Doanh nghiệp khó, ngân hàng nói gì?

Ý Nhi| 25/04/2020 09:00

Sau ba tháng cầm cự vì dịch bệnh, đa số doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ đang trong tình trạng ngủ đông và gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp khó, ngân hàng nói gì?

Nhiều DN ngưng hoạt động, nguy cơ phá sản

Báo cáo số liệu về tình hình đăng ký DN quý I/2020 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường gồm 18.600 DN tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo khảo sát từ VCCI, 82% DN cho rằng thị trường chắc chắn sẽ thu hẹp. Trong khi đó, dự báo của  Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, có đến 93,9% DN đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, có 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% phải tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản.

Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% DN duy trì được hoạt động; 46,6% DN tiếp tục cắt giảm quy mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% DN đứng trên bờ vực phá sản.

Còn khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) trên hơn 1.000 DN trước đó cũng đưa ra dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ DN có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%. 

Cũng theo kết quả thu thập được dựa trên thông tin của 78 DN khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), tính đến ngày 11/4/2020, 17 DN không hoạt động được, sản xuất kinh doanh cầm chừng và gặp nhiều khó khăn, chiếm 22%; 18 DN tạm ngưng hoạt động, đóng cửa, chiếm 23%; 22 DN gặp tình hình sản xuất, kinh doanh giảm, khó bán hàng, đơn hàng giảm hoặc bị hủy dẫn đến hoạt động xuất khẩu giảm, chiếm 28,2%.

Theo kết quả khảo sát 56 DN của HUBA, tính đến ngày 20/4/2020, hầu hết DN đều gặp khó khăn về tài chính, chờ đợi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, 40 DN trong số 78 DN khảo sát của HUBA cho biết, doanh thu giảm, không có doanh thu, lỗ; không đủ trả chi phí lương, mặt bằng, lãi vay, thuế, BHXH, chiếm 51%; 18 DN tạm đóng cửa, ngưng hoạt động, chiếm 23%; 11 DN có công nợ khách hàng khó thu, vay ngân hàng đến hạn trả và lãi suất cao, chiếm 14%; 5DN thiếu tiền mặt, thiếu vốn xoay vòng, 2 DN không trả được lãi ngân hàng vì bị nợ quá hạn...

Nhiều giải pháp giải cứu

Để giúp DN, hàng loạt gói cứu trợ với tổng giá trị 598.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP như giảm lãi suất đến giảm thuế, giãn đóng bảo hiểm xã hội và các loại phí... Cụ thể, gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trị giá 62.000 tỷ đồng, chủ sử dụng lao động được vay với lãi suất 0% để trả tối đa 50% lương tối thiểu vùng cho người lao động; gói hỗ trợ chính sách tiền tệ 300.000 tỷ đồng giúp DN giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi vay cho DN bị thiệt hại cả lãi vay cũ đến lãi vay mới với mức giảm từ 0,5-3% so với lãi suất thông thường; gói hỗ trợ chính sách tài khóa 225.000 tỷ đồng, giãn nộp thuế và tiền thuế đất 185.000 tỷ đồng, hỗ trợ đến 98% DN, cùng với đó là miễn giảm thuế phí lệ phí 40.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giảm giá tiền điện 11.000 tỷ đồng thực hiện trong ba tháng từ tháng 4-6 cho DN và người dân với mức giảm 10%.

Link bài viết

Theo đánh giá của TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Đại học Fulbright Việt Nam, đây là những gói hỗ trợ rất lớn chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để hiệu quả thì tính kịp thời của các gói hỗ trợ và đối tượng thụ hưởng rất quan trọng, vì theo TS. Tự Anh, nếu như thiết kế và triển khai không khéo thì mặc dù được ban hành kịp thời nhưng các gói này khi đến tay của người lao động hay DN - là các đối tượng chịu tác động sẽ không kịp vì có thể họ sẽ gặp các khó khăn chồng chất, thậm chí phải phá sản trước khi tiếp cận được dòng vốn này.

Thứ hai, nếu quy mô nhỏ quá thì cũng không có tác dụng nhưng quy mô lớn quá thì có thể tạo lãng phí và gây hệ quả sau này. Theo TS. Tự Anh, quy mô các gói hỗ trợ hiện nay là phù hợp, tương xứng với tác động do dịch gây ra. Bởi nếu nhìn qua các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Trung Quốc, quy mô hỗ trợ của họ cũng chỉ trên dưới 10% GDP như Việt Nam.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng

Trước sự ban hành kịp thời, nhanh và mạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, tất cả DN đều rất vui mừng, cho rằng đây là một nghị định rất chi tiết và độ bao phủ cũng rất rộng, 98% sắc thuế đã đến được đúng địa chỉ các DN.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho rằng, mong muốn của họ là được giãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ đến thời điểm phải trả. Nhưng cho đến nay, các DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ gì của ngân hàng, thuế và các gói hỗ trợ... Để tiếp tục tồn tại, các DN vẫn phải tự xoay dòng tiền trả ngân hàng. Có DN cho biết, họ đã được các ngân hàng trả lời chỉ được hỗ trợ 1% so với khoản vay mới.

Ông Nguyễn Quang Tiến - Giám đốc hệ thống Nha khoa Đăng Lưu cho rằng: “Hầu hết DN muốn vay ngân hàng phải chứng minh khả năng hoạt động tiếp thì mới được vay”. Riêng Cục Thuế cho biết, chỉ áp dụng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, còn DN vừa mặc dù khó khăn nhưng không được áp dụng. Riêng các DN khởi nghiệp thì hầu như không được hưởng các gói hỗ trợ vì không có doanh thu, không thuê đất.

hinh-bai-chuyen-lam-an-chi-Nhi-1645-1587

Theo khảo sát đến ngày 20/4/2020 của HUBA, có 18/56 DN được khảo sát cho rằng, thủ tục, giấy tờ còn phức tạp. Trên trang Facebook một DN công ty du lịch cũng cho biết, họ có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động trong 12-24 tháng để duy trì hoạt động trả lương cho người lao động trong lúc chờ hết dịch, chờ ngành du lịch phục hồi, nhưng khi liên hệ ngân hàng thì được trả lời: “Ngành nghề kinh doanh của công ty nằm trong nhóm có thiệt hại nặng nên chưa cho vay mới”.

Trong khi đó, một DN siêu nhỏ lại cho rằng, đây là chính sách không dành cho mình vì không thể chứng minh thiệt hại và không có tài sản thế chấp, hơn nữa thủ tục vay còn rất rườm rà vì phải chứng minh thiệt hại, trong khi DN không tìm được những giấy tờ chứng minh”.

Ngân hàng nói gì?

Thực tế, ngay khi có dịch Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo sớm. Tuy nhiên, phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi triển khai phải có lộ trình và phải có quy chế ban hành nội bộ thì mới triển khai xuống các chi nhánh.

Đại diện một ngân hàng thương mại (xin giấu tên) chia sẻ: “Việc DN ảnh hưởng đến đâu thì không phải cơ quan nào cũng xác nhận được mà DN phải tự xác định, ngân hàng là người cho vay thì phải xem xét đánh giá mức độ thiệt hại của DN bao nhiêu mới cho giảm lãi suất, vì sau này, nếu ngân hàng làm không cẩn thận, có thể 5-7 năm sau, khi cơ quan nhà nước hỏi: “Cơ sở nào để ngân hàng giảm lãi suất và tại sao lại có cơ chế này“ thì rất khó cho ngân hàng. Nếu DN muốn vay, chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng nhưng chỉ dành cho DN không bị khó khăn bởi Covid-19 hay các DN có đơn hàng đầu vào và đầu ra có hiệu quả của dự án thì mới cho vay, còn việc NH yêu cầu DN có tài sản hay không có tài sản là quyền của mỗi tổ chức tín dụng”.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, hiện số lượng khách hàng xin cơ cấu lại nợ rất lớn. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000-3.000 hồ sơ, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng và có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn nhưng chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ, nên việc chậm trễ do tồn ứ, quá tải hồ sơ là khó tránh”.

Đại diện Ngân hàng HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng xin cơ cấu lại nợ tại ngân hàng hiện tăng chóng mặt nên các bộ phận phải làm liên tục.

Ông Vishal Shah - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Techcombank chia sẻ: “Khi đánh giá khách hàng, chúng tôi không chỉ nhìn vào báo cáo tài chính hay tài sản của họ, mà nhìn vào cả dòng tiền, xem xét đến những nhà cung cấp phân phối cho họ để biết dòng tiền khi nào DN nhận được nhằm quản trị rủi ro”. Bởi thực tế, các ngân hàng chia sẻ dòng vốn ưu đãi cho DN, đa phần là tiền gửi của người dân, không phải tiền hỗ trợ của chính sách, do đó các ngân hàng cũng phải thận trọng để đảm bảo an toàn vốn, tránh rủi ro nợ xấu.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng cho biết, có những trường hợp DN chỉ bị giảm nhẹ doanh thu cũng đề nghị giãn, hoãn nợ hoặc giảm lãi, khiến việc xét duyệt, xem xét hồ sơ cho các DN thật sự bị ảnh hưởng bị chậm trễ.

Cũng theo kết quả khảo sát của HUBA, tính đến ngày 20/4/2020, có 31/56 DN đã được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn trả nợ, hạ lãi suất cho vay, 17 DN được hỗ trợ khác cho DN gặp khó khăn.

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên kênh VTV24, ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế - Bộ Tài chính cho biết: “Vừa rồi Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ đề nghị giảm thuế thu nhập DN từ 15-17% và dự kiến sẽ áp dụng cho năm 2021. Tuy nhiên, nếu áp dụng từ tháng 7/2020 thì 93% DN sẽ được thụ hưởng, khoảng 700.000 DN sẽ được thụ hưởng chính sách này”.

Trong đề xuất gửi đến HUBA của các DN cũng kiến nghị: “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên công bằng cho tất cả DN như nhau, không nên đưa ra các gói cho có hình thức và chỉ cho vài địa chỉ định sẵn. Nên công bằng hơn với tư nhân và đơn vị nhà nước, bên cạnh đó cần rõ ràng và nhất quán. Cần mở rộng đối tượng được giúp và việc thực hiện các thủ tục cần đơn giản nhất, giảm thuế GTGT đối với hàng tiêu dùng để kích cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp có nguy cơ bị mua lại, tập trung cấp quỹ đất khu công nghiệp nhỏ nhiều hơn. Nếu kéo dài thời gian giãn thuế đến cuối năm hoặc qua năm sau để DN đủ thời gian xoay sở bởi thời hạn được giãn thuế từ 3-5 tháng là quá ngắn, DN không đủ thời gian để phục hồi và khả năng trả nợ trong khi dịch bệnh còn có khả năng tiếp tục kéo dài và DN sẽ tiếp tục bị khó khăn trong vài tháng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp khó, ngân hàng nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO