Hồ tiêu vươn đến tỷ đô

LÊ LOAN| 27/05/2016 08:30

Chiến lược phát triển hồ tiêu Việt Nam là giữ vững kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Nhiệm vụ này đòi hỏi doanh nghiệp trong ngành phải luôn cải thiện chất lượng sản phẩm.

Hồ tiêu vươn đến tỷ đô

Chiến lược phát triển hồ tiêu Việt Nam là giữ vững kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Nhiệm vụ này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) trong ngành phải luôn cải thiện chất lượng sản phẩm. 

Đọc E-paper

34% thị phần thế giới

Với tổng kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2015, ngành hồ tiêu thời gian qua được ghi nhận có sự tăng trưởng tốt. Bởi lẽ, khi rất nhiều mặt hàng nông sản bị mất giá, năng suất giảm thì hồ tiêu vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, giá hồ tiêu ngày một cao. Đỉnh điểm nhất là vào năm 2015, giá hồ tiêu tại Việt Nam tăng nằm ngoài dự báo của DN lẫn giới chuyên gia trong ngành.

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu xô đạt cao nhất trong năm 2015 là 22.500đ/kg. Tại thị trường xuất khẩu, giá tiêu đen tăng gần 40% so với năm 2014, giá bán tiêu trắng tăng chênh lệch với giá trung bình năm 2014 gần 2.000USD/tấn (tương đương 17,3%).

Tuy chưa xác định được nguyên nhân của việc tăng giá, nhưng theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào tháng 3/2016, sản lượng hồ tiêu thế giới từ năm 1996 - 2015 tăng khá nhanh, chủ yếu từ Việt Nam. Cụ thể, trước đây Ấn Độ và Indonesia luôn dẫn đầu trong việc xuất khẩu hồ tiêu, thì nay Việt Nam đã chiếm đến 32% thị phần thế giới. Hơn thế nữa, IPC còn dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thị phần lên 34% trong 8 năm tới.

Dù chưa thể xác định được dự báo này có đúng hay không, nhưng theo DN ngành hồ tiêu, giá tăng cao cũng là động lực khiến nông dân tích cực trồng hồ tiêu. Dự báo hết năm 2016, diện tích có thể lên tới 100.000 ha, vượt gần gấp đôi quy hoạch.

Liệu đây có phải là tin vui cho nông sản Việt Nam? Phân tích vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Tập đoàn Intimex cho hay, tháng 9/2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1684/QĐ-TTg, phê duyệt "Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn", tập trung vào 11 ngành hàng nông sản lớn, trong đó có hồ tiêu. 

Chính phủ coi hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao là điều đáng mừng cho DN ngành hồ tiêu, nhưng vấn đề đáng bàn là hiện nay diện tích hồ tiêu đã vượt ngưỡng diện tích quy hoạch (50.000ha). Bên cạnh đó, diện tích mới trồng đa phần nằm ở những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên (nguồn nước tưới, đất đai, khí hậu...) khiến sản xuất luôn ở tình trạng bấp bênh, người nông dân phải chịu chi phí đầu tư cao hơn.

"Việc mở rộng diện tích thâm canh quá mức nhưng không theo quy trình GAP, sử dụng giống trôi nổi, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy cách, hồ tiêu có thể mất 30% năng suất hoặc mất trắng" - ông Nam cảnh báo.

Tiêu sạch "đón sóng" thị trường

Năm 2015, Việt Nam có 82 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu ra thế giới, trong đó có 45 DN thuộc VPA, đạt kim ngạch 1,139 tỷ USD. 37 DN không phải là thành viên VPA đạt kim ngạch 137 triệu USD, các DN FDI (không kể liên doanh) đạt 378 triệu USD.

So với các ngành khác, trong ngành hồ tiêu Việt Nam, DN khối nội đang chiếm thế chủ động về tỷ lệ xuất khẩu, nhưng điều đáng nói là việc xuất khẩu tiêu xô đã không còn phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới. Trái lại, các mặt hàng như tiêu nghiền, tiêu trắng... đang trở thành sản phẩm tiềm năng bởi giá trị gia tăng và nhu cầu thị trường cao.

Song ở phân khúc này, thống kê từ Trung tâm Thông tin Thương mại toàn cầu (GTI) cho thấy, tổng khối lượng tiêu xay Việt Nam xuất đi chỉ mới đạt 14.664 tấn, chiếm 13,05% thị trường toàn cầu, dù rằng Việt Nam đang có khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến tiêu, nhiều nhà máy rất hiện đại nhưng chưa sử dụng hết công suất.

Nguyên nhân là do chất lượng hạt tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, trừ một ít DN đang trong quá trình triển khai và chế biến hạt tiêu sạch theo hướng bền vững.

Là DN chế biến hồ tiêu theo hướng bền vững, ông Trần Minh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Ea Ktur (thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam) chia sẻ, Ea Ktur đang sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững trên diện tích 939ha, hệ thống tưới tiêu hiện đại. Thế nhưng giá bán giữa hạt tiêu trồng theo hướng bền vững và đơn thuần là ngang nhau. Do vậy, để triển khai việc trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, DN, người nông dân rất cần Nhà nước tạo đầu ra thuận lợi cho hồ tiêu sạch.

Với góc nhìn khác, ông Nam phân tích, Nhật Bản đang tiêu thụ khoảng 9.000 tấn tiêu chế biến/năm, nhưng vẫn chưa có DN Việt Nam nào xuất hồ tiêu vào thị trường này. Thậm chí, đã có nhà đầu tư Nhật đến lập nhà máy nhằm khai thác hạt tiêu của Việt Nam, nhưng cuối cùng phải nhập tiêu sạch từ Indonesia để sản xuất.

"Việc phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu mà nông dân, DN Việt Nam phải làm. Trong thời gian tới, DN nào đã đầu tư chế biến hồ tiêu theo hướng bền vững chắc chắn sẽ chủ động "đón sóng" thị trường" - ông Nam chia sẻ.

>Giải pháp khôi phục niềm tin cho nông sản Việt

>Xuất khẩu nông sản sang Mỹ: Doanh nghiệp cần chú ý gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồ tiêu vươn đến tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO