Để chơi được với những "gã khổng lồ"?

Hồng Nga| 28/08/2020 01:30

Trong tiến trình hội nhập, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nếu có quyết tâm...

Để chơi được với những

Lớn mạnh cùng doanh nghiệp toàn cầu 

Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang là nhà cung cấp trực tiếp linh kiện xe máy cho Honda Việt Nam trong hệ thống Honda toàn cầu nhiều năm nay. Nhưng để trở thành nhà cung ứng cho Honda, Mạnh Quang phải trải qua một quá trình cải thiện toàn diện mọi hoạt động doanh nghiệp. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty Mạnh Quang, năm 2000, trong chương trình tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thay cho hàng nhập khẩu, Honda Việt Nam đã tiếp cận họ. Thời điểm đó, Mạnh Quang còn rất lạc hậu, làm theo thói quen, chưa tiêu chuẩn hóa nên chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn làm nhà cung cấp của Honda. 

Nhận thấy thấy đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp phát triển, Mạnh Quang quyết định thay đổi, từ quản trị bộ máy, công nghệ cho đến sản xuất theo hướng “chuẩn hóa quốc tế”. Và sau 8 năm học hỏi, quyết liệt thay đổi và cải tiến, Mạnh Quang trở thành nhà cung ứng các linh kiện nhông, đĩa, xích xe máy cho Honda.

Cũng như thế, để trở thành nhà cung ứng của Toyota, Công ty CP Nhựa Hà Nội cần đến 10 năm hoàn thiện quản trị doanh nghiệp và đầu tư trang thiết bị. Theo đại diện Nhựa Hà Nội, năm 2017, Toyota yêu cầu họ áp dụng mô hình quản lý 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, luôn duy trì và tự giác) -  điều kiện bắt buộc nếu muốn trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp này.

Và từ giữa năm 2017, với sự hỗ trợ hướng dẫn từ bộ phận chuyên trách của Toyota, Nhựa Hà Nội áp dụng thành công mô hình 5S. Hai năm sau, vào năm 2019, họ cắt giảm được 2,8 tỷ đồng chi phí hoạt động. Quan trọng hơn, công ty này đã tăng lượng phụ tùng cung cấp cho Toyota từ 3 lên 29 phụ tùng. 

nha-cung-cap-2096-1598585314.jpg

Tại TP.HCM, Nhựa Duy Tân cũng là doanh nghiệp thành công nhờ đầu tư mạnh vào máy móc thiết bị, công nghệ, quản trị hệ thống… nhờ vậy đáp ứng tốt yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài. Trong hai mảng lớn là nhựa gia dụng và bao bì, mảng nhựa gia dụng góp đến 50% doanh thu của Nhựa Duy Tân. Với sự đầu tư, cải tiến theo “đặt hàng” của đối tác nước ngoài, Nhựa Duy Tân đã trở thành nhà cung ứng cho rất nhiều thương hiệu lớn quốc tế, trong đó gần như bao bì của các nhãn hàng thuộc Unilever như Omo, Comfort, Sunlight, Lux… tại Việt Nam đều do Duy Tân cung ứng.

Đi cùng "gã khổng lồ"

Đi cùng “gã khổng lồ”, chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ lớn mạnh. Rất tiếc, số doanh nghiệp này chưa nhiều. Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Để trở thành nhà cung ứng quốc tế” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc phát triển nhà cung cấp Công ty Apex nêu nguyên nhân do xuất phát từ tâm lý các doanh nghiệp Việt luôn chọn an toàn và e dè khi có các cơ hội mở rộng. Họ thường tự thích tự mày mò đi tìm hiểu các tiêu chuẩn, các cách để vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì tận dụng nguồn tư vấn sẵn có. Vì tự tìm hiểu, nên doanh nghiệp thấy điều đó quá khó khăn.

Một trở ngại khác là các doanh nghiệp Việt thường tập trung vào tài sản hữu hình mà ít quan tâm đến tài sản vô hình như con người, quản trị… Trong khi xu hướng trên thế giới đã chuyển từ hữu hình sang vô hình. Adidas, Nike… không có tài sản gì nhưng vẫn có được thương hiệu lớn. 

Toyota-3209-1598585314.jpg

Theo ông Nguyễn Mạnh Quang - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang, điều khó khăn nhất của doanh nghiệp là phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen và sự quyết tâm, sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với hệ thống đánh giá nhà cung cấp của họ. Nền tảng cơ bản là doanh nghiệp phải có công nghệ, có thể sản xuất ra sản phẩm họ đang tìm mua. Khi đã có nền tảng, doanh nghiệp phải nghĩ đến việc vận hành, sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả tập đoàn lớn đều có bộ tiêu chuẩn đánh giá nhà cung cấp. Khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một “ông lớn” rồi thì việc nói chuyện với đối tác, khách hàng khác trở nên dễ hơn và có khi được giá hơn vì họ yên tâm chất lượng.

Trên thực tế, những doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam đâu đó vẫn có “bóng dáng” của các doanh nghiệp nước ngoài. Toàn cầu hóa và việc tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt phát triển. “Doanh nghiệp cần hiểu rằng, khi cơ hội đến, các chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng hỗ trợ cho họ, tạo điều kiện nhất định cho họ dám đổi mới và nắm bắt cơ hội. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp họ “thay da đổi thịt”. Thay vì giữ thế phòng thủ, doanh nghiệp cần mở lòng, đón nhận thách thức mới, quyết tâm nâng cao giá trị”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Kinh nghiệm thực tiễn tại các mô hình “đi cùng các gã khổng lồ thành công” cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài rất sẵn lòng hỗ trợ chuyển giao công nghệ, quy trình, mô hình quản lý cho nhà cung cấp. Ngoài ra, khi trở thành đối tác, doanh nghiệp Việt còn có cơ hội sử dụng nhà xưởng và con người hiện có của các ông lớn, qua đó tăng được hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh và tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để chơi được với những "gã khổng lồ"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO