M&A ngành y tế sôi động, người tiêu dùng được lợi

CẨM TÚ| 21/08/2018 08:33

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế trong nước bắt đầu chứng kiến các thương vụ M&A đạt giá trị cả ngàn tỷ đồng.

M&A ngành y tế sôi động, người tiêu dùng được lợi

Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Là một trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có ngành dược tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam hiện mở ra nhiều cơ hội đối với khối doanh nghiệp y tế và dược phẩm.

Cùng với động thái khuyến khích của Chính phủ thông qua một số luật mới, bên cạnh nhà đầu tư tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tận dụng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để tiếp cận thị trường Việt Nam mà không cần mất nhiều thời gian cho việc xin giấy phép đầu tư và xây dựng dây chuyền sản xuất.

Thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế trong nước bắt đầu chứng kiến các thương vụ M&A đạt giá trị cả ngàn tỷ đồng. Mới đây nhất là thương vụ hệ thống Nha khoa Mỹ (NKM) sáp nhập vào Sun Medical Center (SMC). SMC là bệnh viện đa khoa quốc tế hàng đầu Hàn Quốc còn NKM là hệ thống phòng khám nha khoa quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam 15 năm, có nhiều dịch vụ nha khoa kỹ thuật cao.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Du lịch Nha khoa Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000 lượt khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa răng, đem lại doanh thu 150 triệu USD. Khách nước ngoài thích đến Việt Nam khám chữa răng vì kỹ thuật nha khoa có chất lượng ngang hàng với những nước phát triển nhưng giá lại rẻ hơn có khi đến 50%. Những vụ kết hợp giống như SMC và NKM sẽ góp phần giúp du lịch khám chữa bệnh ở Việt Nam tăng thêm sức hấp dẫn.

Trước đó, sự kiện tập đoàn dược Adamed Group của Ba Lan chi 50 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm) cũng gây bất ngờ lớn đối với toàn ngành. Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam. Theo các nhà đầu tư này, việc thực hiện M&A chính là bước đệm để đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019.

Trước M&A, danh mục sản xuất của Davipharm khá đơn giản, chỉ mới tập trung vào các loại thuốc phổ thông (generic) với nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương. Nhờ sáp nhập, mức vốn hóa thị trường của Davipharm được định giá ở mức 71,4 triệu USD (khoảng 1.614 tỷ đồng).

Link bài viết

Một doanh nghiệp y tế cũng nhờ M&A mà mức vốn hóa trên sàn chứng khoán tăng mạnh là Domesco (4.167 tỷ đồng). Thời điểm trước khi sáp nhập vào CFR International SPA năm 2014, giá cổ phiếu Domesco Đồng Tháp giảm xuống mức thấp kỷ lục khiến nhiều cổ đông lớn thoái vốn khỏi doanh nghiệp. Tuy nhiên sang năm 2017, Domesco đạt lợi nhuận sau thuế gần 208 ttr đồng, tăng đến 23,3% so với 2016.

Việc doanh nghiệp ngoại thực hiện các M&A đã giúp một số doanh nghiệp dược trong nước tận dụng được dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại và nguồn tài chính dồi dào để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng cũng được sử dụng một số sản phẩm thuốc chất lượng tốt hơn với cùng mức giá.

Riêng đối với khối phòng khám đa khoa, hoạt động M&A còn khá trầm lắng. Trên các diễn đàn chuyên ngành đã xuất hiện một số lời rao bán phòng khám đa khoa, cũng có đối tượng lên tiếng hỏi mua. Tuy nhiên theo một số người trong ngành nhận định, phần lớn các phòng khám đa khoa, mặc dù mang tiếng là doanh nghiệp nhưng cách tổ chức mang tính chất gia đình nên khó phát triển thành công ty đại chúng.

Xu hướng mua bán – sáp nhập sẽ tiếp tục tăng

Nhiều chuyên gia cho rằng quy mô thị trường dược phẩm và trang thiết bị y tế Việt Nam sẽ vượt mức 10 tỷ USD/năm vào năm 2020 và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tài chính lớn nhập cuộc, thúc đẩy các công ty dược nhỏ cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Trên phạm vi toàn cầu, hoạt động M&A cũng đang đặc biệt sôi động trong ngành dược phẩm, giữa bối cảnh các tập đoàn lớn nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, nhằm giảm rủi ro giảm sút doanh thu do kinh tế chững lại. Theo đó, hoạt động M&A xuyên biên giới, vốn chiếm hơn 1/3 số lượng các thương vụ M&A trong năm 2017 có xu hướng tiếp tục tăng.

Để cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công ty dược của Mỹ đã nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường dược chưa phát triển như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động giá rẻ hơn, hạ giá thành sản phẩm. Vì vậy, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác.

Hơn thế nữa, Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

Dự báo hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco Đồng Tháp, Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM… Do đó, để cạnh tranh thành công và nếu không muốn bị thâu tóm, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng tính toán đến việc tăng đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp dược trong nước là tỷ trọng nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá lớn, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý một khi tỷ giá biến động. Vì vậy, bên cạnh chú trọng đầu tư nhà máy sản xuất, việc xây dựng chuỗi nguyên liệu riêng, cải thiện chuỗi giá trị gia tăng sẽ là hướng đi cần thiết để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ lớn bên ngoài…

So với đại đa số doanh nghiệp nội có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và bề dày kinh nghiệm. Do đó, ngoài việc mạnh tay đầu tư cho sản xuất thì các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong đó, phải đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành quốc tế như PIC/S và EU-GMP nhằm tăng cơ hội tiếp cận ở phân khúc cấp cao, cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngành y tế sôi động, người tiêu dùng được lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO