RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiện hiệp định đã được phê chuẩn bởi 6 thành viên ASEAN và các nước ngoài ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, lần lượt vào tháng 4 và tháng 6/2021.
Theo quy định, RCEP có hiệu lực 60 ngày sau khi tối thiểu 6 thành viên ASEAN và 3 thành viên ngoài khối phê chuẩn. Như vậy, việc New Zealand và Úc phê chuẩn RCEP đã kích hoạt hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới có hiệu lực từ tháng 1/2022 và đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 của các quốc gia này.
RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 sau 8 năm đàm phán. Hiệp định này là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường chiếm gần 30% dân số toàn cầu (khoảng 2,2 tỷ người), chiếm gần 30% GDP toàn cầu và 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand.
Theo cam kết, RCEP sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, đồng thời tiêu chuẩn hóa các quy định về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. RCEP được kỳ vọng phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và thúc đẩy các chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.