Doanh nghiệp tắc vốn vì Luật Đất đai 2013

QUỲNH VŨ| 03/07/2015 08:32

Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) cần vốn lớn nhưng ngân hàng (NH) không thể giải ngân được vì vướng Luật Đất đai 2013.

Doanh nghiệp tắc vốn vì Luật Đất đai 2013

Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) cần vốn lớn nhưng ngân hàng (NH) không thể giải ngân được vì vướng Luật Đất đai 2013.

Đọc E-paper

Quýt làm cam chịu

Công ty Hưng Long Phước (chuyên sản xuất cấu kiện bê tông) thuê đất tại KCN Hiệp Phước từ năm 2006. Theo bà Nguyễn Thanh Mai, Chủ tịch HĐQT, sau khi đóng hết một lần tiền thuê đất 45 tỷ đồng, đến năm 2011, Công ty được cấp quyền sử dụng đất.

Từ đó đến nay, công ty vẫn dùng tài sản đất để thế chấp vay tiền NH. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, khi cần vay thêm vốn, công ty mới phát hiện tài sản thế chấp không còn cầm cố được nữa theo quy định của Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014.

"Nếu đã trả tiền thuê lại đất trong KCN thì người thuê đã hoàn thành nghĩa vụ. Họ được quyền sử dụng tài sản thế chấp mà không phân biệt thời điểm trước hay sau ngày 1/7/2004.

Vì Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai chưa quy định rõ vấn đề này nhưng cũng không có quy định nào cấm vấn đề này", bà Mai cho biết.

Hơn nữa, Thông tư 01/2005/TT-BTNMT đã có hướng dẫn cụ thể, đồng thời Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định nên việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuê lại là có cơ sở pháp lý.

>>Sửa Luật Đất đai: Người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi

Thực tế, trường hợp của Công ty Hưng Long Phước không mới mà đã kéo dài từ khi Luật Đất đai 2013 ra đời.

Nếu như trước đây, các DN thuê đất trong KCN có thể thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho NH để vay vốn, thì nay, theo quy định trong Luật Đất đai 2013, DN không thể thế chấp sổ đỏ để vay vốn nếu chủ đầu tư KCN chưa nộp tiền thuê đất một lần đã thu của DN cho Nhà nước.

Nghịch lý ở chỗ, lãnh đạo các KCN lại khẳng định rất muốn được đóng tiền cho Nhà nước.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vương Hữu Mẫn, Tổng giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, cho biết, không chỉ DN Hưng Long Phước mà hầu hết các DN trong KCN Hiệp Phước đều đang khát vốn.

Điều đáng nói là những DN này thuê đất tại KCN, đã hoàn thành nghĩa vụ và được cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu. Cùng lúc đó, rất nhiều NH muốn giải ngân vốn lãi suất rẻ để hỗ trợ DN mở rộng sản xuất nhưng tất cả đều vướng Luật Đất đai 2013.

"Điều này là phi thực tế vì chúng tôi cũng đề nghị đóng hết tiền cho Nhà nước nhưng lại chỉ được thu từng năm. Suy cho cùng, cả KCN, NH cũng đều bị thiệt thòi", ông Hữu Mẫn bức xúc nói.

>>Luật đất đai mới: Ai lợi, ai thiệt?

Rối như canh hẹ

Đây cũng không phải là vướng mắc của KCN Hiệp Phước mà nhiều KCN trên cả nước thời gian qua cũng đã đồng loạt "kêu cứu".

Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ một quyết định nào liên quan từ phía cơ quan chức năng được đưa ra. Trong bối cảnh này, đại diện Viettinbank cho biết cũng đang "rất đau đầu" khi chứng kiến khách hàng của mình hoạt động tốt mà vẫn không thể bơm thêm vốn.

Chưa kể, theo Thông tư 02, việc phân loại nợ để trích lập dự phòng cụ thể được quy định lại theo hướng siết chặt hơn so với Quyết định 493 và Quyết định 18.

Cụ thể, nợ nhóm 1 và nhóm 2 vẫn giữ như các quy định trước đây, nhưng nợ nhóm 3, 4 và 5 được bổ sung thêm nhiều đối tượng.

Chiếu theo quy tắc mới này, nhiều DN có nguy cơ chuyển nhóm nợ nếu không còn tài sản thế chấp, nên NH cũng cân nhắc trong chuyện giải ngân vốn.

Cùng một nỗi lo, lãnh đạo của Agribank cho biết, khách hàng của NH trong KCN rất nhiều, phần lớn bị vướng vào quy định của Luật Đất đai 2013. Do đó, NH đang phải xem lại từng hồ sơ để phối hợp với lãnh đạo KCN tìm giải pháp.

>>WB: Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở VN

"Điều cần phải gỡ cho DN lúc này là chính KCN cũng phải chứng minh đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước hay chưa. Vì xác định số tiền nộp vào ngân sách chưa xác định được, do đó ảnh hưởng đến các công ty thứ cấp trong việc tiếp cận vốn NH", lãnh đạo Agribank chia sẻ.

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, không phải Nhà nước làm khó DN mà nguyên nhân sâu xa là từ năm 2006, các địa phương đã phải điều chỉnh tiền thuê đất theo chu kỳ 5 năm/lần để tiệm cận với giá thị trường.

Với cách tính mới này, tại một số nơi, số tiền thuê đất đã tăng lên nhiều lần. Do vậy, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương đã không thực hiện việc điều chỉnh cách tính tiền thuê đất này do gặp phản ứng từ phía DN.

Trước tình cảnh "không lối thoát" này, ông Mẫn cho biết, hiện lãnh đạo KCN đang hy vọng được xét lại việc thu tiền của KCN một lần. Hoặc chí ít, có thể tách riêng các sổ ra để hỗ trợ DN vay vốn NH.

Đơn cử, nên tách thành các trường hợp để xử lý: Những DN có sổ chứng nhận quyền sở hữu đất trước 2006, những DN có sổ từ 2006 đến 1/1/2014 và từ 2014 đến nay.

Việc tách biệt thời gian sở hữu đất sẽ hỗ trợ nhiều cho DN cần vay vốn và chính NH cũng dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ DN xoay vòng vốn mới, trả nợ vay...

>>Những điểm mới trong dự Luật Đất đai sửa đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tắc vốn vì Luật Đất đai 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO