Kinh doanh ngọc trai: Kẻ khóc, người cười

DUY KHUÊ - MAI PHƯƠNG| 24/01/2016 01:31

Vàng thau lẫn lộn” là cụm từ mà thị trường vẫn hay dùng khi nói đến chất lượng ngọc trai hiện nay, bởi ngọc trai thật hay ngọc trai giả thì chỉ có những người trong cuộc mới biết.

Kinh doanh ngọc trai: Kẻ khóc, người cười

Đầu tư nuôi con trai để lấy ngọc thời gian qua thu hút không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn có các nhà đầu tư đến từ Nhật, Úc, Trung Quốc... Trải qua nhiều thử nghiệm với bao lần thất bại, cuộc đua “săn ngọc” đã có quy mô lớn hơn, phân định rõ ràng từ thương hiệu đến đẳng cấp, chất lượng ngọc trai. “Vàng thau lẫn lộn” là cụm từ mà thị trường vẫn hay dùng khi nói đến chất lượng ngọc trai hiện nay, bởi ngọc trai thật hay ngọc trai giả thì chỉ có những người trong cuộc mới biết.

Đọc E-paper

Sau hàng loạt thăng trầm, thị trường đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu ngọc trai, dù rằng phân khúc này chỉ mới chiếm 5% thị phần đồ trang sức ở Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại thị trường miền Nam, có lẽ nổi trội hơn hết vẫn là Công ty CP Ngọc trai Hoàng Gia và Tập đoàn Ngọc trai Long Beach.

Theo đó, nếu như Ngọc trai Hoàng Gia khẳng định vị thế bằng giá trị thực của ngọc trai hay bằng những chứng nhận, bằng khen ghi nhận giá trị của ngọc trai Việt Nam, thì Long Beach định vị bằng sự “phủ sóng” tại các thành phố, thị tứ biển, đảo.

Dù đã từng công bố sẽ nâng trung tâm ngọc trai, đá quý lên con số 18 vào cuối năm 2015, nhưng tính đến nay, Long Beach chỉ có 14 cửa hàng ngọc trai, đá quý tại Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Mũi Né, Cam Ranh, Huế, Nha Trang và Đà Nẵng.

Mặc dù chưa thực hiện được mục tiêu đề ra, song đây cũng là bước phát triển khá nhanh của Long Beach. Bởi vì từ năm 2012 - 2014, DN chỉ phát triển được 6 cửa hàng, và trong năm 2015, Long Beach đã tăng cùng lúc 8 cửa hàng ngọc trai, đá quý.

Hiện ngọc trai Long Beach đã thu hút nhiều khách hàng, hằng tháng, những cửa hàng ở Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc đón hơn 20.000 người. Trong số đó, vào những tháng mùa Đông, có gần 60% khách hàng là người nước ngoài.

Không chọn cách cạnh tranh bằng sự bành trướng thị phần, Ngọc trai Hoàng Gia phương hướng kinh doanh riêng, đó là chinh phục khách hàng bằng niềm tin, khi trở thành DN nuôi cấy, chế tác đầu tiên tại Việt Nam chập nhận mua lại trang sức ngọc trai từ khách hàng.

Chia sẻ về điều này, ông Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hoàng Gia cho hay: “Tôi nghĩ rằn vài ba năm nữa, thị trường ngọc trai Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn. Lúc ấy cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, bởi thu hút khách hàng nước ngoài đã khó, việc giữ chân khách hàng trong nước lại càng khó hơn. Hiện nay vẫn còn số đông khách hàng Việt Nam qua Thái Lan, Singapore, Hong Kong mua trang sức ngọc trai”.

Có thể nói, dù có cách kinh doanh khác nhau, song các DN trong lĩnh vực ngọc trai đều nhận thấy giá trị của việc khép kín các công đoạn từ nuôi cấy đến chế tác ngọc trai.

Điều này được minh chứng rõ nét khi song hành cùng việc mở rộng thị trường, thì các DN tên tuổi trong lĩnh vực ngọc trai Việt Nam đều khép kín các công đoạn thay vì chỉ xuất khẩu ngọc trai thô như trước đây nhằm giữ chân khách hàng với mức giá tốt.

Tại thị trường miền Bắc, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, doanh nghiệp liên doanh Việt - Nhật được biết đến nhiều khi cho ra đời ngọc trai được nuôi cấy và chế tác tại Việt Nam. Điều này đã đem về doanh thu hàng triệu USD cho nhà đầu tư vào năm 2006.

Năm 2012, một lần nữa DN này lại đánh dấu sự thành công khi thay đổi chiến lược kinh doanh. Đó là không xuất khẩu ngọc trai thô mà trực tiếp chế tác để tạo giá trị gia tăng, mở rộng phân phối cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong và một số nước châu Âu.

Sau ba năm phát triển chế tác, ngọc trai Hạ Long đã được công nhận là sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh.

Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, nỗi lo của DN là hiện nay vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra quản lý chất lượng ngọc trai, khách hàng vẫn bị lừa từ ngày này qua ngày khác.

“Tôi rất đau lòng khi nhận thấy tỷ lệ ngọc trai nước ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc được chế tác và bày bán tràn lan tại các điểm du lịch biển của Việt Nam với mức giá cao ngất ngưỡng. Người tiêu dùng phải trả giá đắt do lòng tham của những người bán hàng không chân chính và hệ lụy là niềm tin đối với hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng xa xỉ phẩm ngày một xấu đi”, ông Tuấn phân tích.

>Kinh doanh ngọc trai: Cuộc đua "săn ngọc"

>Người đưa ngọc trai Việt ra thế giới

>Chiến lược kinh doanh của "Vua ngọc trai"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh ngọc trai: Kẻ khóc, người cười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO