Giải bài toán bán công ty

LỮ Ý NHI| 06/10/2016 08:29

Do năng lực cạnh tranh kém, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh... khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản. Bán công ty là một lựa chọn, nhưng khi làm việc này họ cũng gặp không ít khó khăn.

Giải bài toán bán công ty

Do năng lực cạnh tranh kém, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường, khả năng mở rộng đầu tư và tiếp cận vốn còn hạn chế... khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản. Bán công ty là một lựa chọn, nhưng khi làm việc này họ cũng gặp không ít khó khăn. 

Đọc E-paper

Tìm gặp lãnh đạo Việt Hương sau mẩu tin Công ty bị rao bán, ông Nguyễn Kim Ngân - TGĐ Công ty Việt Hương cho biết, Công ty được thành lập năm 2002. Năm 2012, sau khi đầu tư công nghệ sản xuất xúc xích tiệt trùng, chi phí đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị ngốn mất vài chục tỷ đồng, trong khi lãi suất thời điểm vay lại khá cao, cộng với công nghệ sản xuất hiện đại, đòi hỏi phải "nuôi" đội ngũ kỹ sư với mức lương cao gấp ba, bốn lần công nhân bình thường.

Trong khi đó, đầu ra chưa ổn định, không cân bằng được doanh thu với chi phí đầu tư, vận hành nên nguồn vốn Công ty ngày càng cạn và lâm vào khó khăn. "Nếu không bán Công ty thì nguy cơ thiếu vốn sản xuất và phá sản là khó tránh. Vì vậy, chúng tôi phải đi đến quyết định này", ông Ngân nói.

Thực tế những năm qua, không ít doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa phải rao bán công ty trước khi chính thức công bố phá sản. Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đăng tải trên Dân Trí, 6 tháng đầu năm 2016, có hơn 36.600 DN phá sản và chờ phá sản.

Về cơ cấu vốn, trong số hơn 7.480 DN giải thể, 93,2% là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, hơn 200 DN có quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng, 57 DN có vốn từ 20 - 50 tỷ đồng, 75 DN có quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng và 69 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các DN nhỏ và vừa bị phá sản là do năng lực cạnh tranh kém, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường, khả năng mở rộng đầu tư và tiếp cận vốn còn hạn chế. Song, điều đáng ghi nhận là trước khi phá sản, nhiều DN nhỏ và vừa đã cố gắng đầu tư đổi mới công nghệ, nhà xưởng để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, do yếu về tài chính nên không ít DN sau khi mạnh dạn đầu tư lại khó khăn hơn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Thanh Năm - Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win cho rằng, rất nhiều DN trước khi công bố phá sản đều có chính sách đầu tư, cải tổ bộ máy. Tuy nhiên, vốn vẫn là rào cản lớn. "Nhiều DN đã cố gắng chạy tìm đối tác góp vốn nhưng tỷ lệ thành công dường như rất ít. Có công ty được mua lại nhưng giá mua được trả rất... rẻ”, ông Năm cho biết.

>>Bán công ty: 3 bài học từ nhà sáng lập startup HeyKuya

Cũng là một DN đang tìm đối tác sang nhượng, bà Nguyễn Lâm Hương - đại diện Công ty Thực phẩm Hoàng Thiên Hương cho biết, do sức ép cạnh tranh của thị trường, DN đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, đổi mới thiết bị nhưng càng làm càng khó nên đã tìm đối tác góp vốn hoặc bán đứt Công ty. Tuy nhiên, gần 2 năm qua vẫn chưa tìm được đối tác mua với giá hợp lý.

Theo bà Hương, "cái khó của DN là quy mô nhà xưởng không lớn, nhất là các sản phẩm không quá khó sản xuất và cũng không có "bí mật" công nghệ nên các nhà đầu tư không mặn mà. Thậm chí, có công ty đến tìm hiểu doanh thu, thị trường nhưng sau đó thì... chính các DN này lại ra sản phẩm giống như sản phẩm của Hoàng Thiên Hương", bà Hương phản ánh.

Ông Đỗ Thanh Năm cho rằng, bất lợi lớn nhất của các DN nhỏ và vừa là nội lực yếu, đội ngũ nhân sự ít, không chuyên nghiệp, quy mô nhà xưởng, công nghệ không quá hiện đại nên tài sản của họ rất khó định giá. Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu cũng không lớn nên việc rao bán công ty rất khó. Có chăng lợi thế của các DN này chỉ nằm ở kênh phân phối. Vì vậy, muốn bán công ty hoặc kêu gọi hợp tác, các DN này phải kết hợp với những công ty nằm trong chuỗi giá trị của họ.

Ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch Left Brain Connectors cũng cho rằng: "Các DN nhỏ và vừa có mô hình kinh doanh không nổi trội, sản phẩm giản đơn rất khó kêu gọi nhà đầu tư góp vốn hay mua lại DN. Hiện nay, hơn 80% DN nhỏ và vừa kinh doanh sản phẩm giản đơn. Tuy nhiên, nếu các DN này có nguồn vốn trí tuệ, ý tưởng kinh doanh hấp dẫn và có giải pháp, chiến lược để phát triển sản phẩm mang lại giá trị hữu ích cho xã hội và người tiêu dùng nhưng đang thiếu vốn, chưa có cơ hội đầu tư thì vẫn có thể thuyết phục các nhà đầu tư góp vốn hoặc mua lại công ty theo thỏa thuận. Thực tế câu chuyện của Phở 24 là một minh chứng. Chỉ cần có ý tưởng mới mẻ, thương hiệu này đã tạo ra động lực tăng trưởng tốt và ngay sau đó đã thu hút nguồn vốn đầu tư và đã thành công trong các thương vụ M&A".

>>15 điều cần biết trước khi bán công ty

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải bài toán bán công ty
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO