“Đổi vận” cho đặc sản miền Tây

27/10/2014 07:45

Đặc sản miền Tây như gái đẹp muộn chồng đang đợi chờ một nhịp cầu giao duyên.

“Đổi vận” cho đặc sản miền Tây

Đặc sản miền Tây như gái đẹp muộn chồng đang đợi chờ một nhịp cầu giao duyên.

Ông Mười Cương là chủ vườn ca cao nổi tiếng miền Tây với 2.000 cây. Nhiều năm trước, sản lượng thu hoạch được bán trực tiếp cho khách du lịch đến thăm vườn. Phần còn lại sấy khô, bán cho các công ty thương mại xuất thô.

Gần đây, ông Mười Cương chuyển sang chế biến thêm nhiều sản phẩm như bột ca cao, chưng cất rượu vang ca cao, chocolate và đóng gói bao bì phù hợp dưới sự tư vấn của Công ty tư vấn Việt Nam (VCG) để xuất ra nước ngoài.

Ông Đoàn Hữu Đức, Giám đốc VCG cho biết một số đoàn khách châu Âu mong muốn đặt “tour homestay” (hình thức du lịch mà du khách sẽ lưu trú tại nhà dân) ngay tại vườn của ông Mười Cương. Những tín hiệu ban đầu phần nào cho thấy sự hợp tác giữa đôi bên đang đi đúng hướng.

Câu chuyện về ông Mười Cương không hề hy hữu. Tinh chế phục vụ xuất khẩu là lối thoát cho không ít doanh nghiệp đồng bằng. Có thể kể đến thương hiệu dừa Lương Quới (Bến Tre), rau quả nhiệt đới đông lạnh và đóng hộp Antesco (An Giang), bánh phồng tôm Sa Giang (Đồng Tháp)…

Đặc sản bí đường

Đặc sản miền Tây sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sản xuất chủ yếu theo phương thức thủ công truyền thống, thường gắn tên tuổi với địa danh. Ghé An Giang tìm lụa Tân Châu. Đến Cần Thơ ăn bánh hỏi Phong Điền. Qua Đồng Tháp thưởng thức hủ tiếu bà Năm Sa Đéc. Thăm Phú Quốc, nghĩ đến tiêu sọ. Rời Bạc Liêu nhớ cơm gạo một bụi đỏ Hồng Dân...

Nhưng nhìn toàn cục hằng trăm thương hiệu nông sản miền Tây, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu còn khá khiêm tốn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là địa phương, hoặc gia công cho các công ty thương mại đến từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… “Có nhiều sản phẩm của Việt Nam, nhất là gạo ngon, được các công ty thương mại Thái Lan ưa chuộng.

Ruột của mình, nhưng bao bì, nhãn mác là của họ. Sau khi khoác áo mới, gạo được đưa vào hệ thống siêu thị ở Mỹ với giá cao. Còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ muốn ký hợp đồng hằng trăm tấn và chẳng cần thương hiệu”, đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Cần Thơ cho biết.

Rào cản đáng kể thứ nhất của nhiều đặc sản miền Tây là chưa biết cách giới thiệu mình hấp dẫn. Thứ hai là sản lượng không ổn định do phương thức sản xuất thủ công. Thiếu trung gian chuyên nghiệp, am hiểu thị hiếu làm cầu nối khiến đặc sản miền Tây như gái đẹp muộn chồng.

Nhịp cầu thông thương

Làm sao để có thêm nhiều thương hiệu vượt biên giới là mục tiêu mà VCCI Cần Thơ theo đuổi. Viên gạch lót đường đầu tiên là quyết định thành lập Câu lạc bộ Các sản phẩm đặc trưng (CLB Mekong SP) với sứ mạng kết nối sản phẩm của 13 tỉnh, thành ĐBSCL và thị trường. Nhiệm vụ của CLB là hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá và đẩy mạnh thị trường ra nước ngoài.

“Chương trình này có cùng mục tiêu với hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại của nhiều tỉnh, nên nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương. Thành viên CLB là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ nhà nước”, ông Nguyễn Phương Lam, phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, chủ nhiệm CLB Mekong SP nhận định.

Thách thức trước mắt của Mekong SP là tâm lý hoài nghi, ngại tham gia. Có lẽ vì không nhiều hiệp hội trong nước hoạt động hiệu quả. Thêm nữa, phần lớn nhà sản xuất sản phẩm đặc trưng được xếp vào danh mục doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên việc thay đổi cách tiếp cận và tham gia các chương trình một cách dài hạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nói vậy không có nghĩa là VCCI Cần Thơ không thể thành công trong việc kết nối sản phẩm của 13 tỉnh ĐBSCL. Trên thực tế, một số CLB doanh nhân và hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng vì mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Và để gắn kết với quy mô 13 tỉnh, VCCI sẽ chọn từng phân khúc ngành hàng xây dựng chương trình và đặt tiêu chí lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có thương hiệu quốc tế và là doanh nghiệp lớn nhưng Antesco vẫn tham gia chương trình của câu lạc bộ này vì ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty cho rằng CLB ra đời sẽ kết nối được người sản xuất với thị trường thế giới khi có sự tham gia của VCCI Cần Thơ. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho CLB khi nhận được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh mạng lưới phân phối hiện có của doanh nghiệp như chợ, siêu thị, CLB có kế hoạch thiết lập hệ thống cửa hàng chuyên doanh tại những điểm du lịch nổi tiếng, làm hạt nhân cho quá trình mở rộng kênh phân phối trong dài hạn. “Sản phẩm trưng bày tại cửa hàng phải là hàng hóa mang tính đại diện, có dấu ấn riêng của câu lạc bộ”, ông Lam nhấn mạnh.

Về sân khách, câu lạc bộ xác định một số thị trường trọng điểm gồm Singapore, Nhật, Bỉ, Pháp và xa hơn là Mỹ. Trong chuyến xúc tiến thương mại ở Singapore đầu tháng 10, một doanh nghiệp Việt Nam tìm được một đối tác Singapore để hợp tác đóng gói bao bì với nhãn mác để xuất khẩu cà phê chất lượng cao sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài hợp đồng này, Ban chủ nhiệm CLB còn thu hoạch được nhiều thông tin giá trị về thị hiếu, tiêu chuẩn, giá cả, số lượng... Bước tiếp theo là đánh giá và xem xét nhu cầu tiêu dùng ở những phân khúc đặc thù để thúc đẩy hàng hóa phù hợp. Nhà hàng, khách sạn cao cấp, công ty du lịch là những mục tiêu có hiệu ứng lan tỏa.

Để đôi bên cùng thắng, chế biến sâu và chất lượng đồng bộ là hai tiêu chuẩn không thể thiếu. “Áp dụng công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm tiêu dùng mới là rất quan trọng”, ông Lam nhấn mạnh.

Chẳng hạn, miền Tây đang xuất khẩu cá lớn nhất nước và chủ yếu dưới dạng phi lê hoặc cắt khúc. Khách hàng (cả bà nội trợ và đầu bếp nhà hàng) cần những nhóm mặt hàng cá tra cắt sẵn, được tẩm bột, đông lạnh để chế biến ngay. Xu hướng tiêu dùng mới này là nhận định của đại diện Công ty công nghệ Nienstedt tại hội thảo “Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam” diễn ra tại Cần Thơ hồi trung tuần tháng 10.

Để đồng bộ hóa chất lượng sản phẩm, CLB ra đời là cơ hội để các nhà sản xuất cùng ngồi lại, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi giao hàng. Việc phân nhóm theo ngành nghề chuyên biệt còn tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động xúc tiến đầu tư hay tổ chức quảng bá sản phẩm theo chuyên đề tại các kỳ hội chợ, triển lãm.

Một số doanh nghiệp đặt vấn đề CLB sẽ chọn sản phẩm nào, doanh nghiệp nào cung ứng khi khách hàng gõ cửa CLB. Ông Lam cho biết đơn hàng căn cứ vào tiêu chuẩn và giá cả. CLB sẽ giới thiệu tất cả các thương hiệu của một sản phẩm và để khách hàng quyết định, có thể gặp trực tiếp doanh nghiệp hoặc giao dịch thông qua câu lạc bộ.

Tuy nhiên, cạnh tranh về giá sẽ bị hạn chế tối đa để tránh tình trạng kéo nhau xuống đáy. “Chúng tôi hiện đang hợp tác với một số công ty thương mại để khai thác mô hình bán hàng thống nhất”, ông Lam chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đổi vận” cho đặc sản miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO