Mùa vải thiều 2018 trước áp lực mở rộng xuất khẩu

XUÂN THU| 14/05/2018 03:41

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mùa vải thiều 2018 tới đây sẽ bội thu so với năm vừa qua.

Mùa vải thiều 2018 trước áp lực mở rộng xuất khẩu

Dù tỷ trọng tiêu thụ trái vải trong nước hiện đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng nhưng hiện tượng “được mùa mất giá” vẫn đang là nỗi lo của nhiều nông dân. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, gần 2 tháng trước khi vải chín rộ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ loại trái cây này.

Đối với thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Từ 1/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc phải xin giấy phép nhập khẩu và cung cấp hình ảnh bao bì truy xuất nguồn gốc. Do vậy, doanh nghiệp cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của đối tác Trung Quốc.

Link bài viết

Mấy năm qua, vải tươi đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường mới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, khu vực Trung Đông… Đại diện Công ty Đồng Giao - một doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu vải sang Nhật cho biết rằng ngay tại thị trường khó tính như Nhật Bản thì tiềm năng xuất khẩu vải thiều cũng rất khả quan.

Ngoài vải tươi, doanh nghiệp này dự định xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đông lạnh sang Nhật trong năm nay. Theo Công ty Đồng Giao, xuất khẩu vải đông lạnh sang Nhật có ưu điểm là giảm được nhiều hàng rào kỹ thuật về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật. Công ty này đề nghị các tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải ngay từ đầu nhằm đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu trên sản phẩm đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái vải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, đặc biệt là tại các thị trường như Hoa Kỳ, Dubai… để quảng bá sản phẩm. Chất lượng hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng hóa các nước, tuy nhiên gian hàng phải được đầu tư sao cho đẹp mắt và chuyên nghiệp thì mới gây chú ý được cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến trái vải tại Bằng Tường (Trung Quốc), tại Bắc Giang và Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội. Hải Dương - địa phương được dự báo là có sản lượng vải cao gấp đôi năm 2017 vừa công bố sẽ bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Cương - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương thì giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng vải xuất khẩu của tỉnh chưa được nhiều.

Hải Dương đang kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc để giúp nông dân tỉnh này bảo quản vải được lâu hơn, tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn. Tỉnh Hưng Yên cũng cho biết sẽ tổ chức hội nghị kết cấu cung cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa vải thiều 2018 trước áp lực mở rộng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO