Giằng co giá cũ, giá mới

Hồng Nga| 17/03/2022 09:52

Xăng tăng giá, giá vận chuyển tăng, giá nguyên liệu tăng… buộc các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh giá bán. Để giữ thị phần, các nhà bán lẻ phải tìm cách đàm phán với nhà cung ứng để hỗ trợ người tiêu dùng.

Giằng co giá cũ, giá mới

Mỗi quả gia cầm, nhà sản xuất đang chịu lỗ từ 100-200 đồng

Nhà cung cấp rục rịch tăng giá

Bắt đầu từ tháng 3/2022, giá nhiều mặt hàng trên thị trường đã bắt đầu tăng. Lãnh đạo một DN ngành tiêu dùng ở TP.HCM cho biết buộc phải điều chỉnh giá bán sỉ và lẻ, vì giá nguyên liệu đầu vào quý I  tăng 20% so với hồi đầu năm và tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết: “Do giá cả nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng khiến cho nỗ lực tiết giảm trong thời gian qua của chúng tôi đã đến mức giới hạn không đủ bù đắp, chúng tôi phải buộc lòng tăng giá sản phẩm từ tháng 3/2022”.

Hiện các DN thuộc Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM chưa tăng giá bán nhưng “sẽ điều chỉnh trong thời gian tới”. Một trong những DN thành viên Hội này, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - phàn nàn sau 7 lần giá xăng dầu liên tiếp tăng đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, từ bao bì đóng gói đến thức ăn chăn nuôi đều tăng từ 10-20%, khiến công ty lỗ từ 100-200 đồng một trái trứng gia cầm khi bán ra, vì vẫn phải giữ giá bình ổn như trước. Dự định đến đầu tháng 4, Vĩnh Thành Đạt sẽ xin điều chỉnh giá bán.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả đang có xu hướng tăng cao, vì chi phí vận chuyển hàng hóa từ vùng nguyên liệu về TP.HCM và chi phí xăng dầu phục vụ tưới tiêu tăng cao. Tuy vậy, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM vẫn phát huy hiệu quả và các DN tham gia chương trình vẫn bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng.

san-xuat.jpg

Các DN đang chịu áp lực khi giá xăng dầu tăng khiến nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng cao

Nhà bán lẻ vừa đàm phán vừa khuyến mãi

Về đề xuất tăng giá của các nhà cung ứng, các hệ thống phân phối vẫn đang trong quá trình xem xét điều chỉnh. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào căn cứ trên những đề xuất hợp lý mới điều chỉnh giá theo đề nghị của nhà cung ứng.

Ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng Thực phẩm Aeon Việt Nam cho biết, có khoảng 5% nhà cung ứng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn…) đề nghị tăng giá từ 5-10%, tuy nhiên Aeon đang nỗ lực đàm phán để giữ mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng. Với các mặt hàng nhập khẩu hiện có giá tăng vì chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển cao, Aeon sẽ tìm cách thay thế bằng sản phẩm nội địa với mức giá hợp lý. 

Tương tự, theo đại diện Saigon Co.op (đơn vị chủ quản Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…), đã có nhiều nhà cung cấp “đánh tiếng” tăng giá sản phẩm nhưng công ty sẽ giữ nguyên giá ít nhất cho đến hết tháng 3/2022, theo thỏa thuận đã ký với các nhà cung cấp: nếu tăng giá, phải báo trước 30 ngày.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail khẳng định: “Chúng tôi rất khó đoán mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới. Tuy nhiên, là nhà bán lẻ có trách nhiệm với xã hội, chúng tôi thương lượng giá hàng ngày với các đối tác để có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Tiêu chí kinh doanh của Central Retail là “giá luôn luôn thấp”".

gia-tang-2-5319-1647413739.jpg

Các nhà phân phối đang đàm phán với nhà sản xuất về mức giá mới và bù lại bằng chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người tiêu dùng

Bên cạnh việc đàm phán giá hàng hóa, các DN phân phối còn làm việc với nhà cung cấp nhằm mang đến nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng. Tại hệ thống siêu thị Aeon, ngoài các chương trình ưu đãi hiện có còn  có “Giá thấp mỗi ngày”, “Giá sốc cuối tuần”… Trong khi các siêu thị GO!, Big C, Tops Market thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam áp dụng chương trình “Siêu tiết kiệm” - mua nhiều giảm nhiều. Cụ thể, mức giảm đến 50% áp dụng cho 390 mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, đồ gia dụng… Còn hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra giảm giá đến 50% cho 3.000 sản phẩm đến hết tháng 3/2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giằng co giá cũ, giá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO