Đó là chia sẻ của doanh nhân Võ Quang Cảnh - Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Sài Gòn trong tham luận tại Hội thảo khoa học Tư tưởng kinh doanh Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tổ chức sáng ngày 10/11.
Bước chuyển từ “ức thương” sang “trọng thương”
Suốt 1.000 năm, từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, quan điểm “trọng nông” là chủ đạo trong xã hội Việt Nam. Triều đình phong kiến và tất cả tầng lớp trong xã hội đều xem nhẹ việc buôn bán, "ức thương” so với “trọng nông”.
PGS.TS Hà Minh Hồng - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nhận định: “Trọng nông ức thương trở thành truyền thống cố hữu trong chính sách kinh tế của các vương triều, tư tưởng này không chỉ trói chặt triều đình xoay quanh vấn đề ruộng đất và sở hữu địa tô mà cũng làm cho người nông dân không thể xa rời ruộng đất và nơi cư trú. Mặc dù đô thị phát triển nhưng nơi này cũng chỉ là trung tâm chính trị văn hóa, không phải là nơi để kinh tế hàng hóa phát triển”.
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, cụ Lương Văn Can và những đồng sự của ông đại diện thế hệ mở đường cho kinh tế Việt Nam thời hiện đại - kinh tế thương mại |
Đầu thế kỷ XX, cụ Lương Văn Can và các nhà sĩ phu thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, in ấn, phát hành sách và tài liệu học tập, giúp việc truyền bá kiến thức và các tư tưởng của ông thuận lợi hơn. Giai đoạn đó, cụ soạn riêng 2 quyển sách chuyên sâu là Kim cổ cách ngôn (năm 1925) bàn về cách buôn bán, làm giàu và đạo đức kinh doanh và Thương học phương châm (năm 1928) bàn về việc kinh doanh.
Hai quyển này không thuần túy là sách để học, để phổ biến kiến thức kinh doanh mà rất chú trọng việc thực nghiệp nghề buôn, phát triển buôn bán để dân giàu nước mạnh. Từ tư tưởng trong 2 quyển sách này của cụ Lương Văn Can và tinh thần của Đông Kinh Nghĩa Thục, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều doanh nhân người Việt, góp phần hình thành tầng lớp tiểu tư sản và tư sản trong một quốc gia thuộc địa.
“Cụ Lương Văn Can và những đồng sự của ông là những người đại diện thế hệ mở đường cho kinh tế Việt Nam thời hiện đại - kinh tế thương mại. Với cụ, buôn bán hay thương mại là nghề chân chính, lương thiện. Đó không chỉ là kết quả nhận thức của một quá trình thoát khỏi nhận thức cố hữu "ức thương trọng nông" mà còn là nhận thức mới, tiến bộ, vượt trội của một bộ phận giai tầng mới trong xã hội cận đại Việt Nam. Đây là bước chuyển quan trọng từ quan điểm "ức thương" sang "trọng thương’ - PGS.TS Minh Hồng cho biết.
Doanh nghiệp vận dụng tư tưởng Lương Văn Can
Tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng - ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM chia sẻ câu chuyện về lớp Văn hóa doanh nghiệp mà ông đã dạy cho một công ty. Lớp học thu hút hàng trăm nhân viên tham gia với mong muốn tìm hiểu thông tin, kiến thức, kỹ năng về văn hóa trong môi trường này. Ông nói: “Từ trước đến nay, đa phần mọi người đều nghĩ văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh nước ta đang áp dụng được du nhập từ phương Tây. Nhưng thực tế, những tư tưởng này đã nhen nhóm từ nhiều thập niên, với sự đóng góp của nhiều cá nhân, nhà nghiên cứu, song đóng góp của danh nhân Lương Văn Can là quan trọng nhất”.
Đồng quan điểm, TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết: “Tôi nghĩ nền tảng của đất nước là văn hóa và nền tảng của doanh nghiệp cũng là văn hóa. Doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, tạo được lòng tin với nhân viên và khách hàng cũng nhờ vào văn hóa vững chắc, phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, bản sắc văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của riêng Việt Nam dựa trên những tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp đã và đang học tập rất tốt tư tưởng Lương Văn Can”.
Bên cạnh việc xem trọng thương nghiệp, đề cao việc kinh doanh sinh lợi nhuận, cụ Lương Văn Can còn cho rằng lợi nhuận phải gắn với lợi ích cộng đồng theo triết lý: “Nhà buôn cần có đủ thương đức, thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. Doanh nhân, doanh nghiệp khi cạnh tranh cần có đức, có tài, không thể gian dối, lọc lừa để không bị thương trường loại khỏi cuộc cạnh tranh.
Ví dụ về nhiều doanh nhân có đóng góp tích cực vào Quỹ Vaccine, vào việc hỗ trợ đời sống người lao động, người dân chịu ảnh hưởng trong giai đoạn dịch Covid-19, TS. Xuân Vũ nhấn mạnh, doanh nhân, doanh nghiệp hiện nay đang vận dụng tư tưởng “thương đức” của cụ Lương Văn Can để đưa các giá trị truyền thống áp dụng triệt để vào bối cảnh hiện đại.
Doanh nhân Võ Quang Cảnh - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ về quá trình vận dụng tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can trong hoạt động của CLB |
“Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, công ty tôi nằm trong vùng dịch, nhân viên nhiễm bệnh nhiều hơn nhân viên có thể làm việc, nhưng với vai trò là người lãnh đạo tôi nghĩ ngay đến sinh mạng và sinh kế, bảo đảm sự an toàn và duy trì đời sống cho người lao động. Bởi tôi biết đúng như tư tưởng của cụ Lương Văn Can "mọi mục tiêu kinh doanh phải lấy nghĩa làm trọng" thì mới bền vững” - bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam chia sẻ về cách công ty bà vận dụng Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can trong thời gian qua.
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, CLB Doanh nhân Sài Gòn luôn xem tư tưởng "thương đức", "thương tài" của cụ Lương Văn Can làm kim chỉ nam. Ban đầu, CLB hoạt động với 3 tôn chỉ: “Biết làm giàu - Biết tôn trọng pháp luật - Có trách nhiệm xã hội”. Từ năm 2010, khi được nâng lên thành tổ chức Hội do UBND TP.HCM ra quyết định thành lập, để thích ứng với thực tiễn tình hình, CLB đã phát triển thêm tôn chỉ: “Làm giàu chân chính - Hợp tác phát triển - Văn hóa tri thức - Trách nhiệm xã hội”.
Ngoài ra, đơn vị này còn góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa danh nhân Lương Văn Can bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như tái bản hai tác phẩm để đời của cụ Lương Văn Can là Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn; xuất bản tác phẩm Lương Gia Tộc phả… Ông Cảnh cho biết: “Giới doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sài Gòn luôn xem cụ Lương Văn Can như người thầy trên cả lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã ứng dụng tư tưởng kinh doanh của cụ vào hoạt động, đã tổ chức và phối hợp tổ chức một số chương trình mang dấu ấn như giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, chương trình Doanh nhân Sài Gòn - Nghĩa tình biên giới, giải thưởng báo chí viết về đề tài doanh nhân, doanh nghiệp…”.
“Doanh nhân Việt Nam có niềm tự hào dân tộc và ý chí làm giàu chân chính, luôn muốn vươn lên ngang tầm với doanh nhân các nước. Đặc biệt lớp doanh nhân trẻ hiện nay có nhiều người được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ, dễ dàng tiếp nhận cái mới, nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu. Những tư tưởng được xem là “đạo kinh doanh” phù hợp với dân tộc Việt Nam của cụ Lương Văn Can chính là bài học vượt thời gian mà giới doanh nhân ngày nay rất nên tìm hiểu, ứng dụng” - ông Cảnh kết luận.
Hội thảo khoa học “Tư tưởng kinh doanh Lương Văn Can” bao gồm 24 tham luận của các nhà nghiên cứu là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... thuộc nhiều trường đại học trên cả nước xoay quanh các vấn đề về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức kinh doanh của cụ Lương Văn Can - danh nhân được xem là “người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam”. Trong khuôn khổ chương trình, BTC chọn 4 tham luận để báo cáo, bao gồm: 1. Bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh ra đời tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can - TS. Lý Tùng Hiếu, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM 2. Lương Văn Can và bước chuyển biến từ “ức thương” sang “trọng thương” đầu thế kỷ XX - PGS.TS. Hà Minh Hồng - ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM 3. Vai trò Lương Văn Can và các tác phẩm “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn” trong toàn cảnh lịch sử kinh doanh, văn hóa kinh doanh Việt Nam và thế giới - PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM 4. Vận dụng tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can vào hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - Doanh nhân Võ Quang Cảnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn. GS.TS. Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM chia sẻ: “Theo tôi, Hội thảo là cuộc gặp gỡ đặc biệt, độc đáo giữa các trường đại học, đặc biệt là ĐH KHXH&NV với giới doanh nhân - những người đang trực tiếp kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Chỉ có sự gặp gỡ này mới giải quyết được các bài toán lớn giữa lý thuyết, nghiên cứu và quá trình vận dụng vào thực tiễn kinh doanh trong doanh nghiệp. |