Vì sao doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm lao động cuối năm?
Ngày 21/12/2022, tại TP.HCM, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Công ty TNHH Tỷ Hùng (Q.Bình Tân, TP.HCM). Đây là DN cắt giảm 2/3 lao động (1.200/1.800 người) do không có đơn hàng sản xuất.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Tỷ Hùng, cắt giảm 1.200 lao động vào đầu tháng 12/2022 là quyết định rất khó khăn của công ty, "cực chẳng đã" công ty mới phải làm vậy vì không có đơn hàng, không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động.
Trước đây, công ty có 3 nhà máy ở TP.HCM, Bến Tre và Đồng Tháp. Trung bình nhà máy tại TP.HCM nhận làm 200.000-250.000 đôi giày/tháng, nhưng đến tháng 9/2022 chỉ còn từ 75.000-80.000 đôi nên không thể cầm cự. Đơn hàng giày da của công ty chủ yếu từ châu Âu. Những tháng cuối năm 2022, đơn hàng giảm tới 70-80%, chỉ còn những đơn hàng nhỏ lẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Nhân sự Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Q.Tân Phú) cho biết, hiện công ty chỉ hoạt động 85% năng lực, công nhân chỉ làm 8 giờ/ngày và không tăng ca.
"Dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành lao động và chưa có chủ trương tuyển thêm lao động", ông Tuấn nói và cho hay, năm nay công ty thưởng Tết 1 triệu đồng/người, thưởng cuối năm hệ số trung bình là 1,7 tháng lương thu nhập (trung bình là 11 triệu đồng/tháng).
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH, để đảm bảo nguồn nhân lực lao động cho năm 2023, cần có các chính sách kịp thời để hỗ trợ DN hoạt động, qua đó giữ việc làm và thu nhập cho người lao động trong thời gian tới.
Khảo sát nhanh cuối năm của VCCI về triển vọng sản xuất, kinh doanh của các DN tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam cho thấy, chỉ có 9% DN cho biết tăng đơn hàng, 68% giảm đơn hàng, 23% chưa xác định được triển vọng kinh doanh thời gian tới. Các biến động khó đoán định của thị trường đang khiến nhiều DN khó xác định, xây dựng được các kế hoạch cụ thể cho sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động thời gian tới.
Không chỉ nhiều DN phía Nam tháng cuối năm hoạt động ít khả quan, một số ngành xuất khẩu hàng hóa chủ lực cũng đang bị sụt giảm đơn hàng, chẳng hạn da giày sụt giảm khoảng 20-30%, dệt may 25-30%, chế biến gỗ 70%, công nghiệp phụ trợ 50%... Do đơn hàng sụt giảm, một số DN đã dự kiến cắt giảm lao động, một số DN suy giảm đơn hàng đã ngừng tăng ca sản xuất, giảm giờ làm, cắt phép năm cho lao động.
Chính sách kịp thời
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, hơn 472.000 lao động đã bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy giảm việc làm, mất việc (41.500 lao động mất việc, 430.600 lao động giảm giờ làm, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng).
Cục Việc làm dự báo, thời gian tới người lao động trong các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch... sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc hoặc bị giảm giờ làm, bấp bênh thu nhập.
Bà Vi Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI, cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách kịp thời giúp các DN có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động tiếp cận nguồn lao động từ những DN có nhu cầu cắt giảm do bị tác động sụt giảm đơn hàng. Hỗ trợ DN đa dạng hóa và dễ dàng hơn tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ tài chính... để giúp các DN có nguồn tiền duy trì hoạt động, qua đó giữ việc làm, thu nhập cho lao động.
Có các gói hỗ trợ DN đào tạo lại lao động, bởi đây là thời điểm phù hợp đẩy mạnh đào tạo lại sau thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động thay đổi. Tại Hội nghị người sử dụng lao động 2022 do VCCI tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho rằng, cần thuận lợi hóa hơn điều kiện và thủ tục hành chính giúp DN tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động, thúc đẩy DN và các cơ sở đào tạo liên kết hợp tác đào tạo theo nhu cầu.
Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký VCCI cho rằng, trong năm 2023 bên cạnh duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần tăng cường kích cầu nội địa, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ và người lao động thông qua các gói tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội, ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, thực hiện các chế độ phúc lợi.
Khi DN thực hiện tốt chế độ phúc lợi, sẽ có điều kiện thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất lao động. Các chính sách hỗ trợ cần kéo dài thích hợp, điều kiện cần thuận lợi, dễ tiếp cận hơn để nhiều DN và người lao động có cơ hội thụ hưởng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển thị trường lao động, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, quan tâm đến các nhóm lao động yếu thế...