Nhung hươu, nai: Chưa tìm được thị trường

CA DAO| 24/02/2017 08:33

Hươu, nai được nuôi khá nhiều ở Việt Nam, chủ yếu để lấy nhung, nhưng hiện nay loại dược liệu rất quý này vẫn chưa có thị trường bài bản.

Nhung hươu, nai: Chưa tìm được thị trường

Hươu, nai được nuôi khá nhiều ở Việt Nam, chủ yếu để lấy nhung, nhưng hiện nay loại dược liệu rất quý này vẫn chưa có thị trường bài bản.  

Đọc E-paper

Theo báo cáo từ Hội thảo Chăn nuôi hươu, nai trên thế giới lần thứ hai, hươu, nai được nuôi tăng rất nhanh. Ví dụ, ở Bắc Mỹ trước năm 1970 có rất ít nông trại nuôi hươu, nai thương mại, nhưng hiện nay 25% nhung hươu, nai trên thế giới được sản xuất tại đây. Ngoài sản phẩm chính là nhung, thị trường cũng đón nhận con giống, thịt và các sản phẩm khác từ hươu, nai.

Ông Trần Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư ÊBur, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết, nuôi nai khai thác nhung và kinh doanh con giống ở địa phương này có trước năm 1975. Năm 1998, Nhà nước đã tạo điều kiện cho nông dân ở đây phát triển ngành chăn nuôi này nên đàn nai ở Buôn Ma Thuột đã được quản lý nghiêm ngặt để bà con xuất nai giống hay kinh doanh nhung.

Rải rác ở nhiều tỉnh, như Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk, An Giang... có nhiều hộ nuôi hươu, nai lấy nhung, doanh thu hằng năm đều tăng. Điển hình như gia đình ông Lê Xuân Sinh ở Lâm Hà, Lâm Đồng, năm 2013 bán nhung hươu sao và con giống thu khoảng 500 triệu đồng, năm 2014 là 800 triệu đồng và đến nay đã trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù thu về khá nhiều tiền nhưng các hộ nuôi hươu, nai vẫn dừng ở việc cung cấp nhung tươi, nhung khô chứ không có sản phẩm chế biến sâu.

Theo ông Trần Toàn ở xã Châu Sơn, Đắk Lắk, nuôi hươu, nai cho kinh tế cao vì vừa khai thác nhung, vừa khai thác con giống. Vốn đầu tư con giống cao nhưng chi phí nuôi thì rất thấp vì hươu, nai ăn dễ, các loại trái cây, cỏ trồng, cỏ thiên nhiên đều là thực phẩm tốt đối với chúng và luôn có sẵn.

Ông Trần Toàn cho biết, năm 1979, khi lấy vợ, gia đình cho một cặp nai giống làm vốn, từ đó ông phát triển đàn dần dần, có vốn để mua đất trồng cà phê. Nông sản có khi được mùa mất giá chứ giá con giống và nhung hươu, nai thì không những ổn đinh mà còn tăng. Hiện hai đứa con của ông tiếp tục nuôi nai theo nghề cha mẹ.

Hiện nay New Zealand là nước cung cấp nhung hươu, nai chính cho thị trường thế giới với khoảng 600 tấn mỗi năm. Đứng thứ hai là Trung Quốc với khoảng 400 tấn, Nga 80 tấn, Mỹ và Canada khoảng 20 tấn.

Tiềm năng cao nhưng hiện thị trường nhung hươu, nai vẫn chỉ là giao thương theo kiểu “truyền miệng”, tức người này mách cho người kia, ai có nhu cầu thì đến nhà ông A, bà B ở Nghệ An hay Đắk Lắk để mua. Người có nhung hươu, nai cũng chỉ biết khai thác rồi cấp đông chờ khách đến mua chứ chưa có đầu ra ổn định. Nhưng nhung hươu, nai sơ chế để lâu sẽ hỏng, và khai thác nhung hươu, nai phải theo mùa vụ, quá thời gian là nhung bị vôi hóa, không có giá trị sử dụng.

Theo ông Lê Linh Duy - Giám đốc Công ty Đông Bắc Á, người Việt nhận thức được công dụng của nhung nai, nhung hươu nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong chế biến nên chưa hình thành được một thị trường bài bản của vị thuốc quý này. Hiện nay, nhưng hươu, nai chủ yếu được bán cho Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Năm 2014, Công ty Đông Bắc Á đầu tư dây chuyền chế biến nhung hươu, nai - mật ong mà khá nhiều quốc gia đã ứng dụng. Vị thuốc này giúp cơ thể tăng đề kháng, tăng nội tiết tố, chống lão hóa và đã đưa ra thị trường qua các kênh phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, như ông Duy cho biết, dù sản phẩm tiện dụng, tiện bảo quản, giữ được nguyên giá trị về mặt dược liệu nhưng không ít người tiêu dùng cho rằng vì nó thuộc danh sách “tứ đại bổ” nên dùng dễ dẫn đến béo phì, thậm chí “chưa đến tuổi uống vào sẽ nứt da”.

Đó là quan niệm sai lầm bởi các dữ liệu y học thế giới đã chứng minh, Pantocrin - một chất quan trọng trong lộc nhung hươu, nai có tác dụng tăng cường chức năng sinh lực, giúp trẻ hóa, tái tạo máu, giảm căng thẳng, phục hồi sau chấn thương và phẫu thuật, ngừa loãng xương nhưng lại không tích mỡ nên không thể gây tăng cân hay béo phì.

Ông Trần Hải Triều - Giám đốc Công ty TNHH B5 đánh giá thị trường nhung hươu, nai ở Việt Nam có thể đạt giá trị 300 tỷ đồng mỗi năm. “Vấn đề của những người nuôi hươu, nai và làm nghề thuốc là phải làm thế nào để người dân nhận thức đúng về loại dược liệu này. Có như vậy, thị trường nhung hươu, nai ở Việt Nam mới phát triển được”, ông phân tích.

>Hy vọng cho ngành công nghiệp hoa trong năm 2017

>Vui buồn chuyện làm ăn năm 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhung hươu, nai: Chưa tìm được thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO