Giải pháp cho vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình

LY LAM/DNSGCT| 23/05/2017 08:34

Khi mỗi doanh nghiệp đều không làm chuyện “lợi mình hại người”, đạo đức kinh doanh tôn trọng bản quyền sẽ thành hình.

Giải pháp cho vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình

Gõ cụm từ “vi phạm bản quyền ở Việt Nam” vào ô tìm kiếm của Google, chỉ 0,39 giây đã cho ra 2.360.000 kết quả, phần nào cho thấy mức độ “phủ sóng” của câu chuyện, gần như trở thành điều bình thường mà bất cứ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào cũng phải đối mặt. Từ vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, phần mềm máy tính… cho đến bản quyền truyền hình.

Đọc E-paper

Trong môi trường “độc hại” như vậy, các doanh nghiệp nên ứng phó thế nào?

Từ chuyện của VTVcab đến thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình ở nước ta

Câu chuyện vi phạm bản quyền đang nổi cộm hiện nay là ngày 9/5 vừa qua, Tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) ra thông báo ngừng phát sóng UEFA Champions League (UCL), UEFA Europa League (UEL) trên dịch vụ truyền hình của VTVcab và VTV tại nước ta, đúng vào thời điểm gay cấn nhất (ngay trước các trận bán kết lượt về).

Nguyên nhân, đơn vị này bất lực trong việc bảo vệ bản quyền khi “nhiều đơn vị sở hữu các trang tin điện tử đã có những hành vi vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc 2 giải bóng đá trên; các đơn vị truyền hình truyền dẫn trái phép chương trình UCL và UEL”.

Thông báo có đoạn: “VTVcab đã rất nỗ lực, bằng mọi biện pháp, mọi cách thức nhằm bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình để tiếp tục phát sóng các giải này phục vụ khán giả, người hâm mộ. Thế nhưng, tình trạng xâm phạm bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức, bất chấp cảnh báo từ VTVcab, đơn vị cung cấp bản quyền và các cơ quan chức năng. Thậm chí, các đơn vị này còn sử dụng nhiều cách thức tinh vi nhằm chống đối lại các biện pháp bảo vệ của VTVcab. Chính vì vậy, đơn vị cung cấp bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các chương trình UCL và UEL”.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được rằng với tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta thì những động thái tự bảo vệ mình từ phía doanh nghiệp mua bản quyền (ở đây là VTVcab) như kêu gọi sự hợp tác từ phía người vi phạm cũng như đề nghị cơ quan chức năng xử lý là không hiệu quả.

Nhiều người kết luận một cách quy chụp rằng việc vi phạm bản quyền xuất phát từ thói quen “xem chùa” của khán giả Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ người Việt, người tiêu dùng nước nào cũng thích hàng miễn phí. Nếu phải lựa chọn giữa việc xem một chương trình miễn phí qua mạng internet với xem trên truyền hình phải trả phí thuê bao có chất lượng tương đương, có lẽ chẳng ai chọn bỏ tiền cả. Hầu như trận đấu nào cũng có link xem trực tiếp trên internet, tín đồ bóng đá nào cũng rành.

Rồi các mạng xã hội như Facebook, Twitter có tính năng phát sóng trực tiếp, ai cũng có thể xem được trận đấu qua thiết bị cá nhân (laptop, smartphone…) nếu có nối mạng internet và có người phát nó trên mạng.

>>Bản quyền nhạc số: Kẻ né, người đòi

Chưa có quy định hay văn bản nào cấm thực hiện điều này. Vấn đề ở đây là có sự khác biệt không nhỏ về chất lượng của việc xem trên truyền hình (phải trả tiền) và xem miễn phí trên mạng. Một bên có chất lượng âm thanh, hình ảnh tuyệt vời, có bình luận và các chương trình bên lề. Một bên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phát (có thể ngưng bất cứ lúc nào), hình ảnh không sắc nét, không có bình luận tiếng Việt, thời gian có thể chênh lệch (không còn trực tiếp) và “giật cục” nếu đường truyền tín hiệu kém.

Vậy nên, luôn có những người lựa chọn trả tiền thuê bao hằng tháng chỉ để xem câu lạc bộ yêu thích của mình thi đấu mỗi tuần. Và các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn “sống tốt” nếu có cách giảm được rủi ro bản quyền xuống mức thấp nhất.

Nếu không đổ lỗi cho người dùng thì câu chuyện bản quyền liên quan đến 3 yếu tố:

Thứ nhất là ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Điều này cần có thời gian để thay đổi và cần sự nỗ lực của giới truyền thông và sự hưởng ứng của xã hội. Khi mỗi doanh nghiệp đều không làm chuyện “lợi mình hại người”, đạo đức kinh doanh tôn trọng bản quyền sẽ thành hình.

Thứ hai, luật pháp phải nghiêm minh, có tính răn đe cao đối với người vi phạm.

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp mua bản quyền phải biết tự bảo vệ mình, từ khâu đàm phán với đối tác bán bản quyền cho đến việc chống vi phạm bản quyền sau đó. Nhà kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền không chỉ rà soát, xử lý vi phạm mà còn phải lường trước các dạng thức xâm phạm bản quyền để có bước đi phù hợp.

Bên cạnh đó, “nhà đài” cần tạo cơ chế hợp tác với nhiều bên để cùng khai thác kinh doanh theo đúng pháp luật, sao cho tất cả cùng hài lòng (win-win).

“Nhân vật chính” – doanh nghiệp mua bản quyền

Trong câu chuyện bị cắt sóng của VTVcab, theo đơn vị này, họ đã đầu tư hệ thống thiết bị để kiểm soát, chặn sóng vi phạm bản quyền, cắt sóng các đơn vị vi phạm. VTVcab cũng đã tính đến những vấn đề phức tạp trong môi trường vi phạm bản quyền tại Việt Nam, đặc biệt là truyền hình trên internet nên đã trả thêm tiền mua bổ sung quyền truyền dẫn trên các nền tảng internet và một số quyền truyền dẫn bổ sung khác như truyền hình quảng bá và khai thác các nội dung video clip. Tuy nhiên, theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu, các quyền đó chỉ được phát trên các hệ thống của VTVcab và các đơn vị thuộc hệ thống của VTVcab.

Đến đây, có lẽ phải đặt ra câu hỏi, rằng nếu biết mình sẽ không thể kiểm soát được mọi tình huống dẫn đến vi phạm hợp đồng với đối tác bán bản quyền (các clip, hình ảnh đưa lại trên các trang thông tin điện tử đa phần lấy từ nguồn khác chứ không từ kênh của VTVcab), thì đơn vị này có nên mua bản quyền để rồi vừa mất tiền vừa mất uy tín với cả bên mua lẫn với khách hàng thuê bao của mình? Câu trả lời là “không nên”, bởi ít ai có can đảm “chịu trách nhiệm” cho cả những điều mình không thể kiểm soát như vậy.

Với sự quản lý lơi lỏng của cơ quan chức năng hiện nay và việc xử phạt không có tính răn đe, thì chuyện các trang mạng vi phạm bản quyền lúc nào cũng có thể xảy ra. Ngoài thiệt hại về kinh tế của VTVcab, của những người đã trả tiền thuê bao cả năm của VTVcab chỉ để xem những trận đấu này, thì thiệt hại lớn là VTVcab (đại diện cho VTV) sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận và đưa các chương trình thể thao lớn như World Cup, Euro… đến với khán giả đại chúng trong thời gian tới.

>>Bài học bản quyền từ Startup Grooveshark

Có thể nói, làm thế nào để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền truyền hình là phần việc bắt buộc của các nhà đài trong thời đại công nghệ số. Không nên bi quan rằng ở nước ta, hễ ai (đơn vị) mua bản quyền thì người đó chịu thiệt. Vẫn có nhiều đơn vị có cách làm hiệu quả để “sống chung với lũ”. Họ không bị động chờ các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu bảo vệ họ, cũng không đợi đến khi cả xã hội thượng tôn luật pháp, tẩy chay các sản phẩm cũng như đơn vị vi phạm bản quyền rồi mới tiến hành kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có bản quyền. Họ chủ động góp phần vào dòng chảy ấy.

Một trường hợp tiêu biểu là cách làm của K+. Đơn vị này đã đầu tư vào hệ thống bảo mật hiện đại trên thiết bị đầu thu khi phát sóng, thành lập một phòng theo dõi về bản quyền, đồng thời thuê một công ty ngoài theo dõi và xử lý để cắt tín hiệu của các đơn vị vi phạm bản quyền.

Bên cạnh việc “chống”, họ còn để ý đến việc “xây”, đó là tăng tiện ích cho khách hàng, cho phép người dùng được xem miễn phí dịch vụ myK+ trên các thiết bị máy tính để bàn và thiết bị di động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp cho vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO