Giải cứu các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may - da giày

CÁC NGỌC| 23/07/2009 08:02

Thật chua xót khi Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may - da giày Liên Anh do Công ty TNHH Liên Anh đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng, hoạt động một tuần đã phải đóng cửa

Giải cứu các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may - da giày

Thật chua xót khi Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may - da giày (TT NPL DM-DG) Liên Anh do Công ty TNHH Liên Anh đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng, hoạt động một tuần đã phải đóng cửa. Bộ Công Thương vẫn khẳng định cần phải có các trung tâm (TT) nguyên phụ liệu (NPL), nhưng bản thân các DN bỏ tiền đầu tư thì đang trầy trật để tồn tại.

Lớn nhỏ đều thua

Cho đến nay, cả hai đơn vị đi đầu trong xây dựng TT NPL DM - DG là Công ty May Sài Gòn 2 và Công ty TNHH Liên Anh đều không thành công. TT Sanding Tam (Tân Bình, TP.HCM) của May Sài Gòn 2 không thu hút được người vào mua bán vì bị cho là diện tích nhỏ. Còn TT Liên Anh (Dĩ An, Bình Dương) đã xây dựng xong trên diện tích 8,5ha, có đầy đủ các hạng mục như khu chợ NPL, kho ngoại quan, kho nội địa, nhà xưởng, ký túc xá, phòng hội nghị, nhưng cũng không kéo được thương nhân đến kinh doanh. Nguyên nhân của tình trạng “mở chợ bỏ không” được cho là do chọn không đúng thời điểm ra đời.

l Phải hợp sức cho TT NPL DM - DG Liên Anh hoạt động để không lãng phí đầu tư

Vậy cần điều kiện gì để một TT NPL DM - DG có thể hoạt động được? Câu hỏi này đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Phải thấy rằng May Sài Gòn 2 và Liên Anh đều đã tích cực mời chào, đưa ra những điều kiện rất thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp vào kinh doanh NPL. Nói đến vị trí, TT Sanding Tam ở Tân Bình, ngay khu kinh doanh hàng may mặc, NPL lớn nhất TP.HCM.

Còn TT Liên Anh ở huyện Dĩ An, Bình Dương, nằm ở giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều DN sản xuất hàng DM - DG. Dường như điểm yếu nhất lại chính là hai DN đều không có tầm đủ lớn để tạo sự chú ý nơi các công ty cung cấp NPL lớn ở nước ngoài và trong nước.

Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May VN, Hiệp hội Da giày VN thường lên tiếng rằng ngành DM và DG VN kém cạnh tranh vì làm hàng gia công xuất khẩu nhiều và thiếu nguồn cung cấp NPL tại chỗ. Chính từ thông tin này nên May Sài Gòn 2 và Liên Anh đã nhiệt tình vào cuộc. Khi hai DN này lên phương án đầu tư xây dựng cũng có tham khảo ý kiến “bên trên” và đều được khuyến khích, mà thiếu sự tư vấn hay khuyến cáo về cách thức tổ chức chợ NPL, cũng như thời điểm ra đời để thành công.

Thậm chí, khi DN thất bại, dù “kêu cứu” đã lâu nhưng rất chậm được hỗ trợ. Đợi đến lúc báo giới làm rõ thực trạng và cách giải quyết số phận các TT NPL, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu mới triệu tập một cuộc họp tại TT Liên Anh vào ngày 16/7.

Nhỏ đã nhún nhưng có được nhường?

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp do Thứ trưởng Bùi Xuân Khu chủ trì, Vinatex vẫn khẳng định xúc tiến dự án TT NPL DM tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Vinatex nhìn nhận dự án TT Liên Anh rất tốt, còn chuyện có hợp tác với Liên Anh hay xây dựng TT NPL mới thì phải cân nhắc, đúng lúc mới bàn được.

Biết khả năng của mình nên Công ty Liên Anh đã “cầu cứu” Bộ Công Thương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu đã đề nghị Hiệp hội Dệt May VN và Vinatex tham gia hỗ trợ, riêng Vinatex có thể phối hợp cùng Liên Anh thành lập công ty cổ phần điều hành hoạt động của TT Liên Anh. Theo ông Khu, từ năm 2010, những hoạt động xúc tiến thương mại của ngành DM - DG nên đưa về TT Liên Anh, và những DN tham gia hội chợ tại TT này sẽ được Bộ tài trợ toàn bộ kinh phí gian hàng. Mặt khác, Vinatex sẽ phối hợp với Liên Anh chào mời thương nhân nước ngoài vào TT NPL này.

Ban giám đốc Công ty Liên Anh hy vọng với uy tín và lực lượng của Vinatex, dự án sẽ đạt hiệu quả hơn. Mặc dù đã đầu tư cả 100 tỷ đồng mua đất, xây dựng, chưa kể trượt giá, chỉ tính vốn vay ngân hàng, Công ty đã chịu lỗ nhiều. Tuy nhiên, Liên Anh vẫn đồng ý cho Vinatex thẩm định theo giá thị trường và chấp nhận giảm trị giá cổ phần trên giá thẩm định đó.

Thậm chí, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Liên Anh nhấn mạnh: “Không cần phải để bảng TT NPL DM - DG Liên Anh, cứ đưa ra một tên mới sao cho thuận lợi quảng bá, giao dịch nhất”. Bà Thúy Liên cho biết đang nóng lòng vì dự án trì trệ nên Công ty tranh thủ mọi cơ hội tìm đối tác. Phần đất còn lại hơn 6ha trong khuôn viên dự án TT NPL DM - DG Liên Anh vừa được Công ty bàn bạc thành công với Công ty Tiếp Vận Xanh để xây dựng cảng IDC.

Theo thỏa thuận, Liên Anh cho Công ty Tiếp Vận Xanh sử dụng cả kho hiện có. Sự việc này xảy ra trước khi có cuộc họp của Bộ Công Thương. Bây giờ, Liên Anh lại lấn cấn vì một khi Vinatex nhập cuộc thì phải chờ thêm ý kiến của đơn vị này.

Dự án TT NPL mà Vinatex dự kiến xây dựng ở quận Thủ Đức (TP.HCM) cách TT Liên Anh chỉ hơn 10km. Nhiều người cho rằng, thay vì tiếp tục xúc tiến dự án riêng mà chưa biết có mang đến kết quả như ý hay không, Vinatex nên góp sức “cứu nguy” cho TT Liên Anh trên tinh thần hợp tác, tránh lãng phí trong đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải cứu các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may - da giày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO