Sàn giao dịch hàng hóa: "Thế đứng" mới cho nông sản Việt

Ngọc Quỳnh- Minh Thông| 05/02/2022 05:56

Một trong những yếu tố thúc đẩy và khuyến khích được nhiều người tham gia kinh doanh các mặt hàng nông sản là thông qua sàn (sở) giao dịch hàng hóa. Và tương lai Việt Nam, tương lai TP.HCM không thể thiếu một sàn giao dịch hàng hóa đúng nghĩa.

Sàn giao dịch hàng hóa:

Vì sao chưa có sàn giao dịch hàng hóa đúng nghĩa

Ngày 28/12/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 158 quy định chi tiết về việc mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (Nghị định 158). Ngày 30/12/2013, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về giải pháp công nghệ và yêu cầu kỹ thuật trong mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (SGDHH).

Tuy nhiên, hầu hết SGDHH đều hoạt động hạn chế, có sàn đã chấm dứt hoạt động bởi theo quy định tại Nghị định 158, hàng hóa chỉ được niêm yết và giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158 hướng dẫn mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho phép MXV được phép liên thông với các SGDHH trên thế giới, đồng thời được phép niêm yết những loại hàng hóa mà Nhà nước cho phép thì một số SGDHH trước đây đã được phục hồi. 

MXV hoạt động theo hướng liên thông với các SGDHH nước ngoài để giao dịch và đã cơ bản hình thành bộ chỉ số hàng hóa MXV. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản thì MXV chưa phát huy được vai trò của một SGDHH thực sự và chưa giúp Việt Nam phát huy được lợi thế là nhà sản xuất và xuất khẩu vào loại hàng đầu thế giới một số nông sản như cà phê, tiêu, gạo, điều nhân.

nongsanvie-1595405197-19-5512-1643269565

Một số nguyên nhân chính có thể kể ra sau đây.

Theo thông lệ quốc tế, các giao dịch phái sinh hàng hóa (PSHH) được thanh toán bằng một trong hai hình thức: 

Cash-Settlement - thanh toán chênh lệch giữa giá mở và đóng trạng thái tương lai hàng hóa (TLHH), là hình thức phổ biến nhất và đang được áp dụng tại các ngân hàng giao dịch PSHH tại Việt Nam (do quy định bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 40).

Giao hàng thực tế - Physical Delivery - hình thức giao nhận hàng hóa vật chất, là hình thức chưa được áp dụng tại thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện MXV chỉ áp dụng hình thức Cash-Settlement với các hợp đồng TLHH cho những mặt hàng liên thông quốc tế, đồng thời chưa xây dựng được quy trình thanh toán qua hình thức Physical Delivery và tiêu chuẩn giao nhận vật chất đang được tham chiếu theo tiêu chuẩn hợp đồng TLHH trên các sàn giao dịch quốc tế. 

Tiếp theo đó là việc phối hợp quản lý chưa nhất quán giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo khung pháp lý đồng bộ cả về hàng thực, về các loại hình sản phẩm giao dịch PSHH trên sàn, về phương thức thanh toán. Ở các nước phát triển, thường SGDHH phái sinh được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính và được xem là công cụ, sản phẩm tài chính.

Cũng như thị trường chứng khoán, để có được SGDHH cần phải có một platform (nền tảng) và quan trọng thu hút được người mua và người bán. Nhưng khác thị trường chứng khoán là SGDHH cần đối ứng với hàng thật để lấy hàng thật khi cần, nhưng Việt Nam đang yếu ở khoản này. 

Để Sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam "chạy tốt"

Để phát huy được lợi thế về sản xuất, xuất khẩu, làm chủ được giá hàng hóa, cần một platform chuẩn và tiện lợi để các nhà kinh doanh hoạt động trên đó, gọi là người mua và người bán cùng với các quy định chặt chẽ kiểu như thị trường chứng khoán, yếu tố công bằng và minh bạch là vô cùng quan trọng.

Cùng với đó, phải có kho chuẩn để người kinh doanh đưa hàng gửi vào đó rồi chốt giá trên sàn. Đặc biệt là phải có đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng hóa lành nghề (KCS) để kiểm soát hàng hóa đầu vào một cách chuyên nghiệp. Đồng thời cần người quản trị kho thật chuyên nghiệp và công bằng.

Các sản phẩm ở SGDHH phải có tiêu chuẩn bằng với tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

e6262b1eed05205b7914-1985-1643269565.jpg

Việt Nam vẫn thiếu những nền tảng. Vì sao?

Trước hết là lệnh mua bán không được khớp, yếu tố công bằng và minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ, do đội ngũ KCS chưa thật lành nghề và chính trực. Quyết định sự thành bại của SGDHH quan trọng là sự trung thực và không bị sức ép về tiền bạc và quan hệ. Phải làm cho người đưa hàng vào sàn tin cậy mới được.

Một yếu tố quan trọng khác là người quản lý sàn và quản lý kho bãi phải rất kỷ luật để tránh tình trạng đối tác phải "xin xỏ”. Làm ngành này phải nghiêm khắc và uy tín thì mới gầy dựng được thương hiệu, từ đó được nhiều người tin tưởng gửi hàng vào kho.

Cuối cùng là chất lượng hàng hóa  phải đạt chuẩn quốc tế. Những mặt hàng sẽ xuất khẩu phải được kiểm định, kiểm soát thật chặt chẽ cả chất lượng lẫn mẫu mã, tránh tình trạng khi hàng vào kho có chất lượng tốt, đến khi lấy ra thì chất lượng giảm, có thể phá hủy niềm tin dẫn đến thất bại. Chất lượng sản phẩm tương đồng với thế giới sẽ dễ dàng xuất khẩu và tạo tâm lý tốt cho người kinh doanh trên sàn.

Một khi SGDHH "chạy tốt", huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường sẽ giúp kiểm soát được sản lượng mùa vụ, hạn chế bán tháo để huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống hàng hóa và tạo thế đứng độc lập cho ngành nông sản Việt Nam.

Các nước sản xuất, xuất khẩu nông sản trên thế giới đều có sàn hàng hóa của riêng họ nên việc xây dựng thương hiệu nông sản thuận lợi.

Hãy hình dung, nếu hạt tiêu của Việt Nam có sàn hàng hóa riêng thì với việc xuất khẩu chiếm đến 60% thị phần trên thế giới sẽ quyết định được giá mua và bán.

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng nông sản, nếu có SGDHH thực sự, có hệ thống kho liên kết với sàn thì sẽ tạo ra thị trường trung gian khổng lồ, thu hút một lượng vốn lớn trong giao dịch, buôn bán. 

Khi Việt Nam có SGDHH đúng nghĩa thì sẽ ít phụ thuộc vào các sàn giao dịch trên thế giới và giúp hàng chục mặt hàng duy trì được sự ổn định về giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sàn giao dịch hàng hóa: "Thế đứng" mới cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO