Hấp lực thị trường bán lẻ dược phẩm

Hồng Nga| 09/08/2022 04:31

Với quy mô 6-7 tỷ USD, thị trường bán lẻ dược phẩm rất tiềm năng và đang thu hút các nhà bán lẻ vào cuộc đua mở chuỗi.

Hấp lực thị trường bán lẻ dược phẩm

Thị trường doanh thu lớn và tăng trưởng nhanh

Dược phẩm đang được xem là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và là một trong những thị trường tiềm năng nhất Việt Nam hiện nay. Tổ chức UQVIA Institute  mới đây đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR trong giai đoạn 2020-2025 là 8%. Còn theo dự báo của BMI Research thì thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%. 

Ông Lê Ngọc Danh - Phó phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng, thị trường dược phẩm Việt Nam được định giá khoảng 6,2 - 6,4 tỷ USD/năm. Trong đó, thị trường dược phẩm TP.HCM chiếm 30 - 40% của cả nước, với quy mô khoảng 2 tỷ USD. 

Có nhiều điều kiện thuận lợi để lĩnh vực phân phối dược phẩm tăng trưởng mạnh. Theo UQVIA Institute, tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thu nhập đầu người cải thiện rõ rệt và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng là động lực cho sự phát triển của ngành dược phẩm trong nước.

Ngoài ra, xu hướng già hóa dân số cũng thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe. Khi số lượng người già tăng thì chi tiêu cho nhu cầu sức khỏe cũng tăng theo. Tại Việt Nam, bình quân một người từ 65 tuổi trở lên mắc ít nhất 3 bệnh, những người trên 80 tuổi mắc 6,9 bệnh. Chi phí khám chữa bệnh của người cao tuổi cao gấp 7 - 10 lần người trẻ. Dự báo, chi phí cho y tế của Việt Nam sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

Về ngắn hạn, nhóm nghiên cứu của SSI Research cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 tăng trưởng 13% so với năm trước. Ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường và nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch. “Chúng tôi cho rằng nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin”, trích báo cáo SSI.

Trên thực tế, hiệu quả kinh doanh tại các chuỗi phân phối dược phẩm đã cho thấy rõ sự tăng trưởng của ngành. Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 4.008 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2021. Long Châu hiện là động lực tăng trưởng lớn nhất cho công ty mẹ FPT Retail và chiếm đến 18% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.

Tương tự, dù mới đẩy mạnh phát triển từ đầu năm nay nhưng theo vị đại diện của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (công ty mẹ của chuỗi nhà thuốc An Khang), chuỗi An Khang đang kinh doanh hiệu quả và chắc chắn sẽ có lời vào cuối năm nay.

Cuộc đua mở chuỗi cửa hàng dược phẩm 

Mảnh đất màu mỡ của thị trường dược đã tạo nên cuộc đua giữa các nhà bán lẻ ngành công nghệ. Cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã mua hệ thống nhà thuốc An Khang, thâm nhập vào thị trường phân phối dược. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động mới bắt đầu tập trung  cho lĩnh vực mới mẻ này. Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho rằng, hiện ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Đây là giai đoạn phù hợp để mô hình nhà thuốc tăng trưởng. Vì thế, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ được tập trung cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo để phát triển mạnh.

-8273-1660030275.jpg

Theo Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động - doanh nghiệp chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang, 'đây là giai đoạn phù hợp để mô hình nhà thuốc tăng trưởng

Cũng như Thế Giới Di Động, thương hiệu bán lẻ công nghệ FPT Retail nhanh chóng gia nhập thị trường phân phối dược và đã có những thành công đáng kể. Đại diện FPT Retail cho biết, ngay từ khi bắt đầu với mảng kinh doanh này, đơn vị đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản trị, bán hàng với mục tiêu đưa Long Châu thành một trong những chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu thị trường. Là một thành viên của Tập đoàn FPT, Long Châu đã được hỗ trợ nhiều trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào việc quản trị, vận hành và nhờ vậy giúp hệ thống phát triển nhanh hơn. 

Nhìn thấy tiềm năng thị trường, năm ngoái, Công ty CP Thế Giới Số cũng tham gia “sân chơi” này bằng việc mua hơn 36% cổ phần của Công ty CP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharme). Đơn vị này chuyên phân phối các sản phẩm dược chuyên trị bệnh xương khớp, tim.

Xác định kinh doanh dược là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng nên các doanh nghiệp đều đẩy mạnh đầu tư, mở rộng chuỗi. Ông Đặng Thanh Phong - Trưởng phòng truyền thông Thế Giới Di Động cho biết, từ đầu năm 2022, An Khang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc. Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2022, mỗi tháng hệ thống mở mới trên dưới 100 cửa hàng. Với tốc độ vũ bão chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, An khang đã cán mốc 500 cửa hàng trên cả nước. Dự kiến cuối 2022, An Khang sẽ đạt mốc 800 cửa hàng, với 4 phương châm “đủ thuốc bạn cần, nguồn gốc rõ ràng, tận tình tư vấn, an tâm về giá”.

Trong khi đó, FPT Retail cũng xem chuỗi Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng chính về doanh thu trong năm 2022, với lợi nhuận kỳ vọng đạt từ 50-100 tỷ đồng, tùy vào tốc độ mở cửa hàng mới. FPT Retail lên kế hoạch mở thêm ít nhất 300 cửa hàng Long Châu, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 - 800 vào cuối năm 2022. Song song đó, Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic.

“Long Châu sẽ tiếp tục sử dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để hiểu khách hàng. Là thành viên của FPT, FPT Retail sẽ tận dụng thế mạnh không chỉ về công nghệ mà còn về khách hàng, các dịch vụ và sản phẩm khác nhau trong toàn hệ sinh thái FPT”, đại diện FPT Retail cho biết.

Tuy nhiên, đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm đang thuộc về Công ty CP Dược phẩm Pharmacity với hơn 1.000  nhà thuốc. Chuỗi này đang chạy đua mở rộng mạng lưới, hướng đến các sản phẩm như thuốc trị Covid-19, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp… với tham vọng đạt 5.000 cửa hàng vào năm 2025 và sẽ xây dựng Pharmacity App để kết nối 7 triệu khách hàng thân thiết với các bác sĩ, phòng khám, bệnh viện và các công ty bảo hiểm.  

Theo ban tổ chức triển lãm Vietnam Medi-pharm 2022 (diễn ra từ ngày 11 - 13/8/2022 tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn), thị trường dược phẩm Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp ngoại. Nếu như 2019, số doanh nghiệp thiết bị y tế chiếm 70% thì tại triển lãm năm nay, số doanh nghiệp dược chiếm đến 55% trong số 260 doanh nghiệp tham dự.   

Vietnam Medi-pharm 2022 tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường y dược tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam là điểm đến và lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư, đáp ứng các yêu cầu hội nhập, hiện đại hóa - công nghiệp hóa, thực hiện tốt chiến lược chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hấp lực thị trường bán lẻ dược phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO