Để nền kinh tế tăng trưởng ổn định và vững chắc

TS.Trần Hoàng Ngân (*)| 29/12/2020 06:00

Nhờ kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 bằng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân nên ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế Việt Nam ít hơn, thấp hơn các nước khác. Năm 2020, dự báo kinh tế thế giới âm 4,4%, tức tổn thất từ 6.000-7.000 tỷ USD, nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng khoảng 2,5%. Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước có GDP tăng trưởng dương duy nhất, trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

TS.Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

TS.Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Năm 2020 là năm cuối của kỳ kế hoạch kinh tế - xã hội 2016-2020. Trong 4 năm đầu, kinh tế Việt Nam phát triển khá tốt, GDP từ 6,2% năm 2016 tăng trên 7% trong hai năm 2018-2019. Tuy nhiên năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xô đổ sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, trong đó kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ kiểm soát rất tốt đại dịch bằng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân nên ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế Việt Nam ít hơn, thấp hơn các nước khác, do đó năm 2020 dự báo kinh tế thế giới âm 4,4%, tức tổn thất từ 6.000-7.000 tỷ USD, GDP của Việt Nam vẫn tăng khoảng 2,5%. Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất, trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Năm năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và vững chắc. Cụ thể như lạm phát được kiểm soát dưới 4%, cán cân thương mại, cán cân thanh toán vãng lai liên tục thặng dư. Năm 2020, thương mại toàn cầu giảm 10% nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 5%, khả năng xuất siêu cao nhất từ trước đến nay, khoảng 20 tỷ USD. Điều ấy giúp cho dự trữ ngoại hối tăng, góp phần tạo nền tảng giúp giá trị đồng tiền ổn định, thậm chí lên giá so với một số đồng tiền khác.

Đặc biệt là Việt Nam đang tái cơ cấu  nền kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân trở thành chủ đạo của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thể hiện qua việc đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định ngày tạo lợi thế cho Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa. Ngược lại, việc nhập hàng hóa từ các nước cũng thuận lợi hơn nhiều. Nhìn chung, việc đa dạng hóa thị trường là hướng đi đúng của Việt Nam thời gian qua. Các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm nên hàng hóa của Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường các nước. 

bai-1-kinh-te-3833-1608867931.jpg

Việt Nam xuất siêu khoảng 20 tỷ USD trong năm 2020, trong đó đóng góp nhiều nhất là khu vực FDI, chiếm trên 60%. Điều đó có nghĩa Việt Nam đang tham gia dần vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng còn ở mức độ gia công. Vì vậy thời gian tới làm sao tăng giá trị gia tăng cao hơn. Muốn vậy phải đột phá trong phát triển CNC (máy móc được điều khiển bằng máy tính), đột phá trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ để gắn kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, từ đó tạo ra giá trị tăng thêm trong sản phẩm do người Việt Nam tạo ra, khi đó giá trị xuất khẩu sẽ càng cao.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Việt Nam dù kiểm soát tốt đại dịch nhưng không thể chủ quan. Mục tiêu của năm 2021 vẫn là mục tiêu kép, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, vì nếu để lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng thì kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó là cải cách thể chế, nhất là đột phá về tư duy trong quy trình thực hiện thể chế mới, trong đó làm sao để hệ thống luật đồng bộ, có tính lâu dài, ổn định, tránh sự xung đột giữa các luật; phải làm sao thể hiện vai trò độc lập hơn của Quốc hội trong xây dựng pháp luật.

Đột phá tiếp theo là về hạ tầng. Thời gian vừa qua, đầu tư cho hạ tầng rất nhiều nhưng hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ vẫn là điểm nghẽn lớn, làm tăng chi phí logistics.

Quá trình phát triển của cuộc cách mạng 4.0 thì hạ tầng chuyển đổi số càng quan trọng, cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa.

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao càng phải được đẩy mạnh, nhất là phải tạo ra cơ chế thu hút nhân tài để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

1344455-1537-1608867931.jpg

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn phải triển khai rộng rãi, sâu sắc hơn; phải giải quyết bài toán về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc thoái vốn, hoặc giải thể doanh nghiệp nhà nước nếu xét thấy không cần thiết. Tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành mà khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng đầu tư, những ngành mang tính chất lan tỏa vào cộng đồng, dẫn dắt thị trường, còn lại để cho khu vực kinh tế tư nhân đảm nhiệm. 

Hiện nay, các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều cho thấy triển vọng khá tốt của kinh tế thế giới năm 2021. Đó là kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V. Trong đó các dự báo dành cho Việt Nam có sự cải thiện rất tốt, mức dự báo GDP dao động từ 6,1-6,5% trong năm 2021. Tuy nhiên điều quan trọng là tạo được sự bình yên, tạo được an toàn cho cộng đồng trong đại dịch. Khi mọi chuyện được kiểm soát tốt thì lò xo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bung trở lại.

(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để nền kinh tế tăng trưởng ổn định và vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO