Dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Giờ G sắp điểm

Ý NHI| 30/05/2013 07:03

DHL Supply Chain (DSC) vừa công bố kế hoạch đầu tư 13 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh trước khi Việt Nam sẽ mở cửa thị trường logistics vào năm sau.

Dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Giờ G sắp điểm

DHL Supply Chain (DSC) vừa công bố kế hoạch đầu tư 13 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh trước khi Việt Nam sẽ mở cửa thị trường logistics vào năm sau.

Đọc E-paper

Cảng Cái Mép

Theo kế hoạch, DSC đầu tư 13 triệu USD để đào tạo đội ngũ nhân lực, tăng số lượng nhân viên đến năm 2015 là 2200 người, tăng diện tích kho bãi từ 91.000m2 hiện nay lên hơn 141.000m2 vào năm 2015, phát triển đội xe vận tải hơn 100 chiếc. DSC cũng đang xây mới một trung tâm phân phối tại Bắc Ninh rộng 10.000m2 và tiếp tục mở văn phòng tại Hà Nội.

Đầu tư lớn trong giai đoạn kinh tế chưa khởi sắc, ông Jan Willem Winkerlhuizen, Tổng giám đốc DSC, lý giải: "Tỷ lệ tăng trưởng của thị trường logistics tại Việt Nam hiện khoảng 25%/ năm. Việt Nam cũng là một thị trường mới nổi nên nhu cầu thuê ngoài các dịch vụ logistics cũng sẽ tăng".

Ông Ngô Lực Tải, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển cho rằng, kế hoạch của DSC sẽ tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp (DN) logistics trong nước.

"Các công ty logistics của Việt Nam còn rất nhỏ, đa số chỉ nhận làm từng công đoạn trong phạm vi dịch vụ 2 PL, trong khi các công ty nước ngoài đã đáp ứng dịch vụ lên 4 PL. Vì thế, trong 10 tỷ USD doanh thu của lĩnh vực logistics tại Việt Nam, DN nội địa chỉ nhận được thị phần chưa đầy 2 tỷ USD", ông Tải cho biết.

Đại diện Tổng công ty Tân Cảng cũng cho biết, các công ty logistics như DSC có ưu thế hoàn toàn trong lĩnh vực này. Khoảng 25 công ty nước ngoài đang tham gia vào thị trường logistics Việt Nam nhưng chiếm hết 80% thị phần.

25% GDP

Theo số liệu Dự án hỗ trợ thương mại đa biên III (Mutrap III), chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20%, thậm chí có lúc 25% GDP cả nước, khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%. Nếu như dịch vụ vận tải không phát triển sẽ kéo năng lực cạnh tranh đi xuống và làm chi phí vận tải của một đơn hàng tăng khoảng 10%, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, các công ty đa quốc gia đang áp dụng mô hình phân phối tinh giản, cắt bỏ hệ thống tổng đại lý tại vùng phân phối, thay vào đó là kết hợp với các DN cung ứng dịch vụ logistics có khả năng cung ứng dịch vụ 3 PL để giao toàn bộ công việc từ lưu kho hàng, nhận đơn hàng, xử lý đơn hàng, giao hàng đến các đại lý bán hàng trực tiếp và gom hàng, trả hàng lỗi, hàng bảo hành.

Chẳng hạn, Unilever Việt Nam mặc dù đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối được xem là lớn và hiện đại nhất ở Việt Nam với tổng diện tích kho bãi lên đến 100.000m2 tại Bình Dương, nhưng họ vẫn sử dụng dịch vụ kho vận ở bên ngoài. Những yêu cầu dịch vụ này gần như ngoài khả năng của các công ty logistics trong nước.

"Theo dự báo của chúng tôi, các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ và ô tô tại thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Hiện nay, có 6 công ty bán lẻ lớn đang chuẩn bị gia nhập thị trường. Vì vậy, chúng tôi đầu tư để đón đầu, hơn nữa, lĩnh vực logistics đòi hỏi cần có nhiều thời gian để hoàn thành nên việc đầu tư sớm là cần thiết", ông Jan Willem Winkerlhuizen cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay đã có khoảng 1.000 DN hoạt động logistics tại Việt Nam. Nhiều công ty logistics hàng đầu trên thế giới như Maersk Logistics, APL Logistics, NYK Logistics, MOL Logistics... thâu tóm thị trường bằng cách thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với các DN nội với tỷ lệ vốn khống chế.

Vì vậy, các DN Việt Nam cần phải đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Việt Nam cần phải có giải pháp cụ thể và một chiến lược quốc gia, ví dụ như xây dựng một ủy ban quốc gia về logistics.

TS. Lý Bách Chấn, giảng viên Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM, nhận định: "Việc mở rộng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài sẽ làm mất thị phần khách hàng của các DN trong nước là điều khó tránh khỏi, một khi công nghê quản lý, dịch vụ, giá thành của họ tốt hơn".

Tuy nhiên, đa phần các công ty nước ngoài phải thuê kho bãi của DN Việt Nam, hoặc liên doanh nên đây cũng là cơ hội để các DN logistics trong nước cải tổ theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn.

Một số DN như Vinafco cũng đã đầu tư chuỗi hệ thống kho đầu tư mới, quy mô lớn, đầu tư nhân sự cao cấp, mời chuyên gia giỏi nước ngoài để xây dựng hệ thống vận hành tiêu chuẩn "Best Practice"...

Theo ông Trịnh Ngọc Hiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinafco, dịch vụ kho vận sẽ là dịch vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Vinafco trong giai đoạn từ nay đến 2014.

Việt Nam không nên quá dựa vào việc chuyển giao công nghệ và các giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu không, Việt Nam sẽ luôn đi sau và rất khó cạnh tranh với các công ty cung cấp chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Giờ G sắp điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO