Du lịch Việt Nam hậu Covid-19: Tương lai tươi sáng hay mảng màu ảm đạm?

Hoàng Nam| 22/04/2020 03:25

Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 chính thức làm tê liệt ngành du lịch thế giới nói chung, ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Gam màu nào đang chờ du lịch Việt Nam ở phía trước phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp (DN) trong ngành tạo ra và tận dụng cơ hội như thế nào.

Kịch bản nào cũng tăng trưởng âm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến nước ta đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) do dịch Covid-19. Các chuyên gia dự báo, lượng khách du lịch quốc tế sẽ xuống đáy từ tháng 4 do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên toàn thế giới. Tương tự, dịch bệnh cũng làm "đóng băng" nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ các lễ hội, hội nghị và gần đây là cách ly toàn xã hội.

Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An

Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19, riêng trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Trong đó, doanh thu của các DN du lịch lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Số DN tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý 1/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, các chuyên gia kinh tế dự tính, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 80-90% số DN lữ hành nhỏ và vừa có thể đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước tình hình thực tại, Tổng cục Du lịch đã đưa ra các kịch bản phát triển khác nhau của ngành trong năm 2020, nhưng kịch bản nào thì cũng… tăng trưởng âm. Nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt. Nếu dịch kéo dài đến cuối tháng 9, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.

Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4-12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế. Lúc đó, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.

Về phía DN, nhiều doanh nhân trước đây nghĩ du lịch có thể sớm phục hồi, tuy nhiên bây giờ họ xác định là rất khó khăn, đặc biệt là năm nay. Giám đốc điều hành Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: "Tôi xác định năm 2020 coi như không có gì, may ra 2021 du lịch mới có thể khôi phục phần nào".

Link bài viết

Một số chuyên gia thậm chí còn dè dặt hơn, cho rằng có lẽ năm 2022, du lịch mới có thể trở lại như thời điểm trước dịch bệnh.

Kích cầu nội địa, tận dụng cơ hội

Trước tình thế khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là với các DN lữ hành, cơ sở lưu trú, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ngoài các giải pháp về khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp thuế thu nhập, Bộ đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các DN du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour.

Đối với DN nhỏ và vừa, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú, Bộ mạnh dạn đề xuất đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Bộ cũng xác định, khi Việt Nam công bố hết dịch, Bộ sẽ đề xuất tập trung kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan.

Khi Việt Nam và một số nước công bố hết dịch, khả năng các nước trong khu vực châu Á hết dịch sớm hơn, Bộ sẽ tập trung các giải pháp đẩy mạnh truyền thông tập trung vào "Việt Nam an toàn và hấp dẫn" với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi.

Điều này cũng phù hợp với nhận định của các DN du lịch. Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa với khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, khách nội địa có thể là nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.

Cầu Vàng ở Đà Nẵng - một điểm du lịch hút khách.

Cầu Vàng ở Đà Nẵng - một điểm du lịch hút khách.

Hiện các DN lớn đã chuẩn bị nhiều giải pháp để sẵn sàng đưa du lịch trở lại. Saigontourist dồn lực đào tạo lại nguồn nhân lực trong thời gian dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, nhất là các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ngay khi công bố hết dịch. Nhiều DN cho rằng, kích cầu du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu đối với các ngành khi cả nước công bố hết dịch.

Mặt khác, sau đại dịch, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần cơ cấu lại, tập trung quảng bá khách đến và đi tại các thị trường hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến thị trường quốc tế…

Trao đổi với Thế giới & Việt Nam, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - người phụ trách mảng nghiên cứu về du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, việc Chính phủ xử lý đại dịch Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia khác sau đại dịch.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro. Ảnh: MN

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro. Ảnh: MN

Ông chia sẻ rằng, với một số người, dịch chuyển và du lịch là nhu cầu chứ không phải là thú vui xa xỉ.

"Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất trên thế giới, mà sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Và Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới", TS. Ribeiro nhận định.

Cho rằng đại dịch Covid-19 thực sự là việc chưa từng có tiền lệ, chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam cũng khẳng định, lịch sử ngành du lịch thế giới từ năm 1945 đến nay cho thấy dù dễ bị khủng hoảng theo chu kỳ, ngành cũng hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào khác.

Tiến sĩ Ribeiro tin tưởng rằng, một số biện pháp như đa dạng hóa thị trường du lịch chính trong nước, hạn chế phụ thuộc vào thị trường nước ngoài không bền vững; học hỏi từ những nơi khác như Bali (Indonesia) hay New Orleans (Mỹ), các nơi từng phải đối phó với những thảm họa nghiêm trọng; triển khai dần các chiến dịch marketing nhẹ nhàng sử dụng truyền thông mạng xã hội và quảng cáo nhắm đến khách du lịch tiềm năng... có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực của Covid-19 tới ngành du lịch Việt Nam.

Còn các DN thì coi đây là mùa thấp điểm sớm trong năm nay để cơ cấu lại hoạt động, sắp xếp lại lao động, cắt giảm tối đa các chi phí và chuẩn bị kịch bản sẵn sàng đón đầu khi thị trường nội địa và quốc tế khôi phục. DN nào trụ được thì sẽ phát triển rất nhanh, mạnh sau đại dịch.

(Theo Thế giới & Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Việt Nam hậu Covid-19: Tương lai tươi sáng hay mảng màu ảm đạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO