Doanh nhân Việt kỳ vọng gì hậu bầu cử Mỹ?

NHÓM P.V| 03/11/2020 07:00

Việt Nam và Mỹ có quan hệ thương mại 25 năm, 2 nước ký hiệp định thương mại BTA năm 2000; từ đó đến nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, sau bầu cử Mỹ, dù ông Trump hay Biden lên nắm quyền, chính sách thương mại 2 nước cũng khó có sự thay đổi tức thì.

Doanh nhân Việt kỳ vọng gì hậu bầu cử Mỹ?

Dù Trump hay Biden nắm quyền thì chính sách thương mại dành cho Việt Nam vẫn khó thay đổi.

Kim ngạch thương mại tăng trưởng liên tục từ con số 450 triệu USD vào năm 1994 lên 75 tỷ USD vào năm 2019, tăng 24,4% so với năm 2018. Nhiều năm qua, cán cân thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư với hàng hóa xuất siêu từ Việt Nam sang thị trường này đạt 46,4 tỷ USD trong năm 2019. Con số này trong 10 tháng đầu năm 2020 là hơn 50 tỷ USD.

Hiện, có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD vào Mỹ. Trong đó, có các nhóm hàng xuất khẩu giá trị lớn như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD), máy vi tính và linh kiện (2,4 tỷ USD), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (2,2 tỷ USD), nông, thủy hải sản (1,7 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chưa có sự thay đổi nhiều. Việt Nam vẫn có nhu cầu những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào như các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu…

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy hải sản Việt Nam, với kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD vào năm ngoái. 

Từ năm 2000, khi hai nước ký BTA, quan hệ thương mại 2 bên đi vào chiều sâu, Mỹ luôn coi Việt Nam là nhà cung cấp thực phẩm quan trọng, bên cạnh các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan hay Ecuador. Bên cạnh đó, vì quan hệ làm ăn giữa doanh nghiệp (DN) 2 bên luôn tuân thủ các quy định của BTA và WTO, nên dù cơ cấu chính phủ có thay đổi, Cộng Hòa hay Dân Chủ lên nắm quyền, thì cũng không làm thay đổi bản chất vấn đề.

"DN Việt muốn xuất khẩu hàng sang Mỹ vẫn phải tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, những ràng buộc của luật cạnh tranh mà 2 bên đã thống nhất", ông Hòe nói.

Đồ gỗ nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Mỹ.

Đồ gỗ nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Mỹ.

Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam đang tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ. Từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại ít nhất, Việt Nam đã thành nước xuất khẩu lớn nhất vào năm 2014, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu từ ASEAN vào Mỹ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%) và Singapore (9,5%). 

Con số này nhiều khả năng hơn 30% trước năm 2020, do hàng hóa từ Việt Nam qua Mỹ không chỉ tăng về khối lượng mà chất lượng lẫn giá trị cũng ngày càng tốt hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), một DN chuyên xuất khẩu tôm sang Mỹ, cũng đánh giá rằng, dưới thời Tổng thống Trump, chính sách "nước Mỹ trên hết" muốn kéo sản xuất về Mỹ nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng thực ra, hàng Việt xuất sang Mỹ lâu nay gần như không bị cạnh tranh với sản xuất tại Mỹ. Nghĩa là, những mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thiết bị linh kiện điện tử hay nông thủy sản..., nước Mỹ không sản xuất được. 

"Tôi không cho rằng nếu Trump thất cử, Biden lên, thì chính sách thương mại dành cho Việt Nam sẽ thay đổi. Vì nông dân Mỹ không thể tự nuôi tôm, cá tra, hay họ cũng không thể đưa các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép, đồ gỗ về Mỹ để giảm phụ thuộc được. DN Việt vẫn xuất sang Mỹ bình thường chứ không có thay đổi gì lớn", ông Lĩnh phân tích.

Nhóm hàng dệt may có kim ngạch xuất sang Mỹ lớn nhất, hơn 14 tỷ USD năm 2019.

Nhóm hàng dệt may có kim ngạch xuất sang Mỹ lớn nhất, hơn 14 tỷ USD năm 2019.

Một số DN làm trong ngành nông sản khác cũng nêu quan điểm rằng, nền kinh tế toàn cầu hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước, từ chỗ phụ thuộc, chi phối, chuyển sang liên kết trên nền tảng chuỗi cung ứng. Trong nhiệm kỳ qua, dù đảng Cộng hòa đưa ra nhiều chính sách bảo hộ hàng Mỹ hơn, nhưng dù muốn hay không, kinh tế Mỹ vẫn là thành tố trong mối quan hệ với các quốc gia.

"Chỉ có điều, ông Trump có quan điểm muốn chia miếng bánh kinh tế toàn cầu sòng phẳng hơn. Ông ấy muốn đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân Mỹ chứ không phải là Trung Quốc đang được hưởng lợi quá nhiều. Vì vậy, mới có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và tôi cho rằng Việt Nam vẫn là quốc gia hưởng lợi, dù Biden có chiến thắng", ông Lĩnh nói thêm.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cũng cho rằng, các chính sách của Mỹ dành cho Việt Nam sẽ không thay đổi khi Trump hay Biden lên nắm quyền. Vấn đề là trong cuộc chơi toàn cầu, DN nào chấp nhận luật chơi, hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, thì không lo sợ đầu ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Việt kỳ vọng gì hậu bầu cử Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO