Đầu tư truyền hình: Nóng, lạnh trong "lò đốt tiền"

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN| 12/07/2015 06:18

Đầu tư cho truyền hình không chỉ đòi hỏi trường vốn mà còn phải có thực lực về nội dung để thu hút các thương hiệu quảng cáo

Đầu tư truyền hình: Nóng, lạnh trong

Truyền hình là ngành đòi hỏi mức đầu tư rất lớn, chỉ cần một ngày không có doanh thu là doanh nghiệp có thể lâm vào khủng hoảng. Vì vậy, đầu tư cho truyền hình không chỉ đòi hỏi trường vốn mà còn phải có thực lực về nội dung để thu hút các thương hiệu quảng cáo.

Đọc E-paper

Năm 2014, tổng kinh phí doanh nghiệp (DN) đổ vào quảng bá trên truyền hình Việt Nam là 34,3 ngàn tỷ đồng, chiếm đến 91% ngân sách quảng bá của các thương hiệu.

Tuy thị trường có đến gần 200 kênh truyền hình, con số "chục ngàn tỷ” ấy đặc biệt chỉ tập trung cho khoảng 10 cái tên có tiếng như VTV, HTV, THVL, Today TV, Yan TV, You TV, Style TV...

Những con số đẹp, và hơn thế nữa

Năm 2008, ông Lâm Chí Thiện, Tổng giám đốc Tập đoàn IMC cùng với vài cổ đông sáng lập IMC đã đầu tư cho kênh truyền hình TodayTV. Chỉ 5 năm sau, IMC đã là cái tên lớn trong ngành.

Bởi ngoài TodayTV, IMC còn có thêm kênh truyền hình SNTV, You TV và đã sáp nhập thêm Công ty CP Truyền thông AMI, sản xuất hai ấn phẩm Mẹ yêu bé và Thế giới Điện ảnh.

Năm 2013, Rail TV - kênh truyền hình trên hệ thống đường sắt Việt Nam cũng về tay IMC và đến 2015, MTV, kênh truyền hình chuyên về âm nhạc cũng đã là thành viên trong "đại gia đình" IMC.

Khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu độc lập cho thấy, hiện, Today TV là kênh truyền hình có lượng khán giả ở các tỉnh - thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ... lên đến 80%.

>>TP.HCM cho phép quảng cáo bằng màn hình led

Đơn vị này đang gấp rút đầu tư một tòa nhà có 6 rạp chiếu, 1 phim trường và 1 nhà hát. Tất cả nhằm phục vụ cho IMC để hoàn thiện mình thành một tập đoàn công nghiệp giải trí.

Sự phát triển của IMC là một minh chứng cho tiềm năng rất lớn của DN tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh truyền hình.

180

Số liệu mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện cả nước có 180 kênh phát thanh, truyền hình có thể quảng bá, tăng 2 kênh so với năm 2013, trong đó có 105 kênh truyền hình và 75 kênh phát thanh.

Tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép là 40, tăng gần gấp đôi so với năm 2013.

Theo chỉ số chi phí quảng cáo ADEX (Advertisement Expenditure) do GM TYNY đưa ra, tại thị trường Việt Nam, trong năm 2014, chi phí quảng cáo mà các DN chi ra vẫn tăng đến 18%, tương đương 38 ngàn tỷ đồng.

Năm 2015, con số này dự kiến lên đến 44,5 ngàn tỷ đồng.

Trong đó, quảng cáo trên truyền hình chiếm phần lớn, tương đương 39,46 ngàn tỷ đồng. "Ngoài những con số đủ "đẹp" để thu hút DN đầu tư như thế, kinh doanh kênh truyền hình có những điều hấp dẫn khác", ông Lâm Chí Thiện chia sẻ.

Theo ông Thiện, đầu tư cho việc tham gia vận hành cả một kênh truyền hình không khác gì một đài truyền hình thu nhỏ bởi DN phải có đủ các bộ phận, từ nhân lực đến trang thiết bị.

Đơn cử, số vốn đầu tư ban đầu để tham gia thị trường của IMC là 160 tỷ đồng.

>>Ngành truyền thông quảng cáo: Xe song mã

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Trọng, Tổng giám đốc Công ty Truyền hình cáp STV cho biết, để có thể phát sóng 4 đến 6 giờ nội dung/ngày thì cơ cấu bề nổi cho 1 kênh truyền hình ít nhất phải có 20 camera, 3 đoàn làm phim, 3 phòng giải trí, 2 phòng tin tức..., nhân lực lên đến 200 người/kênh.

Được ăn cả, ngã về không

Đầu tư lớn về người lẫn của nhưng rủi ro trong ngành khá cao. Theo ông Lê Đình Trọng, nếu các ngành kinh doanh sản phẩm hữu hình nắm trong tay sản phẩm có thể định lượng rõ ràng thì truyền hình lại kinh doanh sản phẩm ảo, gần như thiên về định tính.

Sản phẩm trong kinh doanh truyền hình không phải là bộ phim hay game show mà là doanh số bán được cho các thương hiệu để họ xuất hiện, quảng bá trong giờ phát bộ phim hoặc game show ấy.

Do vậy, kinh doanh truyền hình hơn thua nhau ở chỗ thuyết phục được DN và gây dựng niềm tin với khán giả.

Có thể nói, kinh doanh truyền hình phụ thuộc hoàn toàn vào "sức khỏe" của DN sản xuất, dịch vụ. Chỉ cần kinh tế có dấu hiệu xuống dốc là toàn bộ doanh thu của ngành bị ảnh hưởng.

>>Âm nhạc cho quảng cáo - Xu thế mới

Năm 2013, Sabeco dành ngân sách 1.041,34 tỷ đồng cho quảng cáo.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, chi phí quảng cáo, tiếp thị tại Sabeco đạt 286,34 tỷ đồng, tăng 42,26 tỷ đồng, tương ứng 17,31% so cùng kỳ năm trước.

Vinamilk cũng mạnh tay chi cho quảng cáo. Năm 2013, ngân sách quảng cáo tại Vinamilk là 885 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu 2014, chi phí quảng cáo của Công ty là 462 tỷ đồng, cả năm 2014, Vinamilk cán đích 1.000 tỷ đồng cho quảng cáo.

Giai đoạn năm 2010 - 2011, kinh tế có dấu hiệu giảm sút, rất nhiều kênh truyền hình rơi vào bế tắc.

Ông Trọng nhận xét: "Người trong ngành nói vui với nhau rằng kênh truyền hình không khác lò đốt tiền. Chỉ cần một ngày không doanh thu là lập tức bị khủng hoảng".

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, chỉ cần một năm hoạt động không hiệu quả, con số thiệt hại có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Điển hình là trong cơn khủng hoảng kinh tế, Style TV bị ảnh hưởng tương đối nặng.

Tiết lộ từ STV cho thấy, người đứng đầu đơn vị này đã phải bán đất, thế chấp tài sản để "nuôi" Style TV một giai đoạn dài.

"Ngành truyền hình mới tăng trưởng trở lại từ đầu năm 2013 đến nay. Mức tăng chỉ ở tầm 18%/năm cũng là con số khả quan. Thời gian tới, dù không tăng đột biến nhưng mức tăng trưởng vẫn chắc chắn", ông Trọng khẳng định.

>>225 hoạt chất thuốc được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư truyền hình: Nóng, lạnh trong "lò đốt tiền"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO