Hệ thống phân phối: Quyền lực không lộ diện

LỮ Ý NHI| 12/01/2011 09:39

Nhiều hãng xe máy tại Việt Nam hiện nay giao phó việc phân phối xe cho các đại lý, dịch vụ ủy quyền theo phương thức “mua đứt bán đoạn”. Chính hình thức này đã khiến giá cả trên thị trường xe máy bị các đại lý chi phối, bị đẩy lên cao hơn mức nhà sản xuất niêm yết, nhất là với một số mẫu xe đang ăn khách.

Hệ thống phân phối: Quyền lực không lộ diện

Nhiều hãng xe máy tại Việt Nam hiện nay giao phó việc phân phối xe cho các đại lý, dịch vụ ủy quyền theo phương thức “mua đứt bán đoạn”. Chính hình thức này đã khiến giá cả trên thị trường xe máy bị các đại lý chi phối, bị đẩy lên cao hơn mức nhà sản xuất niêm yết, nhất là với một số mẫu xe đang ăn khách.

Sức ép tăng dần đều

Mua đong, bán độn

Trong khi Honda Việt Nam công bố giá của các loại xe Wave Alpha, Wave RSX, Wave RS vành đúc là 13.390.000 đồng/chiếc, 17.900.000 đồng/chiếc và 17.990.000 đồng/chiếc, thì trên thị trường, các loại xe này đang được các đại lý bán ra với giá cao hơn từ 2,5 - 3 triệu đồng/chiếc.

Hệ thống phân phối của Honda

Cao nhất là xe Air Blade FI, giá công bố của hãng là 31.990.000 đồng/chiếc, còn giá trên thị trường là 38.500.000 đồng/chiếc màu đen và 37.500.000 đồng/chiếc màu đỏ.

Tương tự, một số loại xe được thị trường ưa chuộng như Sirius, Nouvo, Jupiter, Elizabeth... của Công ty Yamaha và SYM cũng bắt đầu được “làm giá” cao hơn giá niêm yết vài triệu đồng/xe.

Dạo một vòng các đại lý bán xe máy trên địa bàn TP.HCM vào cuối năm thấy không khí khá nhộn nhịp. Và điều đáng nói là các dòng xe đang hút khách, như Air Blade, PCX lắp ráp trong nước giá bán không những cao hơn thời điểm trước đây (chênh lệch từ 7 - 10 triệu đồng/chiếc), mà đại lý còn làm khó vì... hết xe, muốn mua phải đặt cọc trước hoặc chấp nhận mua với giá cao.

Tại đại lý xe Honda trên đường Lý Thường Kiệt, khi chúng tôi hỏi mua chiếc Air Blade FI, nhân viên ở đây ra điều kiện: “Mua ngay thì giá 46 triệu đồng (giá niêm yết 31.990.000 đồng), còn muốn mua đúng giá công ty thì phải đặt cọc và chờ tới 16 tháng sau mới có xe”.

Theo các cửa hàng bán xe máy, tình trạng khan xe là do cầu lớn trong khi công suất của nhà máy không đáp ứng được nên khách hàng muốn mua phải đặt tiền trước và thời hạn giao xe cũng không được đảm bảo.

Anh Vân tại cửa hàng xe máy trên đường An Dương Vương quả quyết: “Đây là chiến lược cắt giảm sản lượng của các hãng sản xuất nhằm tạo cơn sốt khan hàng, khiến giá xe bị đẩy lên cao, đồng nghĩa với giá trị của các nhãn xe cũng được nâng lên”.

Như vậy, đa số các hãng sản xuất xe gắn máy chỉ đưa ra giá bán cho đại lý cấp 1, nhưng không khống chế giá bán ra trên thị trường. Chính điều này đã tạo điều kiện cho các đại lý kinh doanh xe gắn máy tung hoành, đặc biệt đối với các dòng xe người tiêu dùng đang “chuộng” như PCX, Air Blade...

Về phía các nhà sản xuất, đa số đều khẳng định không hề cắt giảm sản lượng, ngược lại còn gia tăng. Như hãng Honda, lượng xe sản xuất ra (cả xe số và xe tay ga) trong 6 tháng đầu năm 2009 tăng so với kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, cũng có thời điểm sản xuất khó khăn do không có đủ linh kiện để lắp ráp, nên lượng xe đưa ra thị trường của một số hãng đôi lúc bị hạn chế, nhưng các hãng xe đều không tăng giá, mà còn đề nghị các đại lý không được nâng giá.

Song, theo các đại lý, sở dĩ xe máy thường không bán theo giá quy định, nhất là các dòng xe đang bán chạy thường bị “đẩy giá”, là do chính sách bán hàng của các nhà sản xuất.

Chẳng hạn, muốn mua 5 chiếc xe đang ăn khách thì đại lý phải mua kèm một số dòng xe khác. Vì vậy, để gồng gánh cho những dòng xe bán chậm, đọng vốn, các đại lý buộc phải nâng giá xe bán chạy. hoặc muốn thu hồi vốn nhanh hơn, nhiều đại lý đã bán lại cho các cửa hàng với giá chênh lệch một chiếc vài trăm nghìn đồng.

Cách bán sang tay nhiều lần cộng với nguồn cung không đủ cầu đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền tăng giá trên thị trường. Chị Hoa, chủ cửa hàng bán xe trên đường Hoàng Văn Thụ, cho biết: “Thấy cửa hàng khác tăng giá được, cửa hàng tôi cũng tăng giá theo.

Hơn nữa, theo hợp đồng với các công ty sản xuất xe máy, các đại lý chỉ kiểm soát về chất lượng, đảm bảo xe chính hãng, không bị thay thế phụ tùng, còn giá bán là do các cửa hàng bán lẻ quyết định, đặc biệt là giá các dòng xe được ưa chuộng thay đổi từng ngày tùy theo lượng cung của hãng và nhu cầu thị trường”.

Mạnh lượng, yếu quyền?

Khi nói về hệ thống bán hàng, hầu hết các hãng sản xuất xe máy đều tỏ ra rất tự hào vì hệ thống phân phối của họ khá mạnh về số lượng. Honda có 400 cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD). SYM cũng tự hào có hệ thống phủ kín các tỉnh, thành, trung bình mỗi tỉnh có ít nhất ba đại lý.

Suzuki quảng cáo, tiếp thị

Thế nhưng, khi nói về “quyền” của nhà sản xuất đối với các đại lý trong việc bảo đảm bán đúng giá niêm yết thì cả Honda, SYM và Yamaha đều cho rằng, trong hợp đồng ký với đại lý không hề có điều khoản ràng buộc đại lý phải bán theo giá công ty đưa ra và họ cũng không có quyền quản lý giá bán vì sức ép cung - cầu.

Theo ông Koji Onishi, Tổng giám đốc Công ty HVN: “Quan hệ giữa HEAD và HVN là quan hệ giữa những đối tác kinh doanh độc lập. HVN không có quyền quyết định giá với tài sản của HEAD vì tất cả các HEAD đều là những công ty độc lập với HVN.

Nhu cầu tiêu thụ xe gắn máy tại Việt Nam là khoảng 3 triệu chiếc/năm.

Năm 2010, doanh số Honda đạt 1,7 triệu xe, trong đó các dòng xe tay ga chiếm hơn 30%. Dù các hãng cạnh tranh quyết liệt để tìm chỗ đứng, nhưng theo các chuyên gia trong ngành sản xuất xe máy, Honda vẫn đang dẫn đầu thị trường với 60% thị phần, kế đến là Yamaha, SYM, Piaggio, Suzuki...

 Mỗi tháng trung bình thị trường Việt Nam nhập khẩu khoảng 8.000 xe gắn máy, trong đó chiếm phần lớn là xe tay ga từ Thái Lan, Nhật, Ý, Trung Quốc...

HVN luôn yêu cầu HEAD bán theo giá hợp lý, nhưng HVN không có quyền hợp pháp để bắt buộc HEAD phải bán theo đúng giá đề xuất của Công ty.

Nếu làm như vậy, HVN sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh của Việt Nam cũng như tập quán chung quốc tế. Việc định giá bán của các HEAD được xác định theo quy luật cung - cầu".

Không có quyền can thiệp vào giá bán nhưng qua tìm hiểu, các hãng sản xuất lại có thể khống chế giá bán, không cho bán thấp hơn giá quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ý kiến của người tiêu dùng, các hãng sản xuất xe vẫn có thể quyết định giá bán cho sản phẩm của mình, sau đó phân phối đến các HEAD, các đại lý theo mức chiết khấu hoa hồng quy định.

Theo quy định hiện hành, các cửa hàng kinh doanh phải niêm yết công khai giá bán. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cửa hàng kinh doanh xe gắn máy hiện nay đều không niêm yết giá, hoặc niêm yết lấy lệ và ít thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Cách phân phối này cũng đang làm cho các hãng xe có thương hiệu mất dần hình ảnh đẹp trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Quan tâm đến vấn đề này, ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Công ty Piaggio, cho biết: “Chính việc quản lý hệ thống đại lý tốt đã giúp chúng tôi loại bỏ mọi hành vi nâng giá bán để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và tạo lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của mỗi đại lý ủy quyền”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hệ thống phân phối: Quyền lực không lộ diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO