“Hôn nhân” có trải hoa hồng?

25/05/2013 06:50

Với tỉ lệ hợp nhất 1:1, cuộc hôn nhân giữa Tổng Cty cổ phần Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây –WesternBank (WTB) được cho là “môn đăng hộ đối”...

“Hôn nhân” có trải hoa hồng?

Với tỉ lệ hợp nhất 1:1, cuộc hôn nhân giữa Tổng Cty cổ phần Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây –WesternBank (WTB) được cho là “môn đăng hộ đối”.

Được hưởng nhiều đặc quyền từ hiện hữu của một cổ đông lớn trong nền kinh tế nước nhà – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN - PVFC có nhiều điểm son hơn hẳn nếu so sánh “gia thế” với WTB.

Kẻ tám lạng

Điểm son đầu tiên khiến PVFC có thể “đè bẹp” WTB là vốn và tổng tài sản. Tiền hôn nhân, PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng. Tổng tài sản chốt đến 31/12/2012 là 88.806 tỉ đồng. Nếu xét riêng về tốc độ tăng trưởng, PVFC có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản khá nhanh. Đến 2011, quy mô tổng tài sản của PVFC đạt hơn 89 nghìn tỉ đồng, tăng 98% so với năm 2008 và tăng 34,04% so với năm 2010. Đến năm 2012, với một số khó khăn nhất định, tốc độ tăng trưởng này đã thụt lùi nhưng cũng chỉ giảm 1% so với năm 2011 và vẫn đảm bảo cho PVFC có lợi thế. Còn xét về giá trị tuyệt đối, mặc dù là một Cty tài chính và chưa hoạt động đầy đủ các nghiệp vụ như một ngân hàng thương mại, PVFC vẫn có quy mô tổng tài sản lớn ngang với những ngân hàng thương mại cỡ trung bình (tất nhiên chưa thể so sánh với các ngân hàng thương mại lớn).

Nếu lấy số liệu quý I/2013, tổng tài sản của PVFC còn 87.360 tỉ đồng để so sánh, thì PVFC hiện đang có tổng tài sản xấp xỉ VPB (112.611 tỉ đồng- số liệu quý I/2013), SHB (104.400 tỉ đồng – quý I/2013), khá cách xa so với 4 tứ trụ ngân hàng hoặc 1 số ngân hàng thương mại lớn hàng đầu như STB, EIB, TCB và MBB. Tuy nhiên, PVFC lại đang có tổng tài sản cao hơn một số ngân hàng thương mại cỡ trung bình khá (từ dưới lên) như ĐongABank (69.804 tỉ đồng/ số liệu quý I/2013), OceanBank (65.064 tỉ đồng- số liệu quý I/2013), VIB (65.036 tỉ đồng-số liệu quý IV/2013)… Về vốn chủ sở hữu, quy mô vốn chủ của PVFC trong giai đoạn 2008-2011 có sự tăng chậm với mức tăng chỉ khoảng 11%. Năm 2012, vốn chủ sở hữu của PVFC đạt 6.834,8 tỉ đồng. Qua quý I/2013, vốn chủ sở hữu cũng sụt giảm xuống còn 6.644 tỉ đồng.

Như vậy, mặc dù đã và đang giảm về quy mô tổng tài sản lẫn vốn đầu tư chủ sở hữu bắt đầu từ năm 2012 đến quý I/2013, nhưng PVFC vẫn có lợi thế lớn của một Cty tài chính lớn nhất trong các Cty tài chính, cũng như có sự ngang hàng với các NHTM cỡ trung bình. (Theo tiêu chí NHTM đứng đầu có tổng tài sản từ 100.000 tỉ đồng và vốn chủ 9.000 tỉ đồng trở lên; Nhóm NHTM trung bình có tổng tài sản trong khoảng 45.000-100.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu trong khoảng 4.500-9.000 tỉ đồng). Theo bảng xếp loại của chính PVFC thì Tổng Cty đang đứng thứ 12 trong số các TCTD (Nguồn: Báo cáo tóm tắt Đề án hợp nhất).

Người nửa cân

“Thấp bé nhẹ cân” hơn về quy mô tổng tài sản cũng như vốn chủ sở hữu, nhưng WTB lại có lợi thế là các “mác” NHTM, điều mà PVFC đã “mơ” rất lâu. Trước đó, PVFC đã xác định định hướng trở thành NHTM. Trong chiến lược PVFC nêu rõ mục tiêu của Cty: “Là định chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia VN và là ngân hàng thương mại mạnh trong lĩnh vực năng lượng của khu vực, tạo lập thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.”

Vì vậy, việc hợp nhất WTB, mặc dù có thể có sự khập khiễng về vốn liếng, tổng tài sản cũng như một vài yếu tố khác, nhưng lại vẫn được xem là cuộc hôn nhân cân xứng do WTB sẽ mang lại cơ hội trở thành NHTM cho PVFC, mà trong suốt thời gian qua, PVFC đã tìm kiếm “ý trung nhân” nhưng chưa đạt như ý nguyện.

Về tổng tài sản, WTB là ngân hàng có giá trị tuyệt đối khá khiêm tốn. Dù vậy, với tổng tài sản ước khoảng 16.000 tỉ đồng của WTB, ngân hàng sau hợp nhất vẫn có thể đạt tổng tài sản trên 100.000 tỉ đồng. Vốn điều lệ đạt đủ mức thấp nhất theo yêu cầu vốn pháp định của các NHTM, của WTB là 3.000 tỉ đồng, hợp nhất vốn với PVFC (lớn gấp đôi), cũng sẽ cho một NH có vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng tương lai sẽ sánh ngang với những NHTM như SHB, VPB và cơ hội để cạnh tranh, vươn lên trong Top những ngân hàng lớn như STB, EIB (nếu không hợp nhất) là rất lớn.

Đương nhiên, một trong những điều đáng ngại nhất từ WTB tiền hôn nhân là ngân hàng này đang có khoản tiền gửi liên ngân hàng 1.118 tỉ đồng đã quá hạn tại 2 ngân hàng Sài Gòn Hợp Nhất và TrustBank (Đại Tín) và phải trích lập dự phòng 50%, tương đương 559 tỉ đồng. Một số các chỉ tiêu kinh doanh khác như dư nợ tín dụng có nhiều nằm dưới dạng ủy thác đầu tư và đặt cọc môi giới chứng khoán trong đó những khoản đầu tư trị giá lớn mà chưa có tài sản đảm bảo, các khoản đầu tư phải trích lập dự phòng giảm giá lớn và khoản lỗ lũy kế trên hạch toán kế toán tính đến quý I/2012… khiến về cơ bản, WTB có khả năng gặp khó khăn thanh khoản trung và dài hạn.

Song, ở thời điểm hiện nay, sức khỏe của WTB đã có sự cải thiện. WTB đã nỗ lực tự tái cấu trúc tài sản và kết thúc năm 2012, ngân hàng đã đạt 42 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Đặc biệt, cam kết bán vốn của nhóm cổ đông chiếm tỉ lệ 90% cổ phần WTB, tương ứng số vốn điều lệ 2.700 tỉ đồng và thực tế một nhóm cổ đông mới vào thay thế đã mang đến WTB nguồn lực mới, hiểu ở 2 phương diện tiền thực lẫn giá trị tinh thần đồng nhất với định hướng hợp nhất và tìm kiếm con đường mới cho WTB.

Đây mới là tiền đề quan trọng để 2 kẻ “tám lạng, nửa cân” gặp nhau và dự kiến cuộc hôn nhân sẽ có thể hoàn tất vào tháng 7 năm nay.

Chìa khóa để “cơm lành canh ngọt”

Một cuộc hôn nhân ít khập khiễng và trong đó đôi bên đều có lợi, không bên nào phải quá “kiễng chân” để với tới bên nào, thông thường sẽ là nền tảng cho đời sống yên ả hậu hôn nhân.

Với cuộc hôn nhân giữa “anh” bán buôn và “nàng” bán lẻ như PVFC và WTB, nhiều người đang kỳ vọng những rào cản về khó khăn thanh khoản của WTB, 2 hạng mục tín dụng liên quan đến Vinashin và Vinalines của PVFC mà thực tế nếu sử dụng lợi nhuận và quỹ dự phòng để trích lập toàn phần, PVFC sẽ “trắng tay”… sẽ không ngăn trở được cơ hội phát triển của ngân hàng tương lai.

Trong đó, sự đường hoàng “danh chính ngôn thuận” phát triển nghiệp vụ huy động vốn ngoài Tập đoàn PVN – cổ đông lớn vẫn cam kết hậu thuẫn cho ngân hàng mới sau hợp nhất – không còn “bó chân bó tay” trong thực thi các nghiệp vụ bán buôn lẫn bán lẻ, là rất quan trọng. Khoảng 100 điểm giao dịch của 2 tổ chức sau hợp nhất là hệ thống mạng lưới đáng vị nể (nếu so với mạng lưới của một NHTM có mạng lưới phát triển hàng đầu như STB, sẽ chiếm bằng khoảng 1/3).

Quan trọng hơn nữa, cả hai tổ chức đều đã có sự đồng thuận về nhân sự. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, đây là mấu chốt thành công của bất kỳ thương vụ nào ở thời kỳ hậu M&A. Cơm có lành, canh có ngọt hay không phụ thuộc vào mấu chốt đó. Sự thành công của Sài Gòn Hợp Nhất, từ ba ngân hàng có các ông bà chủ có mối liên đới mật thiết với nhau, ngoài sự đỡ đầu của NHNN và BIDV, nếu không có yếu tố đồng thuận về nhân sự theo kiểu “châu về hợp phố”, chưa hẳn dễ đạt đến thành công (dù mới chỉ bước đầu) như hôm nay

. Sự thu xếp khéo léo của Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB đối với nhân sự HBB, mà kể cả các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng phải có sự dịch chuyển về đảm nhiệm vị trí của nhân sự cấp thấp và trung tại đây, có thể khiến người ngoài nhìn vào thấy khó hiểu, nhưng cũng là một yếu tố đảm bảo thành công dài lâu cho SHB thời kỳ hậu M&A, khi sự nể vì, sống lâu lên lão làng theo tập tính kinh doanh của người Việt đã bắt buộc phải nhường chỗ cho quản trị nhân sự phù hợp với chuẩn mực quản trị của ngân hàng mới.

Hiện tại, chưa biết các cổ đông WTB sẽ có chỗ ngồi như thế nào trong ngân hàng hợp nhất. Một điều chắc chắn là cánh tay mạnh mẽ của PVN sẽ khó buông lơi việc hậu thuẫn cho ngân hàng hợp nhất. Và do đó, các nhân sự chủ chốt có thể vẫn sẽ phải là người của PVN.

Chỉ hy vọng, nếu sau hôn nhân, PVN vừa giữ đúng cam kết hậu thuẫn cho ngân hàng vừa sớm thực thi động thái thoái vốn với tỉ lệ đã định, để tạo cơ hội để các cổ đông lớn như Morgan Stanley nâng tỉ lệ sở hữu. Điều đó sẽ giúp ngân hàng hợp nhất bớt “chông chênh” và quan trọng, có thể xuất hiện nhân tố mới là các nhân sự từ bên ngoài.

Một cuộc hôn nhân được hình dung sẽ "ngọt ngào" do tạo ra được thực thể lớn về quy mô, mạnh về vốn. Tuy nhiên, vẫn rất cần những khung chuẩn mực cho "đời sống hậu hôn nhân". Những con người cũ, những thói quen, nếp kinh doanh theo mô hình cũ liệu có thể điều chỉnh để dung hòa?

Theo kế hoạch kinh doanh được xây dựng chi tiết và cụ thể trong đề án hợp nhất, dự kiến ngân hàng hợp nhất sẽ đạt được các chỉ tiêu an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động như sau:

- Vốn điều lệ từ năm 2013-2014: 9.000 tỉ đồng; năm 2015: 12.000 tỉ đồng

- Tỉ lệ an toàn vốn CAR từ năm 2013- 2015: 10,10%; 9,03%; 9,60%

- Nguồn huy động vốn từ thị trường 1/ tổng tài sản từ năm 2013 -2015: 33%: 37%, 41%

- Nguồn vốn huy động từ thị trường 2/ tổng tài sản từ năm 2013-2015: 45%; 40%; 34%

- Vốn tự có/ tổng tài sản từ năm 2013-2015: 6%; 5%; 5%

- Tỉ lệ cho vay/ nguồn huy động từ năm 2013-2015: 69%; 71%, 73%

- Tỉ lệ tài sản gửi liên ngân hàng/ nguồn huy động liên ngân hàng từ năm 2013-2015: 88%, 100%, 108%

- ROE từ năm 2013-2015: 15,38%; 19,64%; 18,41%

- ROA từ năm 2013-2015: 0,87%; 0,93%; 0,94%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Hôn nhân” có trải hoa hồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO