trên đường truyền internet băng thông rộng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, lượng thuê bao của dịch vụ này sẽ tăng mạnh do có sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ IPTV cùng với lượng thuê bao internet băng thông rộng được dự báo sẽ tăng nhanh.

Thêm người, xẻ bánh

Một lợi thế có tính “chiến lược” khác của IPTV là tập hợp được chương trình độc quyền của nhiều đơn vị cung cấp truyền hình cáp như VTVC, HTVC..., giúp người dùng không phải phân vân chọn lựa. Bởi, việc chọn thuê bao của nhà cung cấp này đồng nghĩa với không thể xem các kênh riêng của nhà cung cấp khác.

Theo tiết lộ từ phía Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, đơn vị sở hữu MyTV của VNPT, hiện MyTV đã phát triển đúng với mục tiêu đề ra là hơn 800.000 thuê bao trong năm 2011.

Theo VASC, dựa trên đường truyền cáp quang rộng khắp cả nước của VNPT, MyTV sẽ còn phát triển thuê bao nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Hiện, dịch vụ này có 70 kênh truyền hình và kho dữ liệu với hơn 1.000 bộ phim, 10.000 bài hát... VNPT dự báo đến năm 2015, lượng thuê bao cho dịch vụ IPTV của VNPT có thể sẽ tăng gấp 5 lần so với hiện tại.

Đẩy mạnh phát triển IPTV không kém là FPT. Tuy đã cung cấp dịch vụ iTV từ trước nhưng trong năm 2011, FPT Telecom đã tiên phong trên thị trường khi mang đến cho khách hàng gói dịch vụ giải trí đa phương tiện là VDSL và OneTV dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

VDSL là thế hệ tiên tiến của công nghệ DSL, cung cấp tốc độ nhanh và ổn định hơn nhiều lần so với đường truyền ADSL thông thường cùng chi phí hợp lý.

Phía FPT cho hay, OneTV chọn phát triển trọng tâm vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng dịch vụ để thỏa mãn sự trải nghiệm của khách hàng. Dựa trên thế mạnh là lượng thuê bao của FPT Telecom, OneTV là một trong những dịch vụ được kỳ vọng nhất của FPT trong năm 2012.

Lợi thế công nghệ, mới lạ trong dịch vụ, IPTV dù còn nhược điểm nhưng vẫn đang có nhiều lợi thế phát triển. Tuy nhiên, không chỉ chấp nhận ở điểm dừng IPTV, mới đây Viettel cũng đã hé lộ về chuyện lấn sân sang truyền hình cáp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, bao gồm cả truyền hình vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp..., thị trường rộng lớn này đủ sức hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nào. Do vậy, dù đã và đang triển khai NetTV nhưng Viettel cũng sẽ tiến đến truyền hình cáp.

“Mật độ thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam còn thấp so với các nước. Từ năm 2012 sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia sân chơi này, tạo đột phá lớn cho truyền hình trả tiền”, ông Hùng khẳng định.

Theo nhiều nhận định, Viettel, với lợi thế về đường truyền dẫn, nguồn tài chính mạnh trong cuộc đua mua bản quyền truyền hình, sẽ gây lo ngại cho các đối thủ, kể cả VTV, HTV, K+ và AVG.


So kè dịch vụ

- Sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ, MyTV đang đạt khoảng 500.000 thuê bao, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao ở mức 70.000 đồng. MyTV đang có 90 kênh truyền hình (trong đó có 13 kênh HD) và nhiều gói dịch vụ khác theo yêu cầu, như: phim truyện, âm nhạc, karaoke, trò chơi, thể thao, đọc truyện, giáo dục, sức khỏe - làm đẹp…
- OneTV có 74 kênh truyền hình trong và ngoài nước, trong đó sẽ cung cấp miễn phí 30 kênh. Đặc biệt, OneTV triển khai dịch vụ xem YouTube trên tivi, kho nhạc NhacSo.net. OneTV đạt khoảng 70.000 thuê bao trong năm 2011.
- Theo đại diện của Viettel, dịch vụ IPTV của nhà mạng này với thương hiệu NetTV đang có khoảng 15.000 thuê bao và đặt mục tiêu sẽ đạt 300.000 thuê bao vào một vài năm tới. Trong số đó, lượng thuê bao chủ yếu của IPTV là ở các tỉnh, thành phía Nam, như: Tây Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, “nơi mà truyền hình cáp chưa phát triển”, thay vì ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số soán ngôi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO