Điện thoại Trung Quốc: Sử dụng chiến thuật số đông

LỮ Ý NHI| 10/12/2015 08:39

Không được đánh giá cao và gia nhập thị trường vào thời điểm đang có mặt hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng các hãng điện thoại của Trung Quốc vẫn tăng trưởng lạc quan.

Điện thoại Trung Quốc: Sử dụng chiến thuật số đông

Không được đánh giá cao và gia nhập thị trường vào thời điểm đang có mặt hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng các hãng điện thoại của Trung Quốc vẫn tăng trưởng lạc quan. 

Đọc E-paper

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013, Oppo đã chọn cách giành thị trường bằng con đường khá gai góc: Không đánh vào phân khúc điện thoại tầm trung mà "đối đầu" với các thương hiệu có tên tuổi lớn như Samsung, Microsoft, HTC ở phân khúc điện thoại cao cấp, với mức giá tương đương, thậm chí cao hơn.

Sau 3 năm, chiến lược này đã chứng minh thành công khi doanh thu của Oppo khá ổn định. Theo số liệu từ IDC, thị phần doanh số trong quý 1/2015 của Samsung là 35,2%, còn Oppo ở mức 10,4%. Như vậy, cứ 3 chiếc điện thoại của Samsung đến tay người dùng thì có một của Oppo.

Trong quý 4/2014 và quý 1/2015, Oppo đã vươn lên vị trí thứ ba các hãng smartphone bán nhiều nhất tại Việt Nam. Thống kê của GfK ở mảng smartphone cũng cho thấy, tính đến tháng 2/2015 thị phần của Oppo đã tăng từ 2,8% lên 7,9%.

Thành công của Oppo được ông Đặng Quốc Cường - Giám đốc Truyền thông Oppo Việt Nam, tiết lộ: "Do sản phẩm có mức giá hợp lý, được trang bị nhiều tính năng hấp dẫn".

Theo các DN trong cùng lĩnh vực này, việc mở rộng kênh bán hàng của Oppo cùng việc tập trung cho marketing đã đóng góp làm nên tên tuổi cho hãng này. Tính đến nay, Oppo đã có khoảng 2.000 điểm bán hàng và để cạnh tranh, trong năm 2015, Oppo sẽ mở 36 điểm bảo hành ở các tỉnh thành.

Tương tự, ngay khi vào Việt Nam năm 2013, hãng điện thoại Huawei cũng đặt mục tiêu sẽ bán được khoảng 400 nghìn smartphone, chiếm 5% thị phần.

Lộ trình vào thị trường Việt Nam của Huawei được ông Shawn Shu - Tổng giám đốc Huawei Việt Nam, chia sẻ: "Sẽ ưu tiên mở các cửa hàng chính hãng, sau đó sẽ mở các trung tâm bảo hành".

Ông Shu lý giải: "Mặc dù sản phẩm của Huawei đạt chất lượng quốc tế và luôn cập nhật công nghệ mới, nhưng người tiêu dùng còn quan tâm đến thiết kế bắt mắt và dịch vụ tốt nên chúng tôi phải tìm hiểu thị hiếu để đem lại nhiều giá trị hơn nữa cho mỗi sản phẩm".

Với việc đầu tư nghiêm túc, Huawei đã nhanh chóng có chỗ đứng tại Việt Nam. Quý 3/2015, trên toàn cầu Huawei đã có thị phần tăng từ 2,5% lên 7,7%, tiêu thụ được 27,4 triệu chiếc smartphone, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tại Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, Huawei đã bán được gần 300.000 chiếc, đạt mức tăng trưởng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đặt mục tiêu đạt 500.000 chiếc vào năm 2016.

Tự tin là thương hiệu smartphone có mặt toàn cầu với mức tăng trưởng từ 300 triệu USD (năm 2003) lên 25 tỷ USD vào năm 2015 và là thương hiệu số 1 tại Trung Quốc, nên dù mới vào thị trường Việt Nam năm 2015 nhưng Coopad lạc quan tuyên bố: "Hãng đang hướng tới vị trí đứng đầu trong phân khúc 4G và đặt mục tiêu chiếm lĩnh từ 10 - 15% thị trường di động tại Việt Nam trong vài năm tới".

Ông Leakey Yao - CEO Coolpad Việt Nam cho biết: "Chiến lược của Coolpad tại Việt Nam là tập trung vào các dòng điện thoại với mức giá tầm trung nhưng trang bị công nghệ cao cấp. Chúng tôi đang mở rộng kênh phân phối và đã có 600 điểm bán lẻ”.

Đại diện Coopad cũng cho biết thêm: "So với thời điểm mới ra mắt thị trường Việt Nam, Hãng chỉ bán được vài trăm chiếc thì đến nay đã đạt con số hơn 7.000 chiếc.

Với dòng điện thoại thuộc phân khúc tầm trung bình khá, dù mới vào thị trường Việt Nam được 3 tháng nhưng bà Quang Phụng Din - Giám đốc Marketing Hãng điện thoại Umi, cũng lạc quan cho biết, tháng 9/2015 đã bán được khoảng 6.000 chiếc.

Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ), cho biết, hiện nay, tại các kênh phân phối của TGDĐ, số lượng điện thoại Oppo bán rất tốt với mức tăng thị phần khoảng 15%. Lý do tăng được ông Doanh lý giải: "Do Oppo có chiến lược đầu tư các chương trình khuyến mãi và marketing khá lớn, đều đặn và ấn tượng".

Cũng theo ông Doanh, dù được người tiêu dùng đón nhận và chịu đầu tư công nghệ mới cho sản phẩm, nhưng lượng điện thoại bán ra của Huawei tại TGDĐ thấp hơn so với Oppo và chỗ đứng trên thị trường của Huawei cũng chưa xứng tầm với những gì hãng này kỳ vọng khi vào thị trường Việt Nam.

Mặc dù không còn phân phối điện thoại Xiaomi, nhưng với kinh nghiệm từng bán điện thoại Trung Quốc, ông Đoàn HoàngViệt - Tổng giám đốc Công ty Digiworld, cho rằng: "Tâm lý người dùng Việt Nam vốn có cái nhìn chưa tích cực với điện thoại Trung Quốc, đây là cái khó cho cả nhà phân phối và hãng sản xuất. Tuy nhiên, nếu các hãng có đủ khả năng cạnh tranh về chất lượng phần cứng lẫn phần mềm, trong đó đặc biệt chú ý đến cuộc đua về tiếp thị, xây dựng hình ảnh thương hiệu và mở rộng kênh phân phối thì sẽ thành công".

>Điện thoại Trung Quốc: Kiên trì chiến lược "giá rẻ"

>Bí mật của các hãng điện thoại Trung Quốc

>Thị trường smartphone Việt Nam: Ẩn số Oppo

>Việt Nam bùng nổ smartphone, Huawei hưởng lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện thoại Trung Quốc: Sử dụng chiến thuật số đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO