Để rộng cửa vào thị trường Trung Quốc

Minh Hào| 10/04/2019 04:04

Thị trường khoảng 1,4 tỷ dân của Trung Quốc luôn là đích nhắm của nhiều doanh nghiệp (DN), và năm nay, cơ hội cho hàng Việt Nam càng rộng mở thông qua kênh xuất khẩu chính ngạch.

Để rộng cửa vào thị trường Trung Quốc

Thị trường lớn

Với lượng người tiêu dùng đứng đầu thế giới, Trung Quốc là thị trường lớn của DN Việt Nam. Chỉ riêng mặt hàng thủy sản, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc khoảng hơn 3 triệu tấn/năm chưa kể nguồn nuôi trồng, khai thác rất lớn từ trong nước. Từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc chiếm thị phần lớn là tôm và cá tra, trong đó tôm sú chiếm tỷ trọng cao và tăng mạnh trong 5 năm qua, có năm tăng đến 50%.

Hiện nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cần rất nhiều thủy sản nhập khẩu do lo ngại về an toàn thực phẩm trong nước. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua những sản phẩm đã được thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận.

Đã khai phá thị trường này mấy chục năm, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho rằng, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho DN Việt Nam. Với thu nhập bình quân đầu người gần 10.000 USD và gần 20.000 USD tại các thành phố lớn, Trung Quốc là thị trường rất hấp dẫn về sức mua. Không những thế, với vị trí của một nước láng giềng, xuất hàng hóa sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi cho DN trong việc vận chuyển, giao nhận, xử lý thông tin.

Những năm qua, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh và nhiều mặt hàng được ưa thích tại siêu thị Trung Quốc như Thanh Long, cà phê Trung Nguyên, bánh pía Sóc Trăng... Riêng với Vinamit, Trung Quốc là thị trường trọng điểm khi hầu hết trái cây sấy của DN này đã có mặt trên các kệ hàng của kênh phân phối hiện đại của đất nước đông dân nhất thế giới nhiều năm nay. Vinamit là DN đầu tiên nhận được chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc.

Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh miền tây Nam bộ vào tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng hàng hóa của Trung Quốc ngày càng cao hơn. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/4/2018, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam. Để tăng cường nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc điều chỉnh thuế nhập khẩu theo hướng tích cực. Cụ thể, từ ngày 1/7/2018, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với thủy sản của Việt Nam.

Tăng xuất khẩu chính ngạch

Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc lớn nhưng lâu nay, sản phẩm của Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại toàn cầu, năm 2017 Việt Nam nằm trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc nhưng chỉ chiếm 3% thị phần với 230 triệu USD kim ngạch. Và theo Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về nguồn cung vào thị trường này, trong đó chủ yếu là xuất khẩu biên mậu.

Các DN cho rằng, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua đường biển hiện đang rất thuận lợi bởi chi phí rẻ. So với xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển giúp DN hạn chế rủi ro về thanh toán, tiết kiệm chi phí. "Năm 2019 sẽ là cơ hội cho DN mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn chất lượng mà nước này đưa ra. Đặc biệt, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng thủy sản hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang online tại Trung Quốc cũng là cơ hội cho DN  thủy sản Việt Nam. Với những thuận lợi đó, chúng tôi kỳ vọng đạt 700 triệu USD kim ngạch đối với mặt hàng tôm, tăng 42% so với năm 2018" - ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Trung Quốc cũng là cơ hội để DN Việt Nam bán hàng qua kênh chính ngạch. Một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc là Alibaba cũng đang tìm kiếm các đối tác để đưa hàng Việt Nam, chủ yếu là nông sản và thủy hải sản sang Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.

Riêng với thương mại điện tử, khi đã bán hàng qua mạng sang Trung Quốc, DN phải cam kết về chất lượng cũng như sản lượng. "Việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch chính là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và số lượng xuất khẩu chính ngạch, giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường" - đại diện VASEP nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để rộng cửa vào thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO