Số lượng không làm nên ưu thế

PHAN LÊ| 23/04/2011 09:06

Trên thị trường nội địa, DN sản xuất bao bì trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, 70% còn lại do các DN nước ngoài nắm giữ. Trong khi, nếu xét về mặt số lượng, DN bao bì Việt Nam đã vượt con số 1.000, gấp năm, sáu lần số lượng DN ngoại.

Số lượng không làm nên ưu thế

Trong hệ thống phân phối hiện đại, khi mà siêu thị và các cửa hàng tiện nghi đang dần thay cho những tiệm tạp hóa và chợ, bao bì đóng một vai trò quan trọng đối với quyết định chọn lựa sản phẩm của người tiêu dùng trong hàng trăm loại hàng hóa cùng loại trên kệ trưng bày. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) chú trọng đến bao bì cùng với các hình thức quảng bá, phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, thị trường bao bì hiện nay nằm gọn trong tay các DN nước ngoài với ưu thế về tài chính, kỹ thuật.

Bài 2: Vùng vẫy ở chiếu dưới

Trên thị trường nội địa, DN sản xuất bao bì trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, 70% còn lại do các DN nước ngoài nắm giữ. Trong khi, nếu xét về mặt số lượng, DN bao bì Việt Nam đã vượt con số 1.000, gấp năm, sáu lần số lượng DN ngoại.

Trưng bày bao bì ở Triển lãm Propak

Thống kê sơ bộ một số công ty thực phẩm lớn như: Kinh Đô, Vinamit, Kirin Acecook..., gần như toàn bộ bao bì đều đặt hàng các công ty bao bì nước ngoài. Lý do chung được đưa ra là bao bì của các DN nước ngoài thường có kỹ thuật in ấn cao hơn, cho ra những sản phẩm bao bì đẹp mắt, tinh xảo.

Mặt khác, chi phí in ấn của các DN Việt Nam không ổn định do phần lớn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, trong khi tỷ giá ngoại tệ lại biến động thường xuyên.

Ông Kamimura Yosuke, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Acecook Việt Nam, cho biết, trung bình Công ty cho xuất xưởng 700.000 chai/tháng, bao bì chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Do giá bao bì tại Việt Nam tăng mạnh nên Kirin Acecook đang dần chuyển sang đặt hàng bao bì các DN nước ngoài.

Bà Ngô Lệ Thu, Phó giám đốc Kinh doanh Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cho biết, đối với ngành thực phẩm xuất khẩu, bao bì sản phẩm là vô cùng quan trọng. Song, hiện nay, các DN trong ngành thực phẩm, với quy mô sản xuất nhỏ chưa đánh giá đúng điều này, mặt khác do muốn tiết giảm chi phí nên họ cứ giữ bao bì cũ.

Hiện tại, dù DN thành viên của SATRA vẫn cung cấp bao bì cho toàn hệ thống, tuy nhiên, những sản phẩm bao bì có mẫu mã đẹp và chất lượng cao thì vẫn phải đặt hàng nhà cung ứng bao bì ngoại vì DN thành viên cung ứng bao bì chưa đáp ứng được những yêu cầu ấy.

Là nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Vũ Linh, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Lotte Việt Nam, cũng cho rằng, bao bì không đạt chất lượng làm cho hàng hóa Việt Nam kém sức hút. Vì vậy, đối với nhiều dòng sản phẩm gia công hoặc đặt hàng tại Việt Nam thì Lotte đảm nhiệm phần thiết kế bao bì.

Theo ông Đào Hiển Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại Bao bì Sài Gòn (Saigon Trapaco), nhu cầu về bao bì của thị trường trong nước còn rất lớn nên tính cạnh tranh sẽ không nhỏ.

In bao bì tại Saigon Plastic

Mặc dù vậy, phần lớn thị phần cung ứng bao bì trong nước đang thuộc về các DN nước ngoài. Theo ông Thắng, DN nước ngoài có thế mạnh về nguồn vốn, cũng như các kỹ thuật, máy móc hiện đại nên họ có thể dự trữ vật tư, ổn định mức giá tương đối lâu cho khách hàng. Đó là nguyên nhân vì sao các công ty lớn ở Việt Nam như Unilever, Nestle... đều đặt hàng của nhà sản xuất bao bì ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Liksin so sánh: “Ở Mỹ, ngành sản xuất bao bì là 1 trong 10 ngành công nghiệp đứng đầu.

Nhưng tại Việt Nam, nhìn chung ngành này chưa được đánh giá cao lắm. Những DN trong ngành bao bì đa phần là công ty gia đình, DN thuộc loại hình vừa chưa thể đếm được trên đầu ngón tay”.

Theo khảo sát, các DN Việt Nam mới chỉ làm được những sản phẩm đơn giản như bao bì cho mì gói, cà phê, một số mặt hàng thủy hải sản...

Thế nhưng, ngay cả với mặt hàng thế mạnh này vẫn chưa đáp ứng được hai yếu tố cạnh tranh hàng đầu với các DN nước ngoài: giá rẻ và chất lượng cao. Đôi lúc chất lượng tương đồng, nhưng giá cả chỉ cần chênh nhau một khoảng nhỏ cũng có thể mất khách hàng ngay.

Ông Thắng tính toán: đối với ngành bao bì in, mỗi sản phẩm có những trục in khác nhau (cỡ chữ, màu sắc, hình ảnh...), mỗi trục in có giá từ 3 triệu đến 8 triệu đồng, chưa kể chi phí màu in (mỗi sản phẩm thường có từ 5 - 8 màu).

Do đó, để có được một mẫu in bao bì, chi phí cố định phải mất khoảng 15 triệu đến 40 triệu đồng. Đây cũng là chi phí "buộc chân" khách hàng. Thế nhưng với DN nước ngoài, họ sẵn sàng miễn phí luôn chi phí này cho khách!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số lượng không làm nên ưu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO