Hướng đi mới trong "bình thường mới"

Minh Hào| 13/09/2020 05:06

Thu nhập sụt giảm, người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" khiến doanh nghiệp khó khăn, buộc phải thay đổi, tái cơ cấu hoạt động... để phát triển.

Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, từ khi dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Hầu hết người tiêu dùng đều có nhu cầu cất trữ hàng hóa đông lạnh nhiều hơn, lâu hơn và cũng rất quan tâm sản phẩm an toàn, tiện lợi để nấu. Đây cũng là nguyên nhân để Sài Gòn Food nhanh chóng sáng tạo sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm cũ. Trong tháng 9, công ty ra mắt một loạt sản phẩm mới tiện lợi, an toàn, phù hợp cho các bà nội trợ bận rộn như cháo bổ dưỡng, cháo tươi bổ sung DHA... Theo lãnh đạo Công ty Sài Gòn Food, dịch Covid-19 đã thúc đẩy quy trình ra mắt sản phẩm mới cũng nhanh hơn so với trước. Hiện tại, quy trình ra sản phẩm mới của công ty đạt mức kỷ lục: chỉ trong 3 tháng. Bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, công ty này cũng mở rộng thị trường phía Bắc và đưa vào hệ thống cửa hàng thực phẩm mới song song với việc đẩy mạnh bán hàng online.

bai-1-SG-Food-1504-1599728564.jpg

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho rằng, khó khăn chính là cơ hội để doanh nghiệp rà soát lại bộ máy, cắt giảm chi phí, cắt lỗ những mảng kinh doanh chưa hiệu quả. Đây cũng là dịp để lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại phương thức sản xuất, kinh doanh để có thể tái cấu trúc, hoạt động hiệu quả hơn. Ngay tại Sài Gòn Food, từ khi đại dịch diễn ra, công ty cải tiến quy trình, hệ thống quản trị... thay đổi bao bì theo quy chuẩn, áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, nước để giảm chi phí sản xuất. Chỉ riêng với việc cải tiến quy trình sản xuất, Sài Gòn Food đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ tiết kiệm 6 tỷ đồng.

Tương tự, PNJ cũng tiếp tục mở mới các cửa hàng, đồng thời cân đối việc đóng cửa một số cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là những cửa hàng trong các trung tâm thương mại có lượng khách hàng giảm sau đại dịch. 

Để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng theo từng thời kỳ, PNJ cũng chủ động cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cung ứng cho thị trường sỉ, tăng tỷ trọng vàng miếng và sản phẩm trang sức có hàm lượng vàng cao để hướng đến các nhà đầu tư muốn tìm kiếm kênh tài chính an toàn, đăng ký thêm các ngành nghề nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và mảng bán hàng trả góp. 

Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ngay khi Covid-19 diễn ra, FPT đã kích hoạt hệ thống quản trị "thời chiến", thành lập "biệt đội phản ứng nhanh" đưa ra những quyết sách kịp thời với tình hình mới. Nhờ chủ động ứng phó, nâng cao quản trị, liên tục tìm kiếm cơ hội đã giúp FPT có kết quả tương đối khả quan ở cả thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, phản ứng nhanh trước đại dịch đã giúp doanh thu tháng 7/2020 của PNJ đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cũng như thế, bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, chiến lược thay đổi nhanh để thích ứng với tình hình mới sẽ được Sài Gòn Food tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Trong tháng 10/2020, Sài Gòn Food sẽ ra một loạt sản phẩm mới với bao bì nhỏ gọn, phù hợp, tiện lợi cho người tiêu dùng song song với việc tiếp tục tiết giảm chi phí sản xuất. Với chiến lược này, Sài Gòn Food tin sẽ đạt được kế hoạch tăng trưởng 20% doanh thu mà lãnh đạo công ty đặt ra hồi cuối năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đi mới trong "bình thường mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO