Doanh nghiệp bán lẻ: Chạy đua trước giờ G

MINH NGÂN/DNSGCT| 13/04/2014 07:35

Chỉ chưa đầy một năm nữa thôi, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ phải mở toang cánh cửa thị trường để “đón chào” các nhà đầu tư ngoại.

Doanh nghiệp bán lẻ: Chạy đua trước giờ G

Trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) trong nước phải chạy nước rút để gia tăng thị phần!

Đọc E-paper

Đua từ trong ra ngoài!

Dù lọt khỏi top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới nhưng theo báo cáo khảo sát của các công ty đa quốc gia, ngành bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất châu Á với mức tăng 23%, vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%).

Trong báo cáo thường niên năm 2013, Metro cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và dự đoán sẽ tiếp tục tăng hai con số trong năm 2014. Hiện tại, với 19 trung tâm mua sắm, Metro Việt Nam xếp thứ 11 trên 32 nước mà tập đoàn này đang hiện diện. Tại khu vực châu Á và châu Phi, mạng lưới Metro Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Trung Quốc với hơn 5.000 nhân viên.

> DN ngoại đầu tư bán lẻ: Thua keo này bày keo khác

> Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá tốt

> Thế giới không còn "vua bán lẻ"

> Thị trường bán lẻ: Cửa sinh rộng hơn cửa tử

> Thêm đại gia bán lẻ vào Việt Nam

> Bán lẻ: Thời của người tiêu dùng thông minh

Đó cũng là lý do khiến hàng loạt các nhà đầu tư ngoại liên tiếp khai trương các điểm bán mới và tuyên bố kế hoạch mở chuỗi. Big C đã mở đến 24 siêu thị và mỗi năm mở thêm từ 2-3 siêu thị mới. Cuối tháng 3 vừa qua, Lotte Mart đã khai trương điểm bán thứ 7. Đại diện Lotte Mart, cho biết, trong năm nay, Lotte sẽ mở sáu điểm bán mới tại Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ với vốn đầu tư mỗi điểm khoảng 30-40 triệu USD.

Không dừng ở đó, Lotte dự định mở 60 điểm đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỉ USD. Nhà đầu tư đến từ Nhật là Aeon sau khi mở trung tâm đầu tiên tại TP.HCM với vốn đầu tư 100 triệu USD đã lên kế hoạch mở rộng hệ thống lên đến 20 điểm bán vào năm 2020 với vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD. Ngoài ra, một loạt đại gia bán lẻ khác như Wallmart (Mỹ), Mapletre (Singapore), Auchan (Pháp) cũng đang chuẩn bị bước chân vào Việt Nam.

Đối đầu với làn sóng đầu tư nước ngoài, DN trong nước cũng tăng tốc mở rộng mạng lưới. Trong đó, Saigon Co.op đã mở đến 10 điểm bán mới trong năm 2013, lên 70 siêu thị Co.opmart. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết, trước áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, Co.opmart đã phải tăng tốc nhanh hơn để mở chuỗi bên cạnh việc đầu tư vào nguồn lực.

Saigon Co.op đặt mục tiêu đạt 100 siêu thị Co.opmart vào năm 2015, phát triển bình quân 15 Co.op Food, 1-2 đại siêu thị mỗi năm để phủ rộng các điểm bán. Trước đó, cuối năm 2012, Saigon Co.op đã bắt tay cùng NTUC FairPrice (Singapore) mở hai chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraplus, chính thức thâm nhập vào mảng bán buôn.

Trong khi đó, với lợi thế liên kết của 100 DN ngành dệt may, hệ thống siêu thị Vinatexmart mở đến 82 siêu thị trên cả nước. DN này đặt mục tiêu sẽ đạt 200 siêu thị vào năm 2015. Các hệ thống siêu thị Citimart, Maximark… cũng liên tục khai trương các điểm bán mới. Trong đó, Citimart ngoài chuỗi 15 siêu thị hiện có còn phát triển bốn siêu thị mini và tám cửa hàng tiện lợi. Maximark thì chuẩn bị đưa vào hoạt động siêu thị thứ 6 tại Bình Dương.

Ở lĩnh vực điện máy, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 1-2012 đến 1-2013), Nguyễn Kim đã mở đến 17 trung tâm mua sắm mới trong khi 13 năm trước đó, DN này chỉ có bốn trung tâm. Thế Giới Di Động trong hai năm 2012 và 2013 đã mở đến 14 siêu thị dienmay.com. Tính đến nay, hệ thống này có 220 siêu thị thegioididong, 14 siêu thị dienmay.com và vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 700 siêu thị trong hai năm tới.

“Năm 2014 sẽ là năm dienmay.com phát triển mạnh về hệ thống. Chỉ mới hai năm nhưng chúng tôi đã có 14 siêu thị và doanh thu rất tốt. Chúng tôi hoàn toàn tự tin trong bước đi chiến lược này”, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động (Công ty sở hữu hai thương hiệu thegioididong.com và dienmay.com), cho biết.

Củng cố vị thế

Trước sức ép từ các nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện và những thương hiệu chuẩn bị vào khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường vào đầu năm 2015, các DN trong nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng thị phần, củng cố vị thế. Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Marketing Nguyễn Kim cho biết, cùng với việc mở rộng hệ thống, Nguyễn Kim cũng thay đổi mô hình kinh doanh.

Thay vì chỉ chuyên hàng kim khí điện máy, điện tử, hàng kỹ thuật số… các trung tâm Nguyễn Kim mới được định hình là những khu thương mại phức hợp tích hợp nhiều tiện ích như bách hóa, thiết bị gia đình, ẩm thực, giải trí… Không chỉ thế, các trung tâm mua sắm mới của Nguyễn Kim được xây dựng hoàng tráng hơn, bề thế hơn và đặt ở những khu vực đẹp ở các tỉnh, thành phố lớn. Song song đó, Nguyễn Kim đầu tư mạnh mẽ vào việc tổ chức và chăm sóc khách hàng.

Với lợi thế của mô hình tổng công ty, các công ty con của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đã tính đến phương án cùng hợp tác để củng cố vị thế. Chuẩn bị cho việc hội nhập, từ năm 2011, Satra đã đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Thay vì chỉ đầu tư siêu thị, Satra đã đưa vào hoạt động các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi Satrafoods. Hiện nay, Satrafoods đã đạt đến con số 33 cửa hàng. Hiện Satra đang lên phương án sáp nhập cửa hàng Vissan vào Satrafoods. Nếu 105 cửa hàng Vissan được sáp nhập vào Satrafoods sẽ nâng số cửa hàng của thương hiệu này lên hơn 130 điểm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, cho rằng, áp lực mở cửa hoàn toàn vào năm 2015 khiến các DN phải củng cố hệ thống bán lẻ để đảm bảo sức cạnh tranh. Thay vì chỉ đầu tư chuỗi siêu thị Citimart, Công ty Đông Hưng (chủ đầu tư Citimart) mở thêm siêu thị mini FamilyMart và cửa hàng tiện lợi B&B (Best&Buy). Hiện nay, dù gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng nhưng Đông Hưng dự định sẽ mở thêm 70 điểm bán đến năm 2015, trong đó, chú trọng vào mô hình cửa hàng nhỏ diện tích từ 1.000 – 2.000m2 để khai thác tất cả các phân khúc.

Ông Hòa thừa nhận, so với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, DN trong nước yếu về vốn, về kinh nghiệm và quản trị hệ thống. Vì vậy, trong năm 2014-2015, Saigon Co.op sẽ quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ và hệ thống tổng kho. Song song đó, Saigon Co.op đầu tư vào công nghệ thông tin. Hiện tại, giai đoạn 2 của gói đầu tư phần mềm ERP trị giá 2,5 triệu USD đã được triển khai để hướng tới việc kết nối với nhà cung cấp để hiện đại hóa các quy trình, rút ngắn các thao tác kể cả vấn đề đặt hàng, mua hàng, giám sát… Trong quý II năm nay, dự án nâng cấp phiên bản quản lý mới nhất phần mềm này sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Cũng theo ông Hòa, trong bán lẻ, việc hình thành chuỗi là lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, bên cạnh các siêu thị ở các thành phố lớn, việc ra đời các siêu thị tỉnh là một chiến lược của Saigon Co.op. “Ngoài mô hình Co.opmart, Co.op Food, chúng tôi tiếp tục phát triển mô hình Co.op Extra, đưa vào mô hình kinh doanh mới là khu phức hợp thương mại, trung tâm thương mại quy mô lớn và cái đầu tiên dự kiến khai trương đầu năm 2015”, ông Hòa cho biết.

Tính đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp bán lẻ: Chạy đua trước giờ G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO