Điểm yếu trong thu hút đầu tư nước ngoài

MINH TRÍ/DNSGCT| 15/12/2012 08:42

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn luôn được xem là nguồn lực tài chính quan trọng nhằm bù đắp thiếu hụt về ngân sách để xây dựng và phát triển đất nước.

Điểm yếu trong thu hút đầu tư nước ngoài

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn luôn được xem là nguồn lực tài chính quan trọng nhằm bù đắp thiếu hụt về ngân sách để xây dựng và phát triển đất nước.

Đọc E-paper

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của chúng ta kể từ ngày mở cửa, hội nhập và đã có một thời gian dài hoạt động đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả cao.

Lao động giá rẻ không còn là ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài

Thế nhưng từ vài năm trở lại đây tình hình đã không được như trước, một phần do ảnh hưởng tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới, phần khác do chưa khắc phục được các nhược điểm cố hữu để hoạt động đầu tư nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn.

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012) do Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội, lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ đề cập nhiều vấn đề khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam kém hấp dẫn. 

Đại diện Phòng thương mại Hoa Kỳ và châu Âu đã nói về những trở ngại trong môi trường kinh doanh khiến Việt Nam có thể không còn là bến đỗ của các nhà đầu tư nước ngoài nếu chính phủ không cam kết cải cách các thủ tục và có hành động thực tiễn.

Ông Christopher Twomey, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, (AmCham) nói về các thách thức Việt Nam đang đối diện trong bối cảnh mậu dịch song phương Mỹ-Việt đạt 24,5 tỉ USD trong chín tháng đầu năm 2012 và có khả năng đạt 50 tỉ USD vào năm 2050 nếu đà giao thương vẫn được tiếp tục.

Theo ông, hồi tháng 2/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chính phủ sẽ tập trung vào ổn định kinh tế thay vì dồn cho tăng trưởng. Đây là điều AmCham và các đối tác khác rất ủng hộ. Tuy nhiên chính phủ cần cải cách khẩn cấp và có hành động quyết đoán nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.

Nhiều thành viên của AmCham nhận thấy kinh doanh tại đây khó khăn hơn những năm trước khiến nhiều nhà đầu tư phải nghĩ lại các kế hoạch mở rộng kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến tại Việt Nam và gây ảnh hưởng tiêu cực tới quản trị công, bào mòn nhà nước pháp quyền, cản trở tăng trưởng kinh tế và làm méo mó điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài. Họ nói tuy Việt Nam đã nhiều lần phát động chiến dịch chống tham nhũng kể từ năm 2004 nhưng tiến bộ trong tám năm qua là quá ít.

Trong một khảo sát gần đây của AmCham, hơn 80% hội viên nói rằng tham nhũng là một trong hai mối quan ngại lớn nhất tại Việt Nam. Các thành viên của AmCham cảm thấy tham nhũng ngày càng tồi tệ trong mọi lĩnh vực kinh doanh tại nước ta.

Trong phần kết luận tại diễn đàn này, Chủ tịch AmCham Christopher Twomey nói “Các nước cần có chính sách kinh tế tốt, hạ tầng pháp luật tốt và minh bạch cũng như các cơ quan chính phủ làm việc hiệu quả nhằm thu hút đầu tư. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam thay vì chuyển sang Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh hay Myanmar”.

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn này, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), mở đầu bài thuyết trình bằng cách dẫn chứng một khảo sát môi trường kinh doanh mà họ thực hiện hồi tháng 10 năm nay cho thấy lòng tin kinh doanh và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục giảm với mức thấp kỷ lục.

Đặc biệt là nếu việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không được thực hiện rốt ráo, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ không đưa công nghệ vào và như vậy Việt Nam sẽ vẫn là cạm bẫy của kinh tế dựa vào lao động rẻ. 

Ba lĩnh vực họ quan ngại chính là cơ chế giá, vai trò khu vực nhà nước và bản quyền sở hữu trí tuệ. Theo EuroCham, việc 40% kinh tế trong tay khu vực nhà nước tự nó không phải là vấn đề, mà vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước, nơi được ưu đãi tín dụng, quyền sử dụng đất và chỉ tiêu lãi thấp, lại kém hiệu quả.

Mặt khác, Việt Nam hiện đang cạnh tranh trên thị trường quốc tế dựa vào chi phí lao động thấp là không hợp lý, trong khi chính phủ có nhu cầu chuyển hướng từ nền kinh tế sử dụng nhiều lao động sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và công nghệ.

Trong phần kết luận, Chủ tịch EuroCham đã nhấn mạnh về ba yếu tố giúp kinh tế phát triển bền vững gồm sân chơi công bằng, môi trường kinh doanh thân thiện, và cam kết bài trừ tham nhũng. Thế nhưng chúng ta đang gặp khó về cả ba yếu tố này.

Cũng tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, sau khi nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến các quan ngại về ổn định kinh tế vĩ mô, nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý giá, chi phí lao động đã khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình, thành công của doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng là của chính mình.

Ông cho biết, sang năm 2013, các vấn đề được nêu trên đây sẽ được giải quyết một cách quyết liệt.

Không chỉ các nhà đầu tư phương Tây mà doanh nhân Nhật cũng có nhiều băn khoăn tương tự về môi trường đầu tư. Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, giáo sư Yoshiharu Tsuboi, Cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết không ít doanh nghiệp Nhật phàn nàn từ nhiều năm nay rằng sự bất định hay mơ hồ về chính sách ở Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến việc tính toán chiến lược kinh doanh của họ.

Cũng như các lãnh đạo của AmCham và EuroCham, cố vấn cao cấp của JICA cho rằng Việt Nam không nên chọn con đường lao động giá rẻ làm ưu thế của mình. Người lao động Việt Nam rất thông minh, nhanh nhẹn, và khéo tay, ngoài việc nâng cao kỹ năng, Việt Nam cần xây dựng một thể chế phù hợp với tình hình mới.

Theo giáo sư Yoshiharu Tsuboi, Nhật Bản mong muốn Việt Nam mạnh hơn nữa, không chỉ trong ngắn hạn, như tăng cường sức mạnh quân sự, mà cả trong tương lai dài, bằng cách khắc phục những điểm yếu, để thực sự trở thành một nước có vị thế trong khu vực.

Mà muốn vậy, theo ông, Việt Nam trước tiên phải nhanh chóng giải quyết ba vấn đề trọng tâm: (1) hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường khả năng điều hành làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, (2) phát triển nguồn nhân lực và (3) hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chủ lực làm mũi nhọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm yếu trong thu hút đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO