Để cạnh tranh với gà công nghiệp của doanh nghiệp FDI

THIÊN THẢO| 23/01/2017 06:36

Những mô hình bảo tồn, chọn lọc nhân giống gà đặc hữu Việt Nam chắc hẳn sẽ "gợi ý” cho những doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nuôi với quy mô lớn.

Để cạnh tranh với gà công nghiệp của doanh nghiệp FDI

Những mô hình bảo tồn, chọn lọc nhân giống gà đặc hữu Việt Nam chắc hẳn sẽ "gợi ý” cho những doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nuôi với quy mô lớn vì cả triệu con mỗi tháng vẫn chưa đủ cho thị trường. Đây cũng là hướng kinh doanh có thể cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp FDI đang tập trung nuôi gà công nghiệp.  

Đọc E-paper

Mấy năm gần đây, ước tính mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 100.000 tấn thịt gà, bằng 1/10 lượng thịt gà mà doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI sản xuất được, nhưng bấy nhiêu cũng đã làm cho người chăn nuôi phập phồng lo âu, thậm chí có doanh nghiệp phá sản.

Thịt gà nhập khẩu không phải để bù đắp lượng thiếu hụt mà do giá quá rẻ. Chẳng hạn giá đùi gà đông lạnh nhập về Việt Nam chỉ 0,9 USD/kg trong khi tại các siêu thị Walmart ở Mỹ giá 2,79 USD/kg (cánh gà 3,3 USD/kg, ức gà 4,38 USD/kg, gà nguyên con 3,39 USD/kg). Thịt gà nhập từ Brazil, Hàn Quốc cũng có giá tương đương.

Vì sao giá thịt gà nhập khẩu rẻ?

Nếu bỏ qua việc bán phá giá thì trước hết không thể không nghi ngờ đó là thịt gà sắp hết hạn sử dụng, thay vì chế biến làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, chủ doanh nghiệp bán cho đơn vị mua để xuất về Việt Nam. Thứ hai, do xu hướng tiêu dùng của người Mỹ chỉ ăn ức gà, còn đùi và cánh được xem là phụ phẩm. Hoặc gà nhập từ Hàn Quốc, Brazil vốn là gà đẻ trứng đã khai thác hết vòng đời.

Tính toán của một chủ trại nuôi gà ở Bình Dương cho thấy, gà Mỹ nhập về với giá tương đương 15.200 đồng một kg gà sống (gà hơi). Nếu trừ chi phí thì giá gà hơi chưa tới 10.000 đồng một kg, rẻ hơn gà Việt Nam 15.000 đồng, trong khi giá thức ăn cho gà ở Mỹ và Việt Nam chênh lệch không nhiều, tức chi phí sản xuất một kg gà tương tự tại Việt Nam, khoảng 1,31 - 1,36 USD.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã nhiều lần bàn bạc về việc kiện doanh nghiệp Mỹ bán phá giá thịt gà nhưng vẫn chưa thực hiện được do thiếu nhất trí của hội viên vì để kiện chống bán phá giá đòi hỏi phải có đầy đủ chứng cứ và phải thật kiên trì. Vụ kiện chống bán phá giá tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một bài học kinh nghiệm quý giá, khi phải mất 14 năm với chi phí đến 55 triệu USD, chủ yếu cho luật sư, doanh nghiệp tôm Việt Nam mới có được những phán quyết có lợi từ Mỹ.

>>Chưa thể đưa gà Mỹ ra tòa vì... "thiếu tiền"

Vẫn có cách đối phó với thịt gà nhập giá rẻ là đặt ra hàng rào kỹ thuật và thuế quan. Với cả hai biện pháp trên, Việt Nam đều giải quyết không triệt để.

Hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam chưa bao giờ phát hiện ra chất cấm ở thịt gà nhập khẩu. Và thuế suất thì tạo điều kiện cho sự gian dối: gà nhập nguyên con bị đánh thuế 40%, trong khi gà pha lóc chỉ 20% nên đơn vị nhập khẩu đều lách được mức thuế 40% bằng cách bỏ phần đầu, vì gà không đầu được xem là gà pha lóc nên chỉ chịu mức thuế 20%!

80% thị phần thuộc doanh nghiệp FDI

Hiện nay, doanh nghiệp FDI đang chiếm thị phần lớn nhất về gà công nghiệp với gần 80%. Sự vượt trội của các doanh nghiệp FDI chính là tổ chức chăn nuôi rất bài bản: xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ con giống, thức ăn, trang trại, nhà máy chế biến đến mạng lưới phân phối.

Bằng cách làm ấy, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chiếm đến 40% thị phần gà công nghiệp tại Việt Nam. Ngay khi đặt chân vào Việt Nam, CP chọn đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn và chiếm thị phần này trước vì biết rằng trong ngành chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành sản phẩm.

Đầu tư khép kín để giảm chi phí sản xuất giúp CP đạt được mức giá thịt gà hợp lý. Cách chăn nuôi của CP chủ yếu là hợp tác gia công với các trang trại bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Vì thế CP không hề e ngại thịt gà nhập khẩu.

Các tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực chăn nuôi gà tại Việt Nam như Emivest, Japfa, Sunjin Vina... đều thực hiện cách làm này khi chủ động về giống, thức ăn và liên kết với các chủ trang trại để ký hợp đồng nuôi gia công, nên luôn có giá thành hạ hơn so với các doanh nghiệp trong nước vốn chỉ có thể thực hiện được một hai khâu trong chuỗi giá trị chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ lại đang chiếm đến khoảng 50% lượng thịt gà tiêu thụ hằng ngày.

Nếu là "Con gà cục tác lá chanh"?

"Con gà cục tác lá chanh" là nói về cách chế biến một món gà được chuyển tải bằng hình thức văn học rất dí dỏm, dễ nhớ, dễ thực hành. Mà phải là "gà ta", tức những giống gà thuần Việt thì dùng với lá chanh mới ngon, bởi thịt chắc, thơm, vị ngọt, da vàng giòn.

Do khẩu vị truyền đời nên người tiêu dùng Việt Nam chê gà công nghiệp "nhạt thếch", nhưng nếu chỉ nuôi gà ta theo cách mỗi hộ nhiều nhất năm ba chục con thì không thể đủ cho nhu cầu thị trường, vì thế, để cạnh tranh với phân khúc gà công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có lối đi riêng, đó là chăn nuôi công nghiệp các giống gà ta thả vườn.

Mặc dù có chu kỳ nuôi lâu hơn gà công nghiệp nhưng gà ta dễ nuôi, chủ yếu là nuôi thả trong khuôn viên hàng rào, sử dụng một số nông sản và phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương làm thức ăn nên giá thành sản xuất giảm, giá bán lại cao do thịt ngon hơn hẳn gà công nghiệp. Hiện nay, sản xuất giống gà ta là "sân chơi" của các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI hoàn toàn bỏ trống mảng này, đã giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Với cách xây dựng chuỗi liên kết bền vững, hợp đồng gia công với nông dân, hỗ trợ con giống, kỹ thuật, cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm, nên các doanh nghiệp chăn nuôi có tên tuổi như Ba Huân, Bình Minh, Hùng Nhơn, San Hà đang chiếm lĩnh thị trường gà ta. Nhưng "gà ta" của các doanh nghiệp ấy chủ yếu là giống lai nên ngoài khả năng lớn nhanh, nhiều thịt, ít dịch bệnh thì không thể trở thành "đặc sản" vì thịt không ngon bằng gà thuần chủng nuôi tự nhiên.

>>Vì sao ngành chăn nuôi dễ "chết" khi vào TPP?

Việt Nam có những giống gà rất độc đáo, có loại trưởng thành đến 7 - 8kg/con, ngày trước là sản vật tiến vua nhưng ngày nay đã có một số cơ sở nuôi tập trung, dù chưa nhiều. Có thể kể 8 loại gà nổi tiếng nhất, đó là gà ri, gà Đông Tảo, gà Lạc Thủy, gà hồ, gà mía, gà tàu vàng, gà ác, gà rừng, là những giống gà thuần nhất, nguồn gene đặc hữu riêng có của Việt Nam.

Mấy năm qua đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi tập trung gà đặc hữu cho ăn kèm một số thảo dược để phòng bệnh như của gia đình ông Nguyễn Văn Lại ở Bắc Giang, của gia đình bà Lữ Thị Thu Giang ở Nghệ An... Đặc biệt trại gà giống nhiều loại đặc hữu của bà Thu Hà ở Hà Nam, trại gà rừng giống của bà Đỗ Thị Xuân ở Đồng Nai đã nhân đàn thành công ở quy mô trang trại.

Những mô hình bảo tồn, chọn lọc nhân giống ấy chắc hẳn sẽ "gợi ý" cho những doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nuôi những giống gà quý với quy mô lớn vì cả triệu con mỗi tháng vẫn chưa đủ cho thị trường. Đây cũng là hướng kinh doanh có thể cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp FDI đang tập trung nuôi gà công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để cạnh tranh với gà công nghiệp của doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO