Lấn sóng giờ vàng, chen chân quảng cáo

PHƯƠNG QUYÊN| 09/05/2012 09:48

Cơn sốt chương trình truyền hình thực tế (THTT) đã nhanh chóng được các kênh truyền hình tại Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt. Dù kinh tế khó khăn, phải cắt giảm nhiều ngân sách nhưng nhiều nhãn hàng vẫn chen chân tài trợ cho các chương trình THTT đang được kéo căng trong “giờ vàng”.

Lấn sóng giờ vàng, chen chân quảng cáo

Trong một lần đến Việt Nam giao lưu, chuyên gia sản xuất phim người Mỹ Melinda cho biết, giới làm phim xem truyền hình thực tế (THTT) (reality television) là dạng “rác” của ngành phim tài liệu... Tuy nhiên, tại Việt Nam, THTT đang trở thành “con gà vàng” của các kênh truyền hình bởi khả năng bùng nổ và thu hút sự quan tâm đặc biệt của đa số công chúng. Tất nhiên, đằng sau những chương trình THTT đầy hoạt náo là nhiều triệu USD của cả quảng cáo và các thương vụ tài trợ.

Cơn sốt THTT đã nhanh chóng được các kênh truyền hình tại Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt. Dù kinh tế khó khăn, phải cắt giảm nhiều ngân sách nhưng nhiều nhãn hàng vẫn chen chân tài trợ cho các chương trình THTT đang được kéo căng trong “giờ vàng”.

Đọc E-paper

>>Những va chạm đầu tiên

Ảnh: Phú Hưng

Xếp hàng chờ lên sóng

Chưa bao giờ truyền hình Việt Nam lại có nhiều chương trình THTT đến như vậy. Điểm mặt những doanh nghiệp (DN) sản xuất chương trình truyền hình, chỉ có vài cái tên nổi bật như: Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây Promotions May Q..., nhưng số lượng chương trình thực tế đã và đang phát sóng lên đến hơn chục.

Vừa xong Cặp đôi hoàn hảo đã thấy Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Bước nhảy hoàn vũ, Hợp ca tranh tài, Tiếng hát mãi xanh... đua nhau lên sóng. Khi các cuộc chơi còn chưa kết thúc thì nhà sản xuất lại tiếp tục công bố tuyển sinh các chương trình mới.

Ngôi nhà âm nhạc, Cuộc đua kỳ thú, Tôi là người dẫn đầu... là những chương trình THTT đang xếp hàng, chuẩn bị chiếm sóng HTV và VTV trong thời gian tới.

Nếu không có gì thay đổi, Đông Tây Promotion cũng sẽ triển khai chương trình THTT So you think you can dance, một trong những phiên bản chương trình (format) thực tế hấp dẫn về hành trình của các tài năng nhảy, múa hiện đại nổi tiếng thế giới, vào đầu tháng 7.

Không chỉ tổ chức một năm/lần, sức hút của THTT còn lớn đến mức nhà sản xuất mạnh dạn sản xuất 2 chương trình/ năm. Cụ thể là Cặp đôi hoàn hảo của Công ty Cát Tiên Sa.

Dự kiến, chương trình này sẽ tái ngộ khán giả vào tháng 6/2012, chỉ sau chương trình đầu tiên 6 tháng. “Không thể phủ nhận, với những đơn vị sản xuất chương trình truyền hình, THTT đã trở thành xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của khán giả”, ông Phạm Lê Hiếu, Giám đốc Điều hành Công ty Đông Tây Promotion, nhận định.

Theo ông Hiếu, các chương trình đang ăn nên làm ra, gây được chú ý hiện nay phần nhiều thuộc về lĩnh vực ca hát, nhảy múa và đặc biệt là có sự tham gia của các “sao” trong lĩnh vực giải trí. Điều này giải thích vì sao ở một khung giờ phát sóng kén khán giả như từ 22 giờ - 24 giờ Chủ nhật hằng tuần nhưng Bước nhảy hoàn vũ vẫn mạnh dạn lên sóng.

“Hiện THTT vẫn chưa chiếm được 1% so với toàn dung lượng phát sóng của các nhà đài. Tuy nhiên, nhờ chứa đựng yếu tố thực tế nên các chương trình THTT rất được chú ý. Khán giả thích xem những con người bình thường xung quanh mình thể hiện tài năng, sự khác biệt...”, bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc Sản xuất BHD, cho biết.

Tất nhiên, khi lượng người xem (rating) cao, nhà sản xuất mới có khả năng thu hồi vốn đầu tư và có được lợi nhuận.

Vắt sóng ra quảng cáo

Đặc thù của chương trình truyền hình là mỗi chương trình luôn đi kèm với một nhà tài trợ. Vfresh, Vinasoy, Alipas, Rejoice, Gillette... là những thương hiệu gắn liền với các chương trình THTT hiện nay.

Bà Ngô Thị Bích Hiền cho biết, kinh phí có được từ nhà tài trợ là nguồn thu để đảm bảo một phần chi phí sản xuất chương trình. Phần còn lại là từ nguồn quảng cáo của các nhãn hàng khác và một phần doanh thu từ tin nhắn bình chọn của khán giả.

Theo dõi các chương trình THTT, không khó nhận ra khả năng thu hút quảng cáo của các chương trình này là rất lớn. Từ VTV đến HTV, nhà đài nào cũng dành cho các chương trình THTT khung giờ đẹp nhất, từ 20 - 23 giờ.

Với giới làm truyền hình, đây là khung “giờ vàng” để hút quảng cáo. Theo ông Anurag Naithani, phụ trách Dịch vụ khách hàng Kanta Media, đây là thời gian hết sức quan trọng đối với DN vì lượng người xem cao đồng nghĩa với hiệu quả truyền thông trong giờ vàng cũng vượt trội hơn.

Theo thống kê của Kanta Media, trong năm 2011, thị trường Việt Nam đã có khoảng 700 triệu USD đầu tư cho ngành quảng cáo. Trong đó, quảng cáo qua mạng internet chỉ chiếm 3,5%; còn lại 5,5% dành cho quảng cáo trên báo, tạp chí, phát thanh, quảng cáo ngoài trời… Riêng quảng cáo trên truyền hình chiếm 81% doanh thu toàn ngành. Năm 2012, con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, lượng đầu tư vào quảng cáo truyền hình không ngừng tăng, đặc biệt là trong các chương trình THTT.

Thống kê của Kanta Media cho thấy, DN Việt đang chi đến 1 triệu USD cho/1 giờ quảng cáo trong khung “giờ vàng” của hệ thống truyền hình tại Việt Nam.

Theo báo giá của các nhà đài, hiện giá quảng cáo cao nhất trong khung giờ này lên đến 170 triệu đồng/30 giây, thuộc về VTV.

Như đêm chung kết 2 chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam chẳng hạn, với thời lượng 1 giờ 20 phút phát sóng, từ 20 giờ - 21 giờ 20, nhà sản xuất BHD đưa ra 5 phân đoạn nội dung với thời lượng theo thứ tự là 21 phút, 15 phút, 13 phút, 7 phút và 4 phút. Cứ cách một phân đoạn là có một phần cho quảng cáo.

Như vậy, trung bình một chương trình, nhà sản xuất này sẽ có 18 - 20 phút dành cho quảng cáo, chiếm khoảng 30% thời lượng chương trình.

Chương trình càng có nhiều người xem thì giá quảng cáo càng cao. Giai đoạn sau của Bước nhảy hoàn vũ 2011 cũng từng tăng giá quảng cáo khi dư luận tập trung chú ý vào chương trình THTT này.

Tiềm năng là thế nhưng theo ông Phạm Lê Hiếu, không hẳn THTT là mảnh đất màu mỡ mà ngược lại, còn chứa đựng rất nhiều khó khăn bởi khâu sản xuất, tổ chức thường phức tạp hơn, tốn kém nhiều công sức, chi phí và có nhiều rủi ro hơn so với các thể loại khác.

Đơn cử như thể loại game show bình quân có thể sản xuất 4 số/ngày, trong khi thể loại THTT như Tôi là người dẫn đầu phải mất 3 ngày hoặc nhiều hơn mới thực hiện được 1 số.

Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự để thực hiện cũng phức tạp. Cụ thể như với 16 thí sinh tham dự Tôi là người dẫn đầu, nhà sản xuất phải có đến hơn 60 người chăm sóc, phục vụ...

Tuy nhiên, khi khán giả game show đang có khuynh hướng sút giảm thì các chương trình THTT đã là luồng gió mới đáp ứng nhu cầu và thu hút khán giả nhiều hơn, đồng thời là cơ hội để các đơn vị sản xuất tự làm mới mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lấn sóng giờ vàng, chen chân quảng cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO