Doanh nghiệp tốn bao nhiêu chi phí cho thủ tục hành chính năm 2020?

Bảo Quân| 17/03/2021 08:00

Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020 tập trung phân tích quá trình doanh nghiệp (DN) trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm.

Doanh nghiệp tốn bao nhiêu chi phí cho thủ tục hành chính năm 2020?

Phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự DN, môi trường,… là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Theo đó, 9 nhóm quan trọng của APCI 2020 gồm đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự DN, đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.

Công bố lần đầu vào năm 2018, báo cáo APCI thường niên được xem là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà DN phải trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Năm nay, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng ngày 17/3/2021 đã công bố Báo cáo APCI 2020, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng.

Theo ông Dũng, APCI 2020 mang thông điệp hết sức quan trọng; đó là ghi nhận có hệ thống các thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển DN thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 -  Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài các bài học từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy không gian cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung các bài học sâu sắc nhằm thúc đẩy cải cách. Một trong số đó là việc thực hiện, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử,để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là ưu tiên cần cân nhắc mà là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu.

Nhóm TTHC môi trường 'ngốn' nhiều chi phí nhất

Theo kết quả khảo sát APCI 2020, nhóm TTHC về thuế có chi phí tuân thủ trung bình thấp nhất, ở mức 267.000đ, kế tiếp là khởi sự DN với mức 952.000đ. TTHC về kiểm tra chuyên ngành có chi phí tuân thủ trung bình hơn 3 triệu đồng; đất đai có mức hơn 4 triệu đồng; giao dịch thương mại qua biên giới hơn 5,1 triệu đồng; điều kiện kinh doanh hơn 6,8 triệu đồng; TTHC về đầu tư có chi phí tuân thủ trung bình hơn 9,1 triệu đồng.

Trong các nhóm TTHC, nhóm về xây dựng và môi trường "ngốn" nhiều chi phí của DN nhất. Cụ thể, DN phải bỏ hơn 63,3 triệu đồng để thực hiện nhóm TTHC về môi trường. Để thực hiện TTHC trong nhóm môi trường, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 61,5 giờ, chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Cũng theo khảo sát, cứ 100 DN thì có 52 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện TTHC liên quan đến môi trường, nhất là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với nhóm TTHC về xây dựng, DN phải chi hơn 25 triệu đồng để thực hiện thủ tục, với thời gian trung bình của mỗi DN khoảng 21,2 giờ, chi phí trực tiếp là 4,7 triệu đồng cho các loại chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, các loại phí và lệ phí theo quy định (gồm các loại phí thẩm định và lệ phí cấp phép xây dựng) và một phần chi phí không chính thức.

Qua APCI 2019 và APCI 2020, có thể thấy, các nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể là nhóm áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ thực hiện TTHC của DN cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.

Theo đó, phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự DN, môi trường,… là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đồng thời, APCI 2020 cũng phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Từ kết quả APCI 2020, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tốn bao nhiêu chi phí cho thủ tục hành chính năm 2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO