Sản xuất sạch, tăng trưởng xanh

NAM KHUÊ| 03/09/2009 09:09

Khí thải nhà máy, nước thải công nghiệp, hệ thống tiêu thụ điện năng lớn... là những nguyên nhân chủ yếu khiến DN trở thành tác nhân hủy hoại môi trường...

Sản xuất sạch, tăng trưởng xanh

“VN là một trong 15 quốc gia bị ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi biến đổi khí hậu mà cộng đồng DN là một trong những nguyên nhân chính gây nên điều đó”- ông Olivier Jacquet, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại VN (Eurocham) khẳng định như vậy tại hội thảo Biến đổi khí hậu và hành động của DN, do diễn đàn DN VN - EU (VEUBF), Eurocham phối hợp cùng Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 28/8 tại TP.HCM.

Khí thải nhà máy, nước thải công nghiệp, hệ thống tiêu thụ điện năng lớn... là những nguyên nhân chủ yếu khiến DN trở thành tác nhân hủy hoại môi trường.

DN VN cần hướng tới những mô hình sản xuất sạch và xanh cho phát triển bền vững

Khảo sát các DN VN, bà Nguyễn Thị Tuyền, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Tài nguyên Môi trường cho biết, hoạt động của các lò hơi hiện nay đều rất lãng phí, các mối nối rò rỉ dẫn đến khí thoát ra ngoài rất nhiều. Lợi dụng nguồn tài nguyên nước còn đang được bán với giá rẻ, DN không xử lý chất thải từ đầu nguồn và dùng nước để cuốn trôi các phế phẩm, thải ra ngoài, khiến bộ máy xử lý chất thải phải vận hành nhiều hơn. “Hoạt động sản xuất vốn đã góp phần biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng lãng phí như thế còn thúc đẩy quá trình này nhanh hơn”- bà Tuyền khẳng định.

Ý thức được điều này, một số DN VN đã bắt đầu xây dựng và ứng dụng thử chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện, thay vào đó là sử dụng năng lượng sinh khối từ nguồn rác thải của hoạt động sản xuất như Công ty KCP (Phú Yên), Công ty NIVL (Bến Lức, Long An), Giấy Bãi Bằng... Kết quả, chi phí chi trả cho năng lượng của các đơn vị này đều giảm mạnh. “Áp dụng quy trình sản xuất sản, có đơn vị giảm được đến 50 % chi phí”- bà Tuyền cho biết.

Vướng mắc duy nhất hiện nay đang là vấn đề kinh phí đầu tư. Đối chiếu với giá cả giữa sản phẩm cũ và sản phẩm tiết kiệm điện năng, an toàn với môi trường, đơn cử như đèn Halogen và đèn LED; lò nung gạch khí hóa trấu và lò nung gạch truyền thống..., chi phí chênh lệch lên đến gấp 10 lần. Trong tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay, giá thành đầu tư tăng cao như vậy thực sự trở thành rào cản cho DN. Tuy nhiên, theo ông Alex Ngian, Tổng giám đốc Công ty Philips Lingting VN, nếu tính theo thời gian sử dụng, các thiết bị mới, có lợi cho môi trường thường có công suất lẫn tuổi thọ cao hơn, phép so sánh về lợi ích lúc này sẽ cho ra kết quả hấp dẫn hơn rất nhiều. Đơn cử như việc chiếu sáng cầu Phú Mỹ, với hệ thống bao gồm hơn 1.000 bộ đèn mới, số điện năng tiết kiệm được hằng năm là 250.536 kWh, tương đương 17.186 USD.

“Với mức độ sản xuất không ngừng phát triển, trong 10 đến 15 năm tới, trách nhiệm với việc thải khí carbon sẽ càng nặng nề hơn”- ông Colin Steley, Giám đốc Dự án Đông Nam Á, Công ty Tư vấn First Climate khẳng định. Khi đó, những chương trình phát triển bền vững sẽ thúc đẩy các nước tiên tiến đòi hỏi nhà cung cấp các sản phẩm cho họ phải có quy trình sản xuất sử dụng năng lượng có thể tái tạo được, không nguy hại với môi trường. Nếu muốn giữ thị trường xuất khẩu, VN tất yếu phải tuân thủ những qui định này. Thế nhưng, đến lúc đó mới bắt đầu xây dựng giải pháp sản xuất sạch thì có lẽ là quá muộn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản xuất sạch, tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO