Doanh nghiệp cần được "tiếp ôxy"

Băng Tâm - Thanh Ngân| 11/06/2021 08:00

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tấn công vào các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mật độ doanh nghiệp (DN) và công nhân lên đến hàng trăm, hàng triệu người. Để sớm vượt qua khó khăn, DN đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, địa phương.

Ưu tiên lãi suất

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, sau hơn một tuần Thành phố giãn cách xã hội, Phúc Thịnh mất 50% doanh số do nhà hàng, quán ăn, hệ thống quán cà phê, trà sữa... đóng cửa. Khoảng một nửa sản phẩm của công ty là ly nhựa, hộp giấy bán vào phân khúc này, trong khi nguyên liệu đã nhập về, hàng bán cho đối tác cũng bị nợ nên chúng tôi đang thực sự gặp khó khăn.

Năm 2020, Phúc Thịnh đã được khảo sát tình hình hoạt động để được hưởng các gói hỗ trợ, nhưng đến nay DN này vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản nào. Hiện doanh thu giảm, nhưng mỗi tháng Phúc Thịnh đang phải chi ra hơn 700 triệu đồng, gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, điện nước, lãi vay... trong đó khoản tương đối nặng là thuê mặt bằng 150 triệu đồng. 

a1-2570-1623298772.jpg

"Chúng tôi đang vay của một số ngân hàng và cũng không ngân hàng nào có chính sách hỗ trợ như các gói của Chính phủ lẫn TP.HCM. Chẳng hạn, Vietcombank đang áp dụng cho vay vốn lưu động ngắn hạn 6 tháng đáo hạn, lãi 4,5%/năm chỉ để mua nguyên liệu sản xuất và Ngân hàng ACB lãi 7,5%/năm cho rút tiền mặt. Do doanh số giảm suốt nên DN chỉ có thể cầm cự được vài tháng nữa và mong được vay lãi 0% để trả lương công nhân ", ông Hoàng thông tin.

Do giãn cách xã hội, nhiều DN sản xuất thực phẩm mất tới hơn 50% doanh số, trong khi vẫn phải gánh các chi phí cố định, nhất là mặt bằng, lương công nhân, bảo hiểm... 

Theo khảo sát, có tới 80-90%  DN ở Việt Nam cần đến đòn bẩy tài chính từ ngân hàng, nên giải pháp hạ lãi suất đồng loạt ở các ngân hàng thương mại lẫn Nhà nước lúc này là cần thiết và hiệu quả nhất. "Hạ lãi vay thì các ngân hàng cũng dễ thực thi hơn thay vì đưa ra gói cho vay lãi 0% để trả lương, phải rà soát đủ điều kiện, gặp không ít vướng mắc", ông Trương Phú Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bibica đề xuất. 

Theo ông Chiến, trong hai năm qua DN phải huy động lãi rất cao, lên đến 6-10%/năm để đầu tư nhà máy, mua sắm thiết bị... Trong khi dịch bệnh vẫn kéo dài, DN lỡ đầu tư rồi lại không thể khai thác được (đầu ra khó khăn), lãi suất cao là gánh nặng rất lớn đối với họ. Ông Chiến cũng kiến nghị Chính phủ phải đẩy nhanh gói hỗ trợ cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Giải pháp này giúp DN duy trì hoạt động và nuôi sống được người lao động.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh nói: "Hiện nay, lãi suất cho vay của hầu hết ngân hàng đang dao động 7-7,5%, cao hơn so với lãi suất huy động 3-4%/năm. Thủ tục cho vay lại quá khó, đòi hỏi có phương án kinh doanh, đầu ra, tài sản thế chấp khiến DN... phát nản". 

4-4039-1623298772.jpg

Bảo vệ công nhân, nhà máy

Trong lúc vẫn đang chờ vaccine Covid-19, giải pháp hữu hiệu bảo vệ sản xuất của các DN TP.HCM là chủ động ứng phó, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Ông Chiến cho biết, DN này có từ 200-400 công nhân, rải đều từ Hà Nội cho đến Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM và Long An nên khả năng tiếp xúc trong cộng đồng có thể lên đến 10.000 người. Đợt dịch thứ tư bùng phát trên quy mô rộng, ngoài việc yêu cầu tất cả người lao động phải tự cách ly hoặc được yêu cầu ở nhà, một số bộ phận ra vào nhà máy phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn... thì Bibica còn áp dụng sản xuất chia làm hai ca, hai nhóm để nhân viên không tập trung cùng một thời điểm, công nhân từng xưởng cũng ăn riêng theo từng khung giờ quy định. 

Có nhà máy nằm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh), nguy cơ lây nhiễm rất cao, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, có hơn 400 người của Bidrico thuộc nhóm thị trường nên công ty trang bị nón cho nhân viên an toàn khi tiếp xúc và áp dụng tất cả biện pháp theo quy định như giải pháp 5K, phải khai báo cáo sức khỏe hai lần, áp dụng cho cả nhân viên thị trường.

Những DN lớn như Saigon Food, Bidrico, Bibica... cũng có hàng nghìn lao động lưu trú rải rác khắp các quận, huyện tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, các khu nhà trọ và cũng có các kế hoạch bảo vệ và chống dịch cho nhân viên.

Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM: "Ban quản lý đang khảo sát tình hình hoạt động của các DN xem mức độ ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 lần này để tổng hợp gói hỗ trợ trước đây, những chính sách nào đã được thực hiện, chính sách nào chưa nhằm đề xuất Thành phố hỗ trợ. Trước mắt, Thành phố cần đưa ra gói hỗ trợ cấp bách cho đối tượng lao động bị ảnh hưởng giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16, kịp thời hỗ trợ cho họ có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. 

a2-1140-1623298772.jpg

Đợt giãn cách năm ngoái, Thành phố đã hỗ trợ người lao động mất việc, không có bảo hiểm xã hội 1 triệu đồng/người/tháng trong ba tháng. Tuy nhiên, đợt này cần tính toán mức hỗ trợ ổn hơn, dài hơi hơn. Về dài hạn, khi dịch bệnh chưa thể kiểm soát thì phải có chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lực lượng lao động phi chính thức - không có hợp đồng. Để khi họ mất việc, mất thu nhập thì nguồn bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể giúp họ vượt qua lúc khó khăn. Cùng đó là duy trì chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm... 

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng góp ý kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19. Đối với gói hỗ trợ tài khóa, Thành phố cần thực hiện giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, đồng thời xem xét tăng thời gian gia hạn thuế đến hết tháng 12/2021. Ngoài ra, cần giảm thuế giá trị gia tăng các ngành ảnh hưởng trầm trọng như du lịch, khách sạn... giảm thuế thu nhập DN về 15-17% theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017.

HUBA cho rằng, Thành phố cần nghiên cứu cho vay lãi suất ưu đãi một số đối tượng cụ thể chứ không dàn trải như trước và cho DN được vay qua Quỹ Bảo lãnh Tín dụng DN nhỏ và vừa. Các ngân hàng thương mại cần điều chỉnh giảm lãi suất vay tương ứng với việc giảm lãi suất huy động. Ngoài ra, cũng cần thí điểm cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh và khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị...

Song song đó, gia hạn gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2020 đến hết tháng 12/2021. Thành phố cần rà soát để yêu cầu các đơn vị thực hiện giảm bớt điều kiện và đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cần được "tiếp ôxy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO