Không dễ tái canh cây cà phê

LỮ Ý NHI| 28/03/2017 03:36

2 năm cải tạo đất, cộng với 3 năm kiến thiết cơ bản, tức phải chờ đến 5 năm mới có thu hoạch. Đó là bài toán khó cho chiến lược tái canh cây cà phê đến năm 2020 tại các tỉnh Tây Nguyên.

Không dễ tái canh cây cà phê

2 năm cải tạo đất, cộng với 3 năm kiến thiết cơ bản, tức phải chờ đến 5 năm mới có thu hoạch. Đó là bài toán khó cho chiến lược tái canh cây cà phê đến năm 2020 tại các tỉnh Tây Nguyên. 

Đọc E-paper

Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh, cây cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích, 92,79% là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, không thể thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Bên cạnh đó, do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý đã khiến đất trồng cà phê tại Đắk Lắk ngày càng xuống cấp, thoái hóa trầm trọng.

Ông Hoăng M Lo - nguyên Chủ tịch xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cho biết : "Trước đây cà phê thu hoạch 3,5 đến 4 tấn/ha, bây giờ chỉ còn hơn 2 tấn/ha do cây già cỗi, bởi tuổi thọ cây cà phê chỉ 20 năm. Năng suất và chất lượng suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức mà người nông dân bỏ ra".

Để nâng cao giá trị cho cây cà phê, những năm gần đây, vấn đề tái canh đã được thực hiện và mới đây nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa đã đưa ra nhiều chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân tái canh, như cung cấp phân bón, cải tạo đất, xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, đưa diện tích cà phê nhỏ lẻ vào vùng canh tác tập trung để nâng cao năng suất cho 6 thôn và 6 buôn tại xã Ea Tu.

Ông Hoăng M Lo cho biết: "Để giảm bớt thiệt hại do biến đổi khí hậu, xã chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Vinacafé Biên Hòa tiếp tục thâm canh cây cà phê trong chu kỳ tái canh khoảng 100ha, mục đích là thay cây cũ, trồng giống cây mới phù hợp thổ nhưỡng. Tôi tin rằng, khi cả 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cùng vào cuộc giúp đỡ, hướng dẫn người dân trồng cà phê thâm canh, đồng thời có giám sát, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng thì chương trình sẽ thành công".

Tuy nhiên, việc tái canh cây cà phê không hề đơn giản và vẫn mang tính thử nghiệm. Theo một cán bộ nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, trước đây dù được hỗ trợ về kỹ thuật và vốn vay lãi suất thấp nhưng chương trình vẫn bị người dân thờ ơ. Trong 2 năm 2013 - 2014, gói tín dụng hơn 12.000 tỷ đồng được các ngân hàng ký với các tỉnh Tây Nguyên để tái canh cây cà phê song chỉ giải ngân được vài trăm tỷ đồng".

Theo lý giải của ông Hoăng M Lo, sở dĩ nông dân không mặn mà vay vốn vì không thích việc nhận vốn giải ngân từng lần theo quy trình tái canh mà muốn giải ngân một lần. Song, cái vướng lớn nhất là hầu hết hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ tại ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để vay gói tái canh".

>>Để cà phê không còn là "giọt đắng"

Đến thăm bà con ở xã Ea Tu mới thấy đời sống của nhiều hộ nông dân đang gặp khó khăn vì năng suất cây cà phê thấp dần. Ông Y Drăn Byă (51 tuổi) - trưởng một buôn của xã Ea Tu cho biết: "Nhà tôi có 9 sào cà phê, hầu hết đều trồng từ năm 1972 nên đã già cỗi, đất hết dinh dưỡng nên năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cho 1,3 - 1,5 tấn, thấp hơn trước đây rất nhiều".

Ông Y Drăn Byă cho rằng gia cảnh ông gặp khó vì không vay được vốn ngân hàng do còn nợ cũ chưa trả được nên không thể tái canh vườn cà phê, mà tái canh thì phải vài ba năm mới có thu hoạch nên không có nguồn thu nhập để sống.

Một lý do khác khiến việc tái canh cây cà phê khó thành hiện thực là hầu hết bà con dân tộc thiểu số ở đây không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, mà nếu đủ điều kiện thì quy trình vay khá rối rắm nên người dân không mấy mặn mà.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ko Tam, người có nhiều năm kinh doanh cà phê tại Buôn Ma Thuột, hiện nay, vốn vay tái canh cây cà phê không hạn chế, lãi suất cũng ưu đãi nhưng vấn đề nằm ở chỗ quy trình tái canh. Theo đó, 2 năm sau phá bỏ cà phê để cải tạo đất thì mới được vay vốn. Bên cạnh đó, muốn tái canh cần phải có kết quả xét nghiệm đất không có tuyến trùng, không có nấm, nguồn giống phải được các cơ quan chức năng công nhận.

Một khó khăn nữa là diện tích đất tiến hành tái canh cà phê trên diện rộng là rất ít, phần lớn vẫn là tái canh theo kiểu cuốn chiếu, mỗi hộ tái canh một phần diện tích để đảm bảo cuộc sống và nguồn thu trả lãi ngân hàng.

Không chỉ là nỗi lo về việc tái canh cây cà phê mà còn là chuyện muôn thuở "được mùa mất giá". Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tình trạng được mùa rớt giá, được giá lại mất mùa xảy ra không chỉ với mặt hàng cà phê mà còn với một số nông sản khác của Việt Nam. Để giải quyết tình trạng này, nếu chỉ giao cho chính quyền địa phương xử lý thì không có kết quả vì không thể quyết định giá cà phê trên toàn cầu.

Muốn có sản lượng cà phê nhân ổn định, chủ động được giá cả, vấn đề quy hoạch diện tích, giống, biện pháp trừ sâu bệnh, sự chung tay của doanh nghiệp chế biến cà phê, sự hỗ trợ từ phía ngân hàng dưới sự điều tiết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là quan trọng nhất.

>>Máy tính và cà phê có gì giống nhau?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không dễ tái canh cây cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO