Dược phẩm VN: Có bệnh phải vái tứ phương

HỒNG NGA - VŨ HOÀNG| 17/10/2012 08:13

Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam vừa đối đầu với sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài, vừa không nhận được sự hậu thuẫn trong nước nên gần như dậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua.

Dược phẩm VN: Có bệnh phải vái tứ phương

Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam vừa đối đầu với sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài, vừa không nhận được sự hậu thuẫn trong nước nên gần như dậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua. Sự yếu kém về nghiên cứu và ứng dụng không chỉ làm mất đi lợi thế nguồn dược liệu trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh, mà còn làm cho ngành dược Việt Nam mất dần khả năng phát triển bền vững.

Đọc E-paper

1 nội, 2 ngoại

Nếu xuất khẩu được 1 viên thuốc thì Việt Nam phải nhập khẩu tới 2 viên, chưa kể nguyên liệu sản xuất cũng phải nhập khẩu. Thị trường dược phẩm non yếu của Việt Nam tạo nên chất xúc tác cho các hoạt động mua bán, sáp nhập nở rộ.

Dự báo năm 2014, tiền thuốc bình quân đầu người sẽ tăng lên 33,8 USD/người. Kim ngạch nhập khẩu thuốc của Việt Nam theo một nghiên cứu của BMI sẽ vượt 1,37 tỷ USD vào năm 2013.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, 5 tháng năm 2012, trị giá thuốc sản xuất trong nước khoảng 282 triệu USD, trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu khoảng 439 triệu USD và trị giá nhập khẩu nguyên liệu khoảng 50 triệu USD.

Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu dược phẩm nhiều nhất thế giới và có thị trường dược phẩm tăng trưởng nhanh, bình quân 25%/năm.

Dù mức tăng trưởng này vẫn chậm hơn so với các ngành sản xuất, dịch vụ khác, nhưng dược phẩm là ngành ít bị rủi ro và ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế.

Hiện nay, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng. Đó cũng là nhân tố để giải thích cho việc không được phép phân phối trực tiếp sản phẩm, nhưng các công ty dược phẩm nước ngoài đang xem thị trường Việt Nam là cơ hội đầu tư đặc biệt.

Từ đó, các công ty dược phẩm nước ngoài một mặt liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại các công ty dược nội địa, mặt khác tìm cách mở rộng đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau.

Với tư cách là một công ty 100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Hoffmann La Roche, ông Rod Ward, Tổng giám đốc Roche Việt Nam, khẳng định, sau khi chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài, với nguồn lực mới, Roche Diagnostics sẽ tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá, ngành dược của Việt Nam phát triển rất nhanh, hơn cả các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil. Dựa trên tiềm năng này, ông Đỗ Việt Cường, Phó chủ tịch Tập đoàn MSD toàn cầu, cho biết MSD đang có rất nhiều kế hoạch phát triển tại Việt Nam.

Năm 2011, MSD đã chi 8 tỷ USD cho việc nghiên cứu, MSD luôn đặt việc nghiên cứu và phát triển lên hàng đầu và nhờ vậy có thể đáp ứng được rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng về chữa bệnh. Dự kiến năm 2013, MSD sẽ đưa ra khoảng 5 sản phẩm mới và 4 năm tới, cho ra mắt thêm 18 sản phẩm.

“Đối với dược phẩm thì chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế, chưa có nhà máy sản xuất dược nào ở Việt Nam đạt được tiêu chuẩn FDA của Mỹ và cũng rất hiếm công ty đạt được tiêu chuẩn GMP như vậy ở châu Âu. Để đạt được chất lượng này, MSD sẵn sàng hợp tác với các DN Việt Nam để đưa ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất”, ông Cường chia sẻ về nền móng mà MSD muốn đặt tại Việt Nam.

Giống như Roche và MSD, rất nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới không muốn bỏ qua cơ hội tại Việt Nam nên rất nhanh có mặt thông qua hình thức M&A. Cụ thể, Tập đoàn CFR Internaltional SPA (Chile) đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) và trở thành cổ đông lớn nhất của DMC khi sở hữu hơn 44% cổ phần, với ba thành viên trong HĐQT của DMC.

Ông Alejandro Weinstein, Tổng giám đốc CFR, khẳng định thương vụ DMC sẽ mở rộng sự hiện diện của CFR tại các thị trường có sức tăng trưởng nhanh, tận dụng được mạng lưới cung ứng và phân phối của DMC. Tháng 2/2012, Vietnam Azalea Fund Limited chào mua công khai 1,24 triệu cổ phiếu của Công ty CP Traphaco, nâng tỷ lệ sở hữu lên 35%.

Năm 2011 cũng diễn ra rất nhiều thương vụ M&A trong ngành dược phẩm, y tế. Ví dụ, Stada Service Holding B.V (Hà Lan), công ty con của Hãng dược phẩm Stada (Đức), đã nhận chuyển nhượng 25,29% cổ phần của Công ty CP Pymepharco (chuyên sản xuất và kinh doanh dược phẩm) từ Wellite International,. Ltd (có trụ sở chính tại Thái Lan). Sau giao dịch, Stada Service Holding chiếm 49% vốn điều lệ của Pymepharco...

Chân ngoài dài hơn chân trong

Không đủ sức chạy đường dài trong cuộc đua sản xuất và nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện trở thành chân rết trong hệ thống phân phối cho các doanh nghiệp dược nước ngoài.

Khi nghiên cứu, sản xuất trở nên khó khăn thì mảng phân phối đã được các doanh nghiệp dược trong nước tận dụng khai thác. Nhiều công ty còn thực hiện chiến lược mua lại hoặc liên kết với các công ty nhỏ của địa phương để mở rộng hệ thống bán các loại thuốc của nước ngoài. Đây là mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận cho các DN dược phẩm trong nước.

Thông thường, đối với các công ty trong nước, mức chiết khấu dành cho phân phối không vượt quá 20%, nhưng đối với các công ty nước ngoài, mức chiết khấu có thời điểm lên đến 40 - 50%.

2,4 tỷ USD

Giá trị thị trường thuốc Việt Nam hiện nay đạt khoảng 2,4 tỷ USD, trong đó các công ty dược trong nước chiếm chưa tới 1/2 dù quy hoạch ngành đặt mục tiêu tới năm 2015 chiếm 60% thị phần.

Theo IMS, công ty chuyên thống kê và theo dõi các thông tin chiến lược cho ngành dược, ba công ty phân phối sỉ nước ngoài tại Việt Nam là Zuellig Pharma, Mega Products, Diethelm Vietnam đã chiếm đến hơn 50% thị trường và phần còn lại được chia cho khoảng 1.200 công ty phân phối nước ngoài và trong nước khác.

Trước khoản lợi nhuận lớn từ phân phối đem lại mà Công ty CP Mekophar đã xin hủy niêm yết tự nguyện để được phân phối thuốc. Hiện nay, Mekophar là DN có khả năng sản xuất kháng sinh với quy mô đáng kể có vị thế nhất định trong ngành dược nếu tiếp tục niêm yết trên sàn.

Trong khi đó, Traphaco - thương hiệu nổi tiếng nhất của ngành đông dược Việt Nam, thị phần tập trung ở phía Bắc, đang có kế hoạch “Nam tiến” bằng cách chào mua công khai nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% để thâu tóm Công ty CP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk...

Ngành dược được xem là ngành hoạt động ổn định và kinh doanh hiệu quả ngay trong khủng hoảng kinh tế, nhất là những công ty có niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, ngoại trừ một số công ty đi “chệch hướng” mới phải thoái lui.

Trường hợp tai tiếng nhất thuộc về Dược Viễn Đông làm thủ tục phá sản sau tham vọng thâu tóm Dược Hà Tây bất thành, một loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý.

Một trường hợp khác sa sút là trường hợp của Dược Cửu Long khi kết quả kinh doanh năm 2011 thay đổi từ lãi sang lỗ 30 tỷ đồng. Lý do sâu xa từ một số bất ổn nội bộ và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong đầu tư.

Một trong những hạn chế, bất cập lớn mà khối dược nội đưa ra để giải thích cho sự chậm chạp trong việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất là do tâm lý “sính ngoại” của người dân. Các loại thuốc nội dù chất lượng tương đương, giá rẻ hơn thuốc ngoại nhưng vẫn không nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Hậu Giang, dù các công ty trong nước đã có sự liên kết với các tập đoàn, công ty dược trên thế giới nhằm tăng sự giao thoa về khoa học kỹ thuật, uy tín thương hiệu, thậm chí giá cả (với các DN từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...) nhưng người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn có thói quen ưa chuộng thuốc ngoại khiến các DN trong nước gặp rất nhiều khó khăn”.

Cụ thể, Dược Hậu Giang cũng đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển nhiều dòng thuốc có chất lượng không thua kém thuốc nhập ngoại, giá cả cạnh tranh hơn, nhưng người tiêu dùng trong nước không tin tưởng.

Thậm chí, một thực tế đau lòng hơn là trong các đơn thuốc của bác sĩ, những nhãn hiệu thuốc cho bệnh nhân cũng toàn thuốc ngoại, hiếm khi có tên thuốc của các công ty trong nước.

“Trên thị trường có đến 50% thuốc lưu hành thuộc về nước ngoài. Trong khi đó, 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập từ nước ngoài và chỉ có chưa tới 5% dược phẩm được bảo hộ độc quyền. Vì thế, ngành dược Việt Nam luôn bị động”, bà Nga phân tích.

Để lách tâm lý “sính ngoại”, thậm chí nhiều công ty dược đã phải chuyển ra nước ngoài sản xuất sau đó lại nhập thành phẩm về - coi như đó là thuốc nhập ngoại, dù bản chất là thuốc Việt Nam!

Ông Lê Quốc Định, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dược Imexpharm, còn đề cập thêm nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý chuộng thuốc ngoại. Công nghiệp dược trong nước là ngành non trẻ nên các công ty trong nước cần có thời gian để gây dựng thương hiệu.

Một yếu tố bất cập khác là các công ty dược trong nước bị hạn chế về ngân sách quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, trong khi các công ty dược nước ngoài không bị ràng buộc này...

Lợi nhuận của các DN kinh doanh dược phẩm trong nước tăng khá nhanh và tăng đều từng năm. Nhưng trong tổng giá trị của các khoản thu về thì thực thu lợi nhuận chỉ khoảng 20 - 30%, còn 70 - 80% là phải trừ chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, kể cả nguyên phụ liệu sản xuất. Tuy nhiên, đây chưa phải nguyên nhân chính khiến công nghiệp dược phẩm trong nước chuyển biến còn chậm chạp.

Theo bà Vũ Thị Trà Lý, chuyên viên phân tích phụ trách nhóm ngành dược phẩm của Công ty Chứng khoán Bản Việt, giá trị thị trường thuốc Việt Nam hiện nay đạt khoảng 2,4 tỷ USD, trong đó các công ty dược trong nước chiếm chưa tới 1/2 dù quy hoạch ngành đặt mục tiêu tới năm 2015 chiếm 60% thị phần.

Điểm yếu cố hữu các công ty dược Việt Nam là công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) rất yếu. Cụ thể, các công ty dược trong nước phần lớn chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc thông thường. Với các loại thuộc đặc trị, ngành dược trong nước chưa đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất. Phần lớn thuốc đặc trị vẫn phải nhập khẩu của các công ty dược nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành dược Việt Nam còn có điểm yếu cố hữu là 90% nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, sản phẩm thuốc đầu ra nằm trong danh mục phải kiểm soát giá. Theo số liệu không chính thức, các loại thuốc đặc trị của Việt Nam đang có ở các bệnh viện như Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Ung Bướu, Viện Tim... chỉ chiếm khoảng 5%.

Uống liều thuốc đắng

Nếu chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn là lĩnh vực phân phối thì sẽ không bền vững, nên nhiều doanh nghiệp dược phẩm nội phải xoay xở tứ bề nhằm đẩy mạnh sản xuất và nghiên cứu.

Một số công ty dược dược Việt Nam đã có quyền lực hơn khi vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà phân phối sỉ như Công ty Dược Hậu Giang. Tuy nhiên, mô hình kiểu này vẫn còn hiếm hoi trong ngành dược Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011-2012, thuế nhập khẩu dược phẩm giảm từ 5% xuống còn 2,5% sẽ làm gia tăng khoảng 10-20% đầu thuốc nước ngoài tại Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa sự cạnh tranh trên thị trường dược phẩm, đặc biệt là ở phân khúc sản xuất dược phẩm phổ thông sẽ ngày càng gay gắt.

Khi được hỏi, đa số các DN đều cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu các DN chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn là lĩnh vực phân phối thì sẽ không bền vững.

Bà Nga chia sẻ, ước tính doanh thu 9 tháng năm 2012 của Dược Hậu Giang vẫn bám sát kế hoạch 2.750 tỷ đồng đã đặt ra từ đầu năm. Chiến lược bán hàng cho năm nay của Dược Hậu Giang vẫn tập trung xây dựng thương hiệu và tối ưu năng lực sản xuất và phân phối.

Công ty sẽ tập trung hơn vào việc thúc đẩy bán các sản phẩm có tăng trưởng còn thấp trong danh mục sản phẩm, đồng thời tiếp tục phát triển các sản phẩm đã có thương hiệu mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tìm cách “lấp đầy” kênh phân phối hiện có bằng cách bán các loại thuốc như miếng dán giảm đau Salonpas do Hisamitsu sản xuất. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các DN nước ngoài, Dược Hậu Giang đã xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh tỉnh Hậu Giang.

Nhà máy đã được khởi công ngày 27/4/2012 và dự kiến sẽ hoàn thành cuối quý I/2013. Sau khi nhà máy mới hoàn thành, công suất tối đa ước tính tăng gấp đôi so với hiện tại.

Nói về định hướng, ông Lê Quốc Định cho hay, Imexpharm gần đây đã định vị lại chiến lược phát triển là hướng sản phẩm vào phân khúc riêng là các loại thuốc tiêm kháng sinh dạng nước.

Hiện tại, các loại thuốc này được sử dụng rất nhiều trong các bệnh viện, tiềm năng to lớn như vậy nhưng phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Imexpharm đã đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp VSIP II Bình Dương, theo công nghệ tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu, hoàn toàn có thể thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Để giải quyết tình trạng đầu tư trùng lặp sản phẩm, con đường hợp tác với các đối tác nước ngoài là một lựa chọn. Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Đồng Tháp (Domesco) mới đây đã có thương vụ với Công ty CFR International SPA (CFR). Đối tác Chile là công ty dược lớn ở khu vực châu Mỹ La tinh, danh mục sản phẩm có tới trên 800 nhãn hàng, hoạt động tại 15 quốc gia, đã nắm giữ tới gần 46% cổ phần của Domesco.

Sự hợp tác này mở ra cơ hội cho Domesco phân phối các sản phẩm của CFR và cũng như hợp tác sản xuất các loại thuốc nhượng quyền. Dưới sự hậu thuẫn của CFR, DMC còn có thể hưởng những quyền lợi đặc biệt về giá và phương thức thanh toán từ thu mua nguyên liệu.

Tuy nhiên, nói về sự hợp tác này, một lãnh đạo Domesco đã tỏ ra khá nóng ruột khi than thở rằng: “CFR đã nắm cổ phần gần một năm trời nhưng Domesco vẫn chưa được hỗ trợ trong công tác R&D như kỳ vọng để có thể sớm tung sản phẩm mới mang tính đột phá ra thị trường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dược phẩm VN: Có bệnh phải vái tứ phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO