Làng huệ trắng Phong Hoà tất bật ngày Tết

Phan Minh Huy| 21/01/2020 00:00

Nếu trúng mùa huệ trắng, sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, sẽ có lãi từ 3 - 4 triệu đồng/1.000m2/tháng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và một số rau màu.

Hối hả, nhộn nhịp, tất bật, đó là những cảm nhận chung khi chúng tôi đến tham quan nhiều điểm kinh doanh hoa huệ tại xã Phong Hòa - nơi được mệnh danh là vương quốc hoa huệ của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2020.

Một điểm thu mua huệ trắng ở Phong Hòa.

Một điểm thu mua huệ trắng ở Phong Hòa.

Phong Hòa hiện có trên 110 hộ dân trồng huệ trắng với diện tích trên 220ha đất. Bên cạnh đó, địa phương này còn có trên 30 điểm thu mua hoa huệ để phục vụ cho người tiêu dùng khắp ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thiện Khiêm, ngụ xã Phong Hòa vui vẻ nói: "Gia đình tôi trồng huệ trắng đã trên 50 năm, hồi đầu chỉ 2 công đất giờ đã 8 công. Năm nay thời tiết thuận lợi nên trúng mùa, rồi lại trúng giá, nên người dân trồng hoa phấn khởi lắm".

Huệ trắng vồn là loại hoa rất được người tiêu dùng ưa chuộng do mang nhiều yếu tố tâm linh, tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sạch, thanh cao. Bên cạnh đó, loài hoa này có hương thơm, có thể bảo quản 5 - 7 ngày nên thường bán rất nhanh và có mặt ở hầu hết các điểm mua bán hoa tươi.

Vừa nhanh tay phân loại hoa huệ trắng để giao cho thương lái đi tận Bình Dương, Bình Phước, bà Trần Thị Mến, ngụ ấp Tân Phong nói vui: "Năm nay, thương lái ở miền Đông và Sài Gòn đã đến đặt cọc mua gần hết 90% sản lượng hoa toàn xã, số còn lại sẽ bán lẻ chủ yếu tại TP. Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp". 

Thời điểm cận Tết này, giá bán huệ trắng tại ruộng là 5.000đ/nhánh vớ loại 1; loại 2 là 4.000đ/nhánh; loại 3 là 3000đ/nhánh.

Thời điểm cận Tết này, giá bán huệ trắng tại ruộng là 5.000đ/nhánh vớ loại 1; loại 2 là 4.000đ/nhánh; loại 3 là 3000đ/nhánh.

Theo nhiều nông dân Phong Hoà, nghề trồng huệ đã có mặt tại đây trên 50 năm. Ban đầu, chỉ khoảng 10 hộ trồng, nhưng sau đó thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao nên nhiều người làm theo và mang lại nguồn thu nhập đáng kể so với một số rau màu khác.

Nếu trước đây người trồng chỉ thu hoạch mỗi năm 2 - 3 đợt, thì với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, hiện đã có thể thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, người trồng cần đặc biệt quan tâm các loại bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa như nhện đỏ, bù lạch, thối bẹ, thối gốc, héo xanh, chai bông do tuyến trùng. 

Kể từ ngày xuống giống cho đến lúc ra hoa chỉ mất 3 tháng, nhưng năng suất cao nhất bắt đầu từ năm thứ hai trở đi. Mùa nắng cũng như mùa mưa, bình quân cứ 10 ngày người trồng cắt một lần. Nếu trúng mùa, sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, nông dân có lãi từ 3 - 4 triệu đồng/1.000m2/tháng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và một số rau màu. 

Tuy nhiên, cây huệ trắng không thích nghi với nền đất cũ nên cứ khoảng ba năm thu hoạch, người trồng phải ngừng xuống giống một năm. Muốn cho huệ phát triển tốt, giống trồng phải là củ huệ từ vụ mùa năm trước, đào lên đặt nơi mát mẻ và được xử lý trừ rệp sáp ngay từ ngoài đồng. Huệ sau khi thu hoạch được phân làm 3 loại. Thời điểm cận Tết này, giá bán tại ruộng là 5.000đ/nhánh vớ loại 1; loại 2 là 4.000đ/nhánh; loại 3 là 3000đ/nhánh.

Không chỉ giúp người trồng có thu nhập cao và ổn định, nghề trồng huệ ở Phong Hòa còn tạo công ăn việc làm ổn định quanh năm cho hàng ngàn lao động tại chỗ với mức giá bình quân từ 180.000đ (ngày thường) đến 220.000đ/ngày những hôm cận Tết. Đó là chưa kể việc giúp cho nhiều người mua bán nhỏ có thêm nguồn thu nhập.

Ông Võ Trần Nguyên, ngụ TP. Cần Thơ cho biết: "Tôi mua hoa huệ tại Phong Hòa rồi mang về bỏ mối cho các điểm hoa tươi tại Cần Thơ đã trên 30 năm, mỗi ngày trừ chi phí còn lời từ 200.000 - 250.000đ. Những ngày giáp Tết thì tiền lời nhiều hơn. Năm này giá Huệ tăng nhẹ khoảng 10%, người trồng ăn Tết ‘sung’ lắm".

Tết đang về rất gần trên làng huệ trắng Phong Hòa mang theo nhiều niềm vui cho người trồng lẫn người lao động làm thuê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng huệ trắng Phong Hoà tất bật ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO