"Nhái" về, Tết sợ

MINH HÀO| 07/12/2012 08:31

Tết thường là thời điểm hàng giả, hàng nhái ào ạt đổ về qua mọi cửa ngõ. Các nhãn hàng quốc tế cùng IFSP đã phải lên tiếng khi phải đối đầu không cân sức với nạn hàng giả, hàng nhái tung hoành ở thị trường Việt Nam.

Tết thường là thời điểm hàng giả, hàng nhái ào ạt đổ về qua mọi cửa ngõ. Các nhãn hàng quốc tế cùng IFSP đã phải lên tiếng khi phải đối đầu không cân sức với nạn hàng giả, hàng nhái tung hoành ở thị trường Việt Nam.

Đọc E-paper

Hermes, Lacoste, Crocs... lên tiếng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 các tỉnh - thành phố, năm 2011, lực lượng chức năng đã phát hiện 180 ngàn vụ vi phạm pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 59.175 vụ vi phạm, truy thu thuế và bán hàng tịch thu thu hơn 275 tỷ đồng (tăng trên 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011), tiêu hủy hàng hóa gần 40 tỷ đồng.

Còn theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã bắt giữ 1,1 triệu bao thuốc lá giả, 4.000 sản phẩm điện tử, 4.400 linh kiện máy tính, hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm, túi xách giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Longchamp, Gucci... với tổng trị giá hàng vi phạm khoảng 10 tỷ đồng.

Hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý gần 100 yêu cầu kiểm tra, giám sát bảo vệ sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu Hermes, Lacoste, Polo Ralph Lauren, Crocs...

Riêng trong lĩnh vực rượu, theo ông Nicolas Aasheim, đại diện Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế (IFSP), đến cuối tháng 11/2012, IFSP đã phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá 25 vụ sản xuất rượu giả tại Việt Nam và 20 nghi can sản xuất rượu giả đã bị truy tố. Trên đây mới chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ, thực tế, số liệu công bố về các vụ vi phạm hằng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, cho biết, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục có những diễn biến phức tạp đến mức báo động. Không chỉ bày bán công khai, hàng giả còn được sản xuất ngày càng tinh vi hơn, khiến người tiêu dùng rất khó phát hiện. Đáng chú ý là đã xuất hiện tình trạng người nước ngoài sản xuất hàng giả, nhập vào Việt Nam tiêu thụ.

Đại diện của nhiều Chi cục Quản lý thị trường cũng cho biết, nhiều mặt hàng giả hàng nhái buôn bán tràn lan trên thị trường gần như công khai ở các thành thị và nông thôn, không chỉ ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà còn được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối.

Các đối tượng sản xuất hàng giả còn dùng chiêu nhập linh kiện, bán thành phẩm từ nước ngoài rồi chế tác, gắn nhãn mác thành hàng Thái Lan, Nhật Bản. Sản xuất với công nghệ cao nên hàng giả loại này rất khó để người tiêu dùng phân biệt, thậm chí phải qua giám định mới phát hiện được.

Một hiện tượng đang gia tăng tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây là không ít loại áo chất lượng kém từ Trung Quốc được "phù phép", gắn nhãn mác thành hàng "Made in Vietnam". Theo Cục Quản lý thị trường, có những sản phẩm được in sẵn thông tin bằng tiếng Việt trên nhãn mác hoặc bao bì ngay tại Trung Quốc, để khi sang Việt Nam chỉ cần dán vào...

Chặn từ nước ngoài

59.175

Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra xử lý 59.175 vụ vi phạm, truy thu thuế và bán hàng tịch thu thu hơn 275 tỷ đồng (tăng trên 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011), tiêu hủy hàng hóa gần 40 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã và đang hiện diện khắp mọi nơi, từ hàng tiêu dùng thông thường như giày dép, quần áo, tăm tre... đến các mặt hàng có giá trị như máy lọc nước, máy giặt... Hàng giả có cả thuốc chữa bệnh, rượu, bia, thóc giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cho biết, mỗi năm, có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó, rượu công nghiệp chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công rất khó kiểm soát chất lượng. Đã vậy, trong số rượu công nghiệp đó, đến 15% là rượu ngoại và rượu nhập lậu giả.

Chính rượu giả, rượu không kiểm soát được chất lượng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, từ năm 2007 đến 2012, có 36 vụ ngộ độc rượu với 249 người mắc và 66 người trong số đó đã tử vong.

Nguyên nhân ngộ độ là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật; do gian lận thương mại; sử dụng Methanol làm tăng nồng độ cồn đã gây ra tình trạng tử vong.

Với những nguy hại do hàng giả, hàng nhái mang lại, nhất thiết phải có những giải pháp căn cơ, mạnh hơn để ngăn chặn. Ông Trần Hùng, cho rằng, trước hết nên tăng xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của hàng giả, hàng nhái đối với người tiêu dùng đồng thời với việc khuyến khích, động viên doanh nghiệp hợp tác với các cơ quan chức năng khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các lực lượng chống hàng giả, hàng nhái và kiện toàn đường dây nóng để tố cáo các cơ sở sản xuất, nhập lậu, các nơi kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Một trong những biện pháp cần thiết để giải quyết hàng giả, hàng nhái là tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Singapore... Đó là biện pháp lâu dài, còn hiện tại, Tết đang đến gần, thời điểm mà hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, do đó, các cơ quan Hải quan phải tăng cường ngăn chặn từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh và Móng Cái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Nhái" về, Tết sợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO