Quỹ đầu tư - doanh nghiệp: Cẩn trọng khi hợp tác

NGỌC ANH| 20/08/2018 03:32

Doanh nghiệp khi "bắt tay" với các quỹ đầu tư cần phải có sự chuẩn bị, am hiểu đầy đủ về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế, nguyên tắc hoạt động của những tổ chức chuyên rót vốn này.

Quỹ đầu tư - doanh nghiệp: Cẩn trọng khi hợp tác

Trong hồi ký Từ khởi nghiệp đến M&A, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - nhà sáng lập Bệnh viện Hoàn Mỹ đã ngậm ngùi đúc kết "Mục tiêu của nhà đầu tư khi rót vốn là tái cơ cấu tài chính, sau đó họ tìm nhà quản lý để hướng đến mục tiêu doanh thu mà họ định ra nhằm tăng giá trị của Hoàn Mỹ lên gấp nhiều lần. Tiếp sau, họ sẽ bán cổ phần với giá cao cho một đối tác khác để thu lợi nhuận". Điều này khác hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu của ông là "có lợi cùng hưởng, có lỗ cùng chịu". 

Một hối tiếc khác đối với ông Nguyễn Hữu Tùng trong lần bắt tay với quỹ đầu tư là ông đã không thuê luật sư tư vấn để có những thỏa thuận công bằng.

Ỏ vị trí người trong ngành, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thừa nhận, mục tiêu của các quỹ đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp là làm sao doanh nghiệp hoạt động tốt để chia lợi nhuận. Từ mục tiêu này, họ thuê luật sư tư vấn cách ràng buộc doanh nghiệp để được an toàn nhất.

Link bài viết

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen sử dụng luật sư chuyên nghiệp để cùng đàm phán từng điều khoản, rà soát hợp đồng, nên xung đột mới xảy ra. "Nếu doanh nghiệp hiểu tập quán mỗi bên, lưu ý những chi tiết trong hợp đồng thì sẽ giảm được mâu thuẫn và thất vọng", ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc cho rằng, doanh nghiệp tư nhân không nên kỳ vọng quá nhiều vào những lời chào mời hấp dẫn từ các quỹ đầu tư.

Khác với hình thức đầu tư cổ phiếu trên sàn, các quỹ đầu tư tư nhân (PE) thường đặt ra KPI (chỉ tiêu hoạt động) nhất định về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đối với công ty mà họ rót vốn. Mức KPI ra sao sẽ tùy thuộc vào định giá doanh nghiệp lúc đầu tư.

Bàn về việc này, ông Phan Lê Thành Long nhận thấy, chính doanh nghiệp tư nhân khi gọi vốn đầu tư cũng đã vẽ ra viễn cảnh quá đẹp nhằm đạt định giá tốt nhất, bán được cổ phần với giá cao nhất. Các quỹ đầu tư dựa trên sự tin tưởng vào kinh nghiệm, khả năng của đội ngũ sáng lập doanh nghiệp cũng lạc quan với viễn cảnh đó, sẵn sàng trả giá cao. Nhưng đổi lại, các quỹ đầu tư cũng đưa ra những điều khoản cam kết lợi nhuận, tăng trưởng ở mức cao tương xứng, như một cách phòng ngừa rủi ro.

"Bởi họ là những đơn vị sử dụng tiền của người khác nên họ rất cẩn trọng. Cổ đông đóng góp tiền vào quỹ luôn yêu cầu phải sử dụng một cách có kế hoạch. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có thói quen làm việc không có kế hoạch, thậm chí tùy tiện. Đây là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn đôi bên", ông Nguyễn Quốc Toàn - chuyên gia trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư, chuyên về M&A, đánh giá.

Tại Việt Nam, một khoản đầu tư của các quỹ PE thường kéo dài từ 3 - 5 năm với IRR trên 20%. Cũng có những thương vụ, như trường hợp VinaCapital rót vốn vào Masan Group, đã nhận về tỷ suất sinh lời nội bộ lên đến 83%. Hay trong đầu tư vào Hilton Hotels, VinaCapital đạt IRR đến 26%.

Mới đây hơn, Mekong Capital - một quỹ PE trên thị trường Việt Nam công bố những con số ấn tượng. Toàn bộ Quỹ Doanh nghiệp Mekong II (MEF II), sau thoái vốn đã ghi nhận IRR chung cuộc là 22,5%. Đi vào chi tiết từng danh mục, MEF II từng đạt IRR ở mức 61,1% khi thoái vốn khỏi Thế Giới Di Động. Con số này ở Trường Quốc tế Việt Úc (ACC), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Cổng Vàng đều cao, lần lượt đạt IRR là 25,8%, 18,7% và 26%. Dragon Capital cũng chốt lãi với mức IRR tại khoản đầu tư vào VPBank là 21%.

Nếu xét góc độ này, so với mặt bằng chung, yêu cầu về IRR 22%/năm cho Công ty CP Ba Huân không phải quá cao. Nhưng như các chuyên gia nhận định, Ba Huân vốn là công ty gia đình, với cổ phần chủ yếu của người nhà bà Phạm Thị Huân, nên tư duy quản trị ở Ba Huân vẫn còn nhiều điểm chưa theo kịp những đòi hỏi mới từ phía quỹ đầu tư.

Trong hoàn cảnh mức IRR trên 20% là quá áp lực, nên theo ông Phan Lê Thành Long, các doanh nghiệp nên dựa vào năng lực bản thân trước.

Ở khía cạnh tư vấn, ông Nguyễn Quốc Toàn cho rằng, nếu chủ doanh nghiệp có tư vấn giỏi, nhà tư vấn sẽ sử dụng mức tăng trưởng ngành, thông lệ tốt nhất, sự sẵn sàng của bộ máy để giải thích, đưa công ty trở về "mặt đất".

Trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn "đeo" theo mục tiêu cao, tư vấn có thể đưa ra các điều khoản giúp phòng vệ, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp không đạt được kế hoạch.

Vụ lùm xùm ở Ba HuânVinaCapital sẽ để lại ít nhiều tổn hại uy tín cho cả 2 bên. Nhưng đây chính là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Theo các chuyên gia, nếu khôn khéo và được tư vấn tốt, doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng sức mạnh từ các quỹ đầu tư. Hiện tại, VinaCapital, Dragon Capital, Mekong Capital đều là những quỹ đầu tư lớn trên thị trường.

Tính riêng VinaCapital, trong nửa đầu năm nay đã thông qua các quỹ con rót hàng trăm triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với Dragon Capital, cụ thể là quỹ VEIL, danh mục đầu tư đáng chú ý ở Thế giới Di Động, ACB, Sabeco, Khang Điền, Vinhomes, Đất Xanh.

Về phần Mekong Capital, sau thoái vốn để chuẩn bị đóng quỹ, chỉ còn tập trung vào Vua Nệm, Yola, Nhất Tín, Vàng bạc Đá quý Bến Thành, Chảo Đỏ, F88, ABA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quỹ đầu tư - doanh nghiệp: Cẩn trọng khi hợp tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO