Doanh nghiệp chuyển hướng theo Covid-19

Minh Nhi| 04/04/2020 08:00

Đứng trước khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn trong và ngoài nước đã chủ động chuyển hướng sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, đóng góp vào việc phòng, chống dịch bệnh.

Doanh nghiệp chuyển hướng theo Covid-19

Doanh nghiệp trong nước chuyển hướng nhanh

Trưa 30/3/2020, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả viện nghiên cứu của tập đoàn gồm Viện nghiên cứu thiết kế ô tô 1-2, Viện nghiên cứu thiết bị di động, thiết bị gia đình thông minh, thiết kế thiết bị viễn thông, thiết kế pin thông minh, nhà máy sản xuất ô tô VinFast và nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart dừng hết các việc hằng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất các loại máy thở và máy đo thân nhiệt "made in Vietnam".

Ngay sau đó, Vingroup đã ký kết hợp đồng bản quyền với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

may-tho-3586-1585938770.jpg

Máy thở 

Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup cho biết: "Các máy máy đo thân nhiệt cũng đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng".

Theo dự kiến, Vingroup sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch. "Ngoài ra, với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng và có thể hỗ trợ các nhà sản xuất khác trên thế giới để gia công thiết bị cho họ, hoặc cung cấp một phần nhu cầu, số lượng cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác”, ông Quang cho hay.

Trước đó, hàng loạt công ty trong ngành dệt may, thời trang, sản xuất chăn drap gối nệm cũng chuyển hướng sang may khẩu trang vải. Cụ thể, Công ty CP Everpia (sản xuất và kinh doanh chăn drap gối nệm) cũng đã dùng nguyên phụ liệu sẵn có để may khẩu trang với số lượng dự kiến ban đầu là 50.000 chiếc, được phát tặng miễn phí từ ngày 4/2/2020 tại khu vực phía Bắc và sau đó là khu vực miền Trung và miền Nam.

Với thế mạnh chuyên sản xuất loại vải kháng khuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Công ty Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) cũng đã đưa ra thị trường loại khẩu trang được may hai lớp từ vải chống khuẩn và bán với giá 7.000 đồng/chiếc, bằng với giá thành sản xuất. Công ty này cũng cung cấp loại vải kháng khuẩn để khuyến khích nhiều đơn vị khác cùng tham gia sản xuất khẩu trang vải.  

Công ty May Nhà Bè (NBC) cũng đã sắp xếp dây chuyền, xây dựng quy trình may, đào tạo công nhân và tổ chức sản xuất khẩu trang kháng khuẩn từ loại vải kháng khuẩn, năng suất ban đầu chỉ đạt 5.000 sản phẩm/ngày và đang nỗ lực sẽ đạt từ 10.000 sản phẩm/ngày trở lên. 

Tính đến giữa tháng 3/2020, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã cung ứng khoảng 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. Đồng thời, hơn 300 tấn vải đã được các đơn vị của tập đoàn cung ứng cho các DN may khẩu trang chống dịch, tương ứng khoảng 16 triệu chiếc khẩu trang.

Trong lúc nhiều DN bị ngưng trệ sản xuất vì dịch bệnh, nhu cầu máy lạnh trầm lắng và nguồn cung cũng e dè thì Asanzo - công ty chuyên sản xuất TV, đồ điện gia dụng cũng mạnh dạn chuyển hướng đầu tư dây chuyền lắp ráp sản xuất máy lạnh. 

Theo ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo, ngày 26/2/2020, khi Bộ Công Thương cho biết linh kiện điện tử cho ngành điện tử tại Việt Nam chỉ còn có thể cung cấp đến giữa tháng 3, nhiều công ty lo lắng có khả năng phải dừng sản xuất lớn thì với dây chuyền sản xuất lắp ráp mới, Asanzo chuẩn bị  đủ khả năng cho ra 2.000 sản phẩm máy lạnh mỗi ngày, một năm có thể xuất xưởng đến 500.000 máy lạnh.

Hiện 6 mẫu máy lạnh của Asanzo gồm K09N66, K12N66, K18N66 thuộc thế hệ máy lạnh thông minh, tiết kiệm điện năng đã được bán ra thị trường với giá chỉ hơn 5 triệu đồng, vốn là mức giá mà các thương hiệu nhập khó có thể cạnh tranh. 

Nhiều DN nước ngoài sản xuất thiết bị y tế

Không chỉ các DN Việt Nam mà ngay cả các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới cũng đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất. Trong tuyên bố hôm 20/3/2020, General Motors cho biết đã bắt tay với nhà sản xuất thiết bị y tế Ventec ở Seattle (Mỹ) để đẩy mạnh sản xuất máy thở. Máy thở mã hiệu VOCSN của Ventec là máy thở đa chức năng hiện đại nhất hiện nay, bao gồm 5 thiết bị y tế tích hợp, có giá lên tới 50.000 USD/máy, được sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện.

Ngày 3/4/2020, Tập đoàn Ford Motor cũng công bố hợp tác với GE Healthcare sản xuất hàng loạt máy thở theo tiêu chuẩn và chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Bắt đầu từ ngày 20/4/2020 sắp tới, Ford dự kiến sẽ sản xuất 50.000 máy thở trong vòng 100 ngày để hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19, có khả năng tăng công suất lên 30.000 máy mỗi tháng sau đó nếu cần thiết. 

Hãng sản xuất siêu xe Lamborghini của Ý cũng đã yêu cầu một vài bộ phận tại nhà máy SantAgata Bolognese chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và tấm chắn nhựa bảo vệ. Đây là một nỗ lực của hãng nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh. Nhà sản xuất này dự kiến mỗi ngày cung cấp 1.000 khẩu trang và 200 tấm chắn nhựa bảo vệ.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, ngày 3/4/2020, ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York (Mỹ) cũng kêu gọi các DN của nước này tập trung sản xuất đồ bảo hộ y tế nội bộ thay vì mua từ Trung Quốc và cam kết sẽ tài trợ cho các công ty muốn thay đổi khả năng sản xuất trang thiết bị y tế bảo hộ cá nhân cho đội ngũ y tế chống dịch.

Theo Thống đốc New York, Mỹ đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc để có các sản phẩm này. Nhiều sản phẩm trên thị trường bình thường được sản xuất tại Trung Quốc và nay mọi người phải mua của Trung Quốc các trang bị bảo hộ cá nhân, máy thở... vốn là các sản phẩm không khó làm nên đó là một điều trớ trêu. Thống đốc New York cũng tuyên bố, nếu các nhà sản xuất trong nước có khả năng sản xuất các sản phẩm này, tiểu bang sẽ ứng trước một số tiền và sẽ thanh toán chi phí chuyển đổi hay chuyển tiếp cơ sở sản xuất của họ để có thể làm việc.

Ông Andrew Cuomo cũng khẳng định sẽ giải quyết các thủ tục để không làm chậm quá trình chuyển đổi sản xuất này. Tại Mỹ, một vài công ty đã chuẩn bị để chuyển sang sản xuất sản phẩm thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang, áo bảo hộ, máy thở, mặt nạ N95, kính che mặt... Hiện Mỹ vẫn phải mua khẩu trang y tế từ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp chuyển hướng theo Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO