Giảm thuế VAT phải đồng đều

Lan Ngọc| 30/03/2022 06:15

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng vượt qua khó khăn trong đại dịch, đã có hiệu lực hơn một tháng nhưng đã phát sinh vướng mắc. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, bỏ phân biệt ưu đãi giảm thuế VAT và áp dụng đồng loạt sẽ giải quyết được bất cập.

Vướng mắc phát sinh

Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022 quy định về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong năm 2022, song lại không thực hiện đại trà với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, mà vẫn có những loại hàng hóa, dịch vụ không được giảm quy định tại ba phụ lục danh mục loại trừ (chọn bỏ) kèm theo. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến việc triển khai chính sách này vào thực tiễn phát sinh những vướng mắc đối với DN, nhất là việc xác định đúng mức thuế suất và đúng loại hàng hóa, dịch vụ khi áp dụng. 

Chẳng hạn, đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều cơ sở không biết nên xuất hóa đơn VAT thế nào cho đúng, bởi kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách hàng có sử dụng cả rượu bia (theo phụ lục kèm theo Nghị định 15 thì rượu bia thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm VAT), thì có phải tách xuất hóa đơn cho đồ ăn riêng (VAT 8%) với xuất hóa đơn riêng cho rượu bia (VAT 10%) hay không. Một số chuyên gia và DN cho rằng, nếu phải tách chai bia ra khỏi bàn ăn để tính thuế VAT 10%, xuất hóa đơn đối với đồ ăn riêng để thực thi chính sách là khá rối rắm, khó cho người thực hiện, vì mục tiêu giảm thuế VAT là nhằm kích cầu, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

VAT-1-2823-1648093117.jpg

Theo phản ánh của đại diện Công ty Deloitte Việt Nam phụ trách tư vấn về dịch vụ thuế, nhiều DN vẫn không nắm rõ hàng hóa, dịchvụ có thuộc các đối tượng không được áp dụng giảm thuế VAT hay không; doanh nghiệp gặp khó khi tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ, không hiểu hàng hóa đầu vào thuộc nhóm vẫn chịu thuế VAT 10%, khi bán ra tại các DN sản xuất có được áp dụng thuế VAT ở mức 8% hay không.

Đại diện Công ty Đào tạo và Tư vấn thuế Việt Nam (VTAX) cũng cho biết, nhiều khách hàng của họ gặp khó khi áp dụng giảm VAT xuống 8%, do chính sách giảm thuế hạn chế các loại hàng hóa, dịch vụ. Có những ngành nghề trên giấy phép kinh doanh phù hợp với nhóm sản phẩm, dịch vụ phải chịu thuế VAT 10%, nhưng lại không có tên trong mã ngành ghi trong các phụ lục của Nghị định 15, khiến DN khá bối rối, vẫn chưa áp dụng mức thuế VAT mới vì lo ngại bị hiểu lầm, sợ rủi ro pháp lý không được chấp nhận khi quyết toán thuế và không thể lấy lại từ khách hàng, bởi sự chênh lệch VAT giữa đầu vào và đầu ra đối với một số hàng hóa, dịch vụ chưa biết thực hiện thế nào.

DN xuất nhập khẩu, DN cung cấp dịch vụ logistics cũng băn khoăn về nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT hay không. Đại diện Công ty ONEX logistics phản ánh, tại ghi chú Phụ lục I kèm theo Nghị định 15 về  các mặt hàng không được giảm thuế VAT, DN không biết hiểu theo cách nào cho đúng, những mặt hàng không nêu cụ thể trong danh mục thì có được áp dụng mức thuế VAT 8% hay không.

Kiến nghị

Nhìn nhận về vướng mắc phát sinh khi thực hiện Nghị định 15, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, nếu giảm VAT đồng loạt với tất cả mặt hàng về 8%, ngân sách nhà nước hụt thu ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trở lại. Theo ông Hòe, cần lượng hóa lại có bao nhiêu hóa đơn ở khu vực chính thức có thể xuất, còn lại ở các khu vực chợ tự do, buôn bán vỉa hè thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách do giảm thuế VAT, nên áp dụng giảm đồng loạt VAT sẽ khắc phục được những bất cập.

Theo ông Nguyễn Trung Hưng - Giám đốc Marketing Công ty Đại Việt Hương, với thuế lũy thoái (VAT) giảm, nguyên tắc là phải đồng đều, giảm không đồng đều dẫn đến bất cập trong thực thi. TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế tài chính cũng cho rằng, đối với thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp), ưu đãi giảm hoàn toàn có thể phân biệt theo đối tượng nào được hưởng, đối tượng nào không được hưởng, các ưu đãi hỗ trợ này cũng ghi rõ trong mỗi một mục. Tuy nhiên, với thuế gián thu (VAT) thì không thể phân biệt các đối tượng, DN là người nộp thuế, nhưng thực tế DN chỉ nộp hộ cho người tiêu dùng, bản chất của sắc thuế VAT hay các sắc thuế gián thu khác, người nộp thuế chính là người tiêu dùng. Để phù hợp với bản chất của thuế gián thu VAT, nên và cần áp dụng ưu đãi chung cho tất cả giao dịch hàng hóa, dịch vụ thì sẽ khắc phục được các bất cập đang diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thuế VAT phải đồng đều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO