Hàng hóa nông sản dồn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được thông quan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, nhưng với các đơn hàng đã có hợp đồng mua bán ngoại thương bị dồn ứ, trong khi các xe hàng không có hợp đồng vẫn dồn ứ, chờ đợi các chợ biên giới mở cửa chính thức.
Tổng cục Thống kê ghi nhận, Trung Quốc - thị trường duy nhất tăng trưởng về xuất khẩu hàng nông sản trong tháng 1/2020, đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dịch Corona và các biện pháp quyết liệt để chống dịch của Trung Quốc như cách ly cả một thành phố, hạn chế xuất nhập cảnh, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, trong ngắn hạn và trung hạn, thời gian có thể từ 6-8 tháng, theo dự báo của Bộ Công Thương.
Thương mại biên giới chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Corona. Hiện nay, một số loại trái cây đã vào vụ, nhưng không có đơn hàng mới do khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam. Dịch Corona tác động lên thị trường Trung Quốc, tiêu thụ cà phê giảm xuống sau khi chuỗi Starbucks Trung Quốc đóng hàng nghìn cửa hàng. Tiêu thụ cá phi lê cũng suy giảm bởi chuỗi McDonald’s đóng hàng trăm cửa hàng... Trong bối cảnh này, việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản, như sầu riêng, chanh leo, nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.
Vận động các chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch, Bộ Công Thương kỳ vọng giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc. Thế nhưng, việc chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến cuối tháng 2/2020, khiến hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân bị gián đoạn. Bộ Công Thương thừa nhận giải pháp vận động các chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch hai năm qua “kết quả thu được không bao nhiêu”, trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền với Trung Quốc đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản. Tuy nhiên, ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu bằng hình thức trao đổi cư dân vào Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, chi phí là yếu tố khiến hầu hết chủ hàng quan ngại, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc...
Như vậy, Việt Nam muốn đảm bảo đầu ra cho nông sản, bắt buộc phải duy trì thị trường Trung Quốc trong bối cảnh tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách không dễ và xuất khẩu hàng nông sản đang giảm mạnh ở hầu hết thị trường chính. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2020 vừa qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 7,6%; EU giảm 30,8%; Nhật Bản giảm 15,8%; Hàn Quốc giảm 29,3% và ASEAN giảm tới 34,8%.
Rất khó dự đoán về thời điểm mà Trung Quốc có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch. Thế nhưng, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn vẫn đang “xin ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để nhận dạng đúng, chính xác tác động trực tiếp của bệnh”, còn Bộ Công Thương “tiếp tục triển khai các giải pháp đã làm”, như chỉ đạo hệ thống thương vụ vào cuộc; yêu cầu các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu; khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất...
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc 9 mặt hàng gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, công ty của ông đã tăng mua thêm sản lượng trái cây, nhưng chỉ ưu tiên cho nông dân liên kết sản xuất xoài và thanh long xuất khẩu đạt tiêu chuẩn. Trên thực tế, các doanh nghiệp dù có kho lạnh mua cũng chỉ bảo quản được thanh long trong 30 ngày, doanh nghiệp có thể sẽ phá sản nếu Trung Quốc không thu mua sớm.
Liên quan đến giải pháp tăng cường tiêu thụ nội địa, kêu gọi người dân chung tay “giải cứu” nông dân của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, doanh nghiệp dù có công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch cũng không thể “giải cứu” được hết sản lượng nông sản chờ xuất khẩu qua Trung Quốc vì số lượng quá lớn. Lấy ví dụ, Vinamit dù sản xuất sản phẩm trái cây sấy nhưng chỉ có thể tăng thu mua mít với nhất định, không thể mua hết sản lượng sản xuất trong nước. Ngoài hạn chế về công suất của nhà máy, sản phẩm trái cây sấy khô và nước ép, dù để lâu hơn trái cây tươi, nhưng cũng có hạn sử dụng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, kim ngạch xuất khẩu rau quả tươi Việt Nam vào Trung Quốc đã suy giảm, khoảng 10-15% vào năm 2019, do doanh nghiệp và nhà vườn trong nước không theo kịp những quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bất chấp những mặt hàng được xuất chính ngạch có xu hướng tăng lên so với năm 2018, như giá chuối tăng khoảng ba lần, thanh long tăng 20-30%.
Ngoài những rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, theo ông Nguyên, mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn. Thêm nữa, trái cây cũng không dễ chuyển hướng thị trường do Việt Nam có ít quốc gia nhập khẩu chính thức và sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì...
Một điều chắc chắn rằng các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua cắt giảm lãi suất cho vay, trong khi Nội các Chính phủ Thái Lan ngày 4/2/2020 dự kiến thông qua một chương trình tổng thể để hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp...
Ông Nguyên hy vọng Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp hỗ trợ tương tự các nước này, tạo đầu ra bền vững cho xuất khẩu nông sản cũng như rau quả tươi.