![]() |
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam từ đầu năm đến nay tuy chỉ bằng 63,7% so với cùng kỳ 2011, nhưng điều an ủi là có hơn 359 dự án tăng vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm 3,8 tỷ USD; tăng 12,3% so với năm trước. Đa phần các dự án tăng vốn đều nằm trong nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và phân phối.
Việc Suntory (Nhật Bản), Pepsi, Dược phẩm Sanofi Aventis hay Kirin Việt Nam đều rót thêm tiền vào thị trường Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm của các nhà đầu tư (NĐT) lớn: "Dù đầu ra của thị trường Việt Nam có khó khăn nhưng chẳng ai khó mà quên ăn, mặc, chữa bệnh...".
Đó cũng là lý do mà các công ty thực phẩm, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm luôn được "săn đón".
Có NĐT chọn đi đường thẳng, thông qua việc thăm dò thị trường và lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam (như trường hợp của Công ty Astralis Mining Ltd., British Virgin Island quyết định đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất bia và mạch nha ủ men bia cho thị trường Việt Nam lẫn xuất khẩu, đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II)).
Nhưng cũng có NĐT chọn cách đầu tư tài chính theo dạng mua cổ phần chi phối tại công ty nước sở tại để chiếm lĩnh hệ thống phân phối trước (trường hợp Công ty Sojizt, Nhật Bản mua 51% cổ phần tại Công ty TNHH TM - DV và SX Hương Thủy).
Hoặc như trường hợp của Suntory (Nhật Bản) "bắt tay" với Pepsi để tăng năng lực khai thác ngành đồ uống Việt Nam (Suntory đã mua lại 51% cổ phần của PepsiCo Vietnam).
Nếu xét về cơ cấu NĐT nước ngoài đến Việt Nam đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2012 thì các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là quán quân. Cách đây 5 năm, NĐT Nhật chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, điện tử, chế tạo máy móc thì trong năm 2012, thực phẩm lại là ngành được họ "chăm sóc" khá chu đáo.
Ông Shinichiro Hori, Tổng giám đốc Công ty CP Dream Incubator Việt Nam, cho biết, ngoài nhiệm vụ là một nhà tư vấn đầu tư, Công ty còn đầu tư tại thị trường Việt Nam qua Quỹ Công nghiệp DI châu Á (DIAIF) và hoạt động M&A.
DIAIF có quy mô 70 triệu USD và nhắm chủ yếu đến ngành thực phẩm, đồ uống (F&B) và ngành chăm sóc sức khỏe, ông Shinichiro chia sẻ. Hiện tại, Quỹ DIAIF đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) với việc nắm giữ 31,1% vốn cổ phần của công ty này và Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood).
Trong khi đó, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, một tập đoàn sản xuất sữa bột hàng đầu của Mỹ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm địa điểm thích hợp ở khu tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương để chuẩn bị cho việc mở nhà máy sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Còn theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Hãng Dược phẩm Sanofi Aventis cũng đã quyết định sẽ đầu tư một trung tâm R&D với quy mô vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng tại SHTP.
- Công ty Astralis Mining Ltd., British Virgin Island quyết định đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất bia và mạch nha ủ men bia cho thị trường Việt Nam lẫn xuất khẩu, đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II)) |
Bên cạnh việc đầu tư mới, không ít những tên tuổi lớn, đặc biệt trong ngành thực phẩm đã quyết định tăng vốn đầu tư cho các cơ sở hiện hữu để tăng năng lực sản xuất, như Coca - Cola quyết định đầu tư thêm 300 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2015.
Liên quan đến chuyện tăng vốn của các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, theo thống kê từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong số 17 dự án FDI được cấp mới lẫn tăng vốn trong 8 tháng năm 2012, có hai NĐT khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam có động thái "tăng tốc".
Cụ thể là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan, thuộc Masan Group (tại KCN Tân Đông Hiệp A, TX.Dĩ An). Sau khi có nhà máy sản xuất nước chấm, gia vị và các loại bao bì, DN này đã quyết định tăng thêm 600 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất mì và cháo đóng gói.
Còn Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam (KCN Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát) cũng đã quyết định tăng vốn điều lệ lên 15,8 triệu USD để sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp và các loại nước giải khát khác, với quy mô 1,4 triệu chai trà/năm, sữa 1,4 triệu hộp/năm và nước trái cây 700.000 chai/năm.
Chưa chìm trong "đại dương đỏ"
Sức mua còn lớn và hướng đến một chiến lược lâu dài khiến các nhà đầu tư nước ngoài khá bình tâm khi rót vốn lớn cho thị trường tiêu dùng ở Việt Nam.
Ông Shinichiro Hori nhìn nhận, y tế và thực phẩm là hai mảng đầu tư trọng tâm và lâu dài của DIAIF dựa trên yếu tố thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển, có dân số đông, kết hợp với những lợi thế trình độ kỹ thuật công nghệ cao, quản trị nội bộ tốt của DIAIF, sẽ mang lại lợi ích cho cả DN trong nước lẫn DIAIF.
Ông Shinichiro Hori cũng cho biết thêm, không ít NĐT Nhật Bản (chủ yếu là các công ty nhỏ và vừa) đang rất quan tâm đến ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam.
Nhìn nhận ở góc độ một trong những nhà sản xuất đồ uống từng gắn bó với thị trường Việt Nam, ông Kamimura Yosuke, Trưởng Phòng Marketing Công ty Kirin nói, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, Kirin cũng đang tính đến chuyện phát triển dây chuyền sản phẩm để tạo ra các sản phẩm mới cho nhu cầu thị trường nội địa.
Thực ra, các công ty sản xuất nước giải khát có khá nhiều lợi thế về đầu ra tại chỗ nên chuyện họ tăng vốn đầu tư chỉ mang tính thời điểm nào mà thôi. Chẳng hạn như Coca - Cola cùng với Pepsi đang chiếm lĩnh thị phần nước uống có gas tại Việt Nam, việc tăng vốn hay có thêm đối tác... cũng là điều nằm trong kế hoạch.
Trong khi đó, ở những ngành sản xuất thực phẩm đóng gói như Masan, phần trăm cơ hội để gia tăng thị phần vẫn còn nhiều. Cụ thể, theo thống kê của Hãng Nghiên cứu Thị trường Mintel Global Market Navigator về thị trường mì ăn liền Việt Nam trong năm 2012, Masan Group vẫn nằm trong TOP 5 công ty chi phối thị trường.
Còn theo Nielsen Việt Nam, Masan đang chiếm 45% thị phần mì ăn liền ở phân khúc cao cấp. Hiện, Masan đang có chiến lược khai thác song song phân khúc bình dân (hiện đã có nhãn hiệu mì Tiến Vua).
Ngoài ra, theo nhận định của Nielsen Việt Nam, ngành sản xuất mì ăn liền của Việt Nam chưa phải chìm vào giai đoạn "đại dương đỏ” như nhiều thị trường phát triển khác, mức độ tăng trưởng vẫn còn tương đối cao. Theo đó, giá trị tăng trưởng tính đến tháng 8/2012 là 17% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi số lượng tăng 8%.
Lẽ dĩ nhiên, nếu việc thu hút đầu tư nước ngoài chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố "sức mua nội địa" thì Việt Nam sẽ khó lòng bì kịp với những thị trường như Trung Quốc hay Thái Lan...
Hơn nữa, nếu nhìn vào tỷ lệ đóng góp phần trăm doanh thu vào tổng doanh thu của các tập đoàn sản xuất hàng FMCG đa quốc gia, thị trường Việt Nam chỉ là một phần quá nhỏ bé chỉ hiển hiện "vài dòng" trong các bảng báo cáo thường niên.
Nhưng về lâu dài, Việt Nam có thể tiếp cận các NĐT ngoại ở dạng tầm khu vực để khai thác lợi thế "sức mua". Ông Shinichiro Hori nhấn mạnh: "Hãy suy nghĩ về chiến lược của Việt Nam trong thu hút vốn FDI.
Việt Nam không thể cạnh tranh theo kiểu chi phí lao động giá rẻ với Trung Quốc, Philippines hay Thái Lan. Việt Nam có nhiều khoáng sản nhưng không thể cạnh tranh với Indonesia hay Úc.
Điểm khó cho Nhật Bản nhưng có lợi cho Việt Nam là các nhà sản xuất Nhật Bản rất chú trọng đến yếu tố chất lượng sản phẩm và thường đi sâu vào các thị trường ngách, đáp ứng đến từng nhu cầu nhỏ nhất của người tiêu dùng tại chỗ”.
Về lý thuyết, việc các DN nước ngoài trong ngành FMCG hay giáo dục, y tế, dược phẩm đầu tư vào Việt Nam được hiểu là khai thác sức mua tại chỗ nhưng không ít công ty còn thể hiện ý định đầu tư tại Việt Nam để phục vụ cho thị trường khu vực Đông Dương.
- Tổng vốn đầu tư thực hiên 10 tháng đầu năm 2012 đạt 9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, vốn đăng ký lên tới gần 10,5 tỷ USD, giảm 24,7% so với 10 tháng đầu năm 2011. - Trong 10 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất thu hút FDI. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực này đạt 6.939 triệu USD, chiếm 66,15% FDI đăng ký. - Nhật Bản là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm 2012, với 4.920,36 triệu USD, chiếm gần 47% FDI đăng ký. Các quốc gia khác như Hàn Quốc, Samua, Singapore đứng vị trí tiếp theo với tỷ trọng đều dưới 10%. |
Chẳng hạn như trường hợp của SanofiAventis, hai nhà máy mà tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam (cùng trung tâm phân phối tại Tân Bình, TP.HCM và sắp tới là trung tâm R&D), ngoài việc dẫn đầu thị trường Việt Nam về cung cấp dược phẩm kê toa, vắc xin, chăm sóc sức khỏe..., các sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy tại Việt Nam còn phục vụ cho thị trường trong khu vực châu Á, mà trước mắt là Đông Dương.
Điển hình, cuối năm 2011, Sanofi Aventis đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Công ty DKSH Lào. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2014, Sanofi sẽ giới thiệu 34 nhãn hàng - 50 sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em và thuốc điều trị sang Lào.
Ông Christopher Hirtz, Giám đốc Sanofi khu vực Đông Dương, cũng từng khẳng định thị trường Đông Dương sẽ là "mảnh đất đầy hứa hẹn" cho ngành dược phẩm phát triển.
Được biết, cùng với nông nghiệp và trồng rừng, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực nằm trong TOP 3 ngành có nhiều cơ hội phát triển tại Campuchia.
Nhận định về vấn đề này, ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Grant Thorton Việt Nam, cho rằng, Campuchia và Lào là những thị trường có quy mô dân số nhỏ hơn Việt Nam (lần lượt là 18 triệu người và 7 triệu người) nên trong nhiều trường hợp, các NĐT nước ngoài sẽ tận dụng những cơ sở, nền tảng sản xuất mà họ đã đầu tư tại Việt Nam để mở rộng sang các thị trường này, chủ yếu là về mặt tăng khối lượng tiêu thụ sản phẩm (thương mại).
Và chiến lược này khá phù hợp với các nhà sản xuất hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngành hàng mì gói (sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại Campuchia) và nước giải khát.
Chẳng hạn, khi Pepsi đầu tư các nhà máy tại Việt Nam, điều này không có nghĩa, sản phẩm sản xuất ra chỉ phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam mà nước tinh khiết và nước tăng lực của họ đã được xuất sang Campuchia.