Ngành điện tử Việt Nam đang "trỗi dậy"?

MINH HÀO| 12/07/2015 06:27

Trong sản xuất điện tử, chi phí cho nguyên vật liệu chiếm 70% giá thành sản phẩm, do vậy, sự biến động giá cả nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Ngành điện tử Việt Nam đang

Mười năm trước, Việt Nam vẫn còn là một mắt xích nhỏ bé trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, nhưng năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu thiết bị điện tử trị giá đến 38 tỷ USD. Tuy nhiên thị trường càng phát triển thì cạnh tranh càng khốc liệt đến nỗi nhiều doanh nghiệp (DN) phải "ra đi".

Đọc E-paper

Những dự án tỷ đô...

Thời gian qua, hàng loạt thương hiệu điện tử lớn trên thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Cuối tháng 5/2015, Tập đoàn Samsung đã khởi công xây dựng Khu Phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) với kinh phí lên đến 1,5 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

SEHC xây dựng trên 70ha, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2016 với các dòng tivi cao cấp và điện gia dụng.

Ông Han Myoung Sup, người phụ trách các dự án của Samsung tại Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn đầu, dự án này sẽ sản xuất các dòng tivi mới nhất rồi đến sản phẩm điện tử gia dụng như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 12,6 tỷ USD. Trong đó, riêng Samsung Điện tử đã chiếm đến 8,9 tỷ USD, bao gồm dự án sản xuất ĐTDĐ ở Thái Nguyên (5 tỷ USD), ở Bắc Ninh (2,5 tỷ USD) và một dự án sản xuất đồ điện tử ở TP.HCM (1,4 tỷ USD).

Năm 2013, chỉ riêng dự án điện tử ở Bắc Ninh của Samsung đã mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 23 tỷ USD, góp phần giúp Việt Nam xuất siêu.

>>Ngành điện tử VN hấp dẫn nhà đầu tư Nhật, Hàn

Cùng với Samsung, Tập đoàn LG cũng đang muốn biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất điện tử lớn của thế giới.

Cuối tháng 3 vừa qua, LG đã khánh thành dự án Tổ hợp công nghệ LG tại Hải Phòng với kinh phí 1,5 tỷ USD.

Đây được xem là tổ hợp nhà máy có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á của LG và là tổ hợp có tất cả các sản phẩm của tập đoàn này.

Theo chia sẻ của ông Ko Tae Yeaon, Tổng giám đốc LG Việt Nam, giai đoạn đầu của dự án sẽ sản xuất tivi, điện thoại di động, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô...

Công suất hằng năm của mỗi dòng sản phẩm lên tới hàng triệu đơn vị, tập trung vào phân khúc cao cấp.

Trong 5 năm đầu, 70% sản phẩm sản xuất tại Nhà máy sẽ phục vụ xuất khẩu sang 35 nước trên thế giới. Dự kiến, đến năm 2020, nhà máy sẽ xuất xưởng hằng năm 41 triệu điện thoại, 2,3 triệu tivi, 2,2 triệu máy giặt, 6 triệu máy hút bụi...

Không thuộc dự án tỷ đô như các tập đoàn nước ngoài nhưng trong nước, Maseco "đã trỗi dậy" khi mới đây công bố xây dựng nhà máy sản xuất điện tử thứ 3 tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

>>DN điện tử Nhật tại Việt Nam chuyển hướng

Không chỉ sản xuất đầu karaoke Arirang, Maseco còn thâm nhập vào thị trường tivi.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Maseco, cuối năm 2014, sau khi ra mắt karaoke thông minh (Smart K), Maseco đã tiếp tục đưa tivi LED Arirang ra thị trường. Định vị ở phân khúc trung bình nên tivi LED Arirang đã được thị trường nông thôn chấp nhận.

Hằng năm, Công ty đưa ra thị trường những sản phẩm mới, công nghệ cao cùng với việc phát triển hệ thống phân phối, bảo hành, giúp tăng sản lượng tiêu thụ bình quân lên trên 120%.

"Hiện thị trường chỉ có vài thương hiệu tivi như Samsung, Sony, Panasonic, TCL nên tivi Việt Nam chỉ cần chất lượng ngang bằng, giá cạnh tranh và hậu mãi thật tốt, chắc chắn sẽ phát triển", đại diện Maseco cho biết. Bên cạnh tivi LED, đến năm 2016, Maseco sẽ đưa ra thị trường tivi LCD.

Với đầu tư từ DN trong và ngoài nước, ngành điện tử Việt Nam đã có những phát triển nhất định.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC, 10 năm trước, Việt Nam vẫn còn là một mắc xích nhỏ bé trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, nhưng đến năm 2014, đã xuất khẩu thiết bị điện tử trị giá đến 38 tỷ USD.

...Nhưng không dễ thành công

Dù đã có những dự án tỷ đô nhưng trên thực tế, kinh doanh ngành điện tử rất gian nan, thậm chí, nhiều thương hiệu phải "từ giã cuộc chơi".

Thành lập năm 1979, Công ty Điện tử Tiến Đạt từng là cái tên khá nổi trong những năm 1990. Là DN 100% vốn Việt Nam, chuyên sản xuất ampli, loa, micro, đầu DVD, đầu karaoke, tivi...,

Tiến Đạt đã từng bước vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm điện - điện tử.

>>Doanh nghiệp điện tử Việt Nam... lỡ bộ

Thời điểm đó, sản phẩm của Tiến Đạt luôn mang lại cho khách hàng độ tin cậy về chất lượng và giá cả, thậm chí, những chiếc tivi LCD, tivi siêu phẳng mang thương hiệu Tiến Đạt đã có mặt ở cả thị trường thành thị lẫn nông thôn.

Với hệ thống chi nhánh, đại lý, trạm bảo hành khắp các tỉnh - thành cùng với đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chu đáo, Tiến Đạt đã tạo mối quan hệ mật thiết với khách hàng.

Thế nhưng, khi Việt Nam tham gia WTO, việc dùng chính sách thuế để bảo hộ trong nước phải dần được dỡ bỏ và đương nhiên khi lợi thế về thuế không còn thì sản phẩm của Tiến Đạt khó có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn lớn trên thế giới.

Không trường vốn để đầu tư công nghệ, sản phẩm mới, Tiến Đạt đành thu hẹp sản xuất và dần dần phải... chia tay thị trường. Hiện nay, trang web www.tiendat.vn dù còn hoạt động nhưng những thông tin đăng tải đã có "niên hiệu" từ... 2008.

Không chỉ DN trong nước ngừng sản xuất mà ngay cả những thương hiệu lớn như Sony cũng phải "dừng cuộc chơi".

>>Kinh doanh điện tử- xu thế tất yếu

Năm 2008, sau khoảng thời gian sản xuất và kinh doanh bết bát tại Việt Nam, Sony đã tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất tivi và hàng điện tử đồng thời cho nghỉ việc gần 200 công nhân.

Nguyên nhân của việc đóng cửa được lãnh đạo khi đó của Sony Việt Nam công bố là do thị trường không có nhu cầu và nhà cung cấp không cung cấp thiết bị, linh kiện nữa.

Cho đến nay, các sản phẩm điện tử của Sony trên thị trường hoàn toàn là hàng nhập khẩu và Sony Việt Nam chỉ đơn thuần là nhà kinh doanh thương mại.

Theo chia sẻ của vị đại diện Maseco, trong sản xuất điện tử, chi phí cho nguyên vật liệu chiếm 70% giá thành sản phẩm, do vậy, sự biến động giá cả nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Để giữ vững vị trí trong ngành điện tử, Maseco phải đầu tư công nghệ và phần mềm và hằng năm Công ty đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng mua công nghệ mới.

Trước đây, 90% linh kiện điện tử từ nguồn nhập khẩu nhưng từ năm 2009 đến nay, Maseco đã giảm còn 50%. Năm 2014, tổng doanh thu của Công ty đạt 110% kế hoạch (1.652 tỷ đồng).

Mặc dù đã có những đầu tư đáng kể nhưng trong tổng doanh thu của Công ty thì có đến 61% đến từ mảng nông sản xuất khẩu, chỉ có 38% là từ ngành điện tử.

>>6 triệu USD xây dựng nhà máy linh kiện điện tử

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành điện tử Việt Nam đang "trỗi dậy"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO