Ngành bán lẻ "đổ bộ" đầu tư ra nước ngoài

HỒNG NGA| 29/07/2017 06:52

Cạnh tranh bán lẻ ngày càng quyết liệt, vì thế bên cạnh thị trường trong nước, Thế Giới Di Động, Saigon Co.op, Pico đã lên kế hoạch đưa thương hiệu ra nước ngoài.

Ngành bán lẻ

Cạnh tranh bán lẻ ngày càng quyết liệt, vì thế bên cạnh thị trường trong nước, Thế Giới Di Động, Saigon Co.op, Pico đã lên kế hoạch đưa thương hiệu ra nước ngoài . Tuy nhiên, không dễ để chinh phục những thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào hay Campuchia... 

Đọc E-paper

Đưa thương hiệu vào các nước trong khu vực

Cuối tháng 6, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Không dùng thương hiệu Thegioididong.com, cửa hàng tại Campuchia được đổi thành BigPhone nhưng có bộ nhận diện thương hiệu giống với các cửa hàng của Thế Giới Di Động tại Việt Nam.

BigPhone tập trung vào điện thoại và tablet với 85% số lượng sản phẩm, 15% còn lại dành cho phụ kiện, sim số, thẻ cào. Cụ thể, điện thoại di động thương hiệu Samsung, Apple, Nokia, Huawei, OPPO, Camfone, LG là sản phẩm chính được bán tại BigPhone. Thế Giới Di Động đặt mục tiêu đạt doanh thu 100.000USD/tháng cho cửa hàng đầu tiên này.

Doanh nghiệp này đặt mục tiêu mở từ 10 - 15 cửa hàng tại Campuchia trong năm nay. Khi mô hình này thành công, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại Phnom Penh, thị trường Lào và Myanmar. Bên cạnh, BigPhone sẽ triển khai các dịch vụ trả góp, thanh toán hộ khi cửa hàng được mở rộng và hoạt động ổn định. Cùng với bộ máy đang có, công ty này đang tìm kiếm nhân sự để vận hành và phát triển tại thị trường mới.

Đầu năm 2016, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Pico cho biết đã thành lập tổ nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch xâm nhập các thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào, Campuchia. Trong các quốc gia lân cận, Myanmar là lựa chọn hàng đầu vì thị trường này khá thuận lợi, mặt bằng dễ kiếm và chưa có cạnh tranh.

Trước đó, Satra và Saigon Co.op cũng đã lên kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài, ưu tiên các nước khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của thị trường các nước đối với Saigon Co.op, trong đó, Lào và Campuchia là hai thị trường mà Saigon Co.op đã tính đến trong việc phát triển mạng lưới. "Điều quan trọng là Saigon Co.op phải tìm được các đối tác tin cậy trong việc kinh doanh ở nước ngoài" - ông Hòa chia sẻ.

>>Ngành bán lẻ vào tay doanh nghiệp Thái?

Cản ngại không nhỏ

Campuchia, Myanmar dù được đánh giá là thị trường rất tiềm năng nhưng việc thâm nhập không hề dễ dàng.

Đặt mục tiêu thâm nhập thị trường nước ngoài nhưng lãnh đạo Pico cũng xác định không chủ quan vì việc vận hành kinh doanh tại một quốc gia mới sẽ gặp không ít rào cản cả về kinh tế lẫn phi kinh tế. Trong đó, thói quen tiêu dùng, văn hóa bản địa cũng như những yếu tố về luật pháp và kinh tế của nước sở tại đòi hỏi rất nhiều thời gian tìm hiểu. Những khó khăn đó cũng chính là nguyên nhân để Pico tạm dừng kế hoạch phát triển thị trường nước ngoài, tập trung cho thị trường trong nước mà cụ thể là tăng cường sự hiện diện tại TP.HCM.

Chia sẻ về những khó khăn khi khai phá thị trường Campuchia, ông Hồ Viết Đông - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động tại Campuchia cho biết: "Mặc dù được sự hợp tác của các hãng điện thoại nhưng chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở cửa hàng đầu tiên tại Campuchia. Thị trường điện thoại không chính hãng tại đây vẫn còn phức tạp. Việc nuôi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu lâu dài cũng cần được xét đến".

Thâm nhập thị trường nước ngoài đối với ngành bán lẻ điện máy đã khó, việc thâm nhập của ngành bán lẻ tổng hợp càng khó khăn hơn. Saigon Co.op đã có kế hoạch mở siêu thị tại Campuchia nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, lý do của sự chậm trễ này là do đối tác Campuchia thay đổi.

Không chỉ đơn giản là hệ thống cửa hàng mà doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp muốn thành công phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics mang tính toàn cầu hóa, mà điều này là không dễ. "Dù vậy, kế hoạch đưa thương hiệu ra các nước trong khu vực sẽ không dừng lại và hiện tại chúng tôi đang làm việc với một số đối tác. Chậm nhất là đến năm 2020, siêu thị Co.opmart sẽ có mặt tại Lào, Myanmar" - ông Nguyễn Thành Nhân khẳng định.

>>Tỷ phú giàu nhất Hong Kong và bí quyết "hốt bạc" trong ngành bán lẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành bán lẻ "đổ bộ" đầu tư ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO